Ngõ tranh gốm độc nhất vô nhị

Đường tranh gốm - niềm tự hào của tổ dân cư 28, phường Dịch Vọng Hậu. Ảnh: N.M.Hà.
Đường tranh gốm - niềm tự hào của tổ dân cư 28, phường Dịch Vọng Hậu. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Một con ngách thậm chí còn chưa được đánh số ở Cầu Giấy, Hà Nội bỗng trở nên nổi tiếng toàn quốc sau khi người dân nơi đây bỏ ra cả trăm triệu đồng để trang trí. Hà Nội bên cạnh Con đường gốm sứ trứ danh nay có thêm “ngách gốm sứ” tuy chỉ dài cỡ 200m cũng thu hút kha khá khách tham quan. 

Tranh gốm thường dùng trang trí nội thất hay trong khuôn viên nhưng ở tổ 28, ngõ 78, phố Duy Tân, chúng phơi ngoài lối đi cho bàn dân thiên hạ tha hồ đến chiêm ngưỡng. Niềm tự hào của ngõ tranh gốm thể hiện ngay ở tấm biển cỡ lớn gắn ở đầu vào ghi rõ “Đường tranh gốm khu 18/4”. Khu này trước là đất của khu sản xuất, kinh doanh của người tàn tật 18/4, nay được quy hoạch thành khu dân cư.

Vì dãy nhà của tổ đối diện tường bao của một trường học nên nguy cơ nhãn tiền là ngày ngày người dân phải trông ra đủ thể loại quảng cáo rao vặt phun sơn hoặc dán giấy lên tường. Nhiều ý tưởng được đưa ra để xử lý, nào là treo chậu cây lên tường, trồng tre trúc ven tường. Nhưng rồi chỉ vì bức tranh gốm to choán gần hết bức tường trong phòng khách của bà Vũ Thị Bắc ở số nhà 37, mà ngõ tranh gốm thành hình. Mọi người tới nhà bà thấy tranh hay bèn đề nghị bà đứng ra chủ trì, làm cầu nối với đơn vị thi công tranh gốm bên Bắc Ninh.

Tường bao trường học cứ 3 mét lại đổ một cột trụ. Mỗi gia đình tự chọn mẫu tranh để ốp cho 3 mét tường trước mặt nhà mình. Riêng phong cảnh làng quê đã có vài phiên bản khác nhau tha hồ chọn. Hồ GươmVinh quy bái tổ cũng là mẫu nhiều nhà thích. Trung bình mỗi bức tranh như thế có giá 5 triệu đồng. Một số nhà phải bỏ ra 10 triệu vì “sở hữu” khoảng tường rộng gấp đôi. 

Có nhà tiết kiệm bằng cách chỉ dùng một bức tranh nhỏ, còn đâu xung quanh ốp gạch gốm, giá giảm xuống một nửa. Duy một bức tranh không giống ai. Tranh thể hiện cảnh đàn cá chép giỡn hoa sen, có cả chim bói cá, chuồn chuồn với đường nét trau chuốt. Bề mặt tranh được tráng men chứ không để mộc như các bức khác. Đó là tranh của gia đình NSND Minh Hòa, do một họa sĩ làm tặng.

Ngõ tranh gốm độc nhất vô nhị ảnh 1

Tranh sứ trước cửa nhà NSND Minh Hòa.

Ngoài bức tranh chính còn có tranh viền bên dưới - hầu hết mọi người chọn hình hoa sen - và gạch ốp cột trụ vẽ đèn lồng. Mỗi cặp tranh viền và ốp cột giá 1 triệu đồng. Bà Bắc cho hay, toàn bộ phần tranh phụ này do bà chi trả. Hiện vẫn còn một số mảng tường trống. Bà Bắc cho hay sẽ cùng tổ dân cư tiếp tục thuyết phục để đường tranh trở nên liền mạch.

Sau gần một năm thi công, cuối 2014, ngõ tranh gốm đã thành hình. Gam màu chủ đạo của ngõ giờ là màu nâu đỏ của đất nung. Sen cũng đơm hoa hồng phớt trên nền nâu đỏ. Duy có một nhà hoa sen nổi trên nước xanh biếc, có cả đàn chép lượn quanh phun bong bóng. Hỏi ra mới biết chủ nhà, ông Hồ Sĩ Thạo vốn là kiến trúc sư. Chính ông đã tô vẽ thêm cho bức tranh của nhà mình. Sau một năm dầm mưa dãi nắng, tranh bắt đầu bong. Người dân nghĩ ra cách bắt vít tranh “chết” vào tường. Sau đó, công ty đến bảo dưỡng tranh cũng làm theo cách này.

Hoàn tất tường tranh gốm, ngõ lại hò nhau làm đường nhựa, làm hệ thống thoát nước riêng. Vì ngách cụt nên vào những dịp đặc biệt như Trung thu, bọn trẻ chỉ việc trải chiếu ra đường là có thể phá cỗ. Ngõ tranh bắt đầu có đông du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh, bà Bắc nghĩ ra việc làm biển gắn ở đầu ngõ để người lạ dễ tìm”. 

Một trong những lý lẽ bà Vũ Thị Bắc, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Dịch Vọng Hậu, đưa ra khi thuyết phục tổ dân làm ngõ tranh gốm: “Để con đường bẩn, các ông bà có nhu cầu chuyển đổi bán nhà sẽ không được giá. Nếu có đường tranh gốm đẹp cảnh quan thì ngủ một đêm sáng mai dậy tiền tỷ rơi vào cửa”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.