Ngộ độc chì vì... tẩm bổ

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Hàng nghìn trẻ bị ngộ độc chì, trong đó gần 200 trẻ nhiễm chì từ thuốc Nam đã được xác định tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong hơn 3 năm qua. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, còn có hàng nghìn trẻ bị ngộ độc chì từ các nguồn khác trong khi bố mẹ cứ nghĩ là… tẩm bổ.

Ngộ độc vì thuốc cam

Bệnh nhân Bùi Phương Ngân (31 tháng tuổi, trú tại Kim Bôi, Hòa Bình) đến cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng co giật, thiếu máu. Gia đình cho biết, khi trẻ 5-6 tháng, bé Ngân bị tưa lưỡi nên mẹ bé đã mua thuốc cam dạng bột màu vàng, bán rong không có nhãn mác, địa chỉ sản xuất để cho bé dùng. Liều uống là 2 lần/ngày, kéo dài 60 ngày, bôi 3 lần/ngày kéo dài 60 ngày. Sau khi dùng thuốc cam 1 năm, bé Ngân có biểu hiện quấy khóc vật vã, ăn kém, co giật tím tái 6 lần, da xanh nhợt.

Gia đình đã phải đưa bé Ngân nhập viện cấp cứu tới 8 lần/năm, mỗi đợt điều trị 1 tháng, truyền máu tới 6 lần nhưng bác sĩ vẫn không chẩn đoán rõ nguyên nhân. Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), các xét nghiệm cho thấy chì trong máu ở mức 64,9mcg/dl, cao gấp gần 5 lần so với bình thường. Còn mẫu thuốc cam gia đình vẫn lưu giữ là 5mcg/g thuốc. Các bác sĩ đã khẩn trương điều trị cho bệnh nhi theo phác đồ điều trị ngộ độc chì, sau 15 đợt điều trị, chì máu của bé Ngân còn 13,1mcg/dl. Bé đã tăng cân, tỉnh táo, không còn cơn co giật, điện não đồ bình thường, tình trạng thiếu máu được cải thiện.

Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn (Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai), bé Ngân là 1 trong gần 160 trẻ đã được điều trị ngộ độc chì do thuốc cam tại Trung tâm Chống độc. Các bệnh nhân đến từ 16 tỉnh thành phía Bắc, trong đó dẫn đầu là Hà Nội với 53 ca (33,1%), tiếp đến là Bắc Giang (34 ca), Phú Thọ (11 ca), Ninh Bình (9 ca)… “Chì máu cho phép ở trẻ theo quy định hiện nay là dưới 15mcg/dl, tuy nhiên, theo nghiên cứu mới nhất tại Mỹ, chỉ cần chì máu ở mức 0,73mcg/dl đã ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ ở trẻ. Chỉ số chì máu càng tăng thì chỉ số hành vi, trí tuệ càng giảm” – PGS-TS Phạm Duệ- Giám đốc Trung tâm Chống độc) khẳng định.

Khó chẩn đoán, điều trị lâu

Theo bác sĩ Anh Tuấn, tình hình ngộ độc chì bùng phát từ năm 2011 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Tính từ năm 2011-2013, bệnh viện đã khám cho gần 2.600 ca nghi ngờ ngộ độc chì. Trong đó đã phát hiện 750 trẻ có chì máu trên 10 mcg/dl (29,4%). Hàng trăm trẻ đã phải ở lại viện điều trị gắp chì dài ngày, thậm chí kéo dài vài năm. 1 bệnh nhân đã bị tử vong.

TS Duệ cũng cho biết, xét nghiệm hàng chục mẫu thuốc cam mà người nhà bệnh nhân đưa lại cho bác sĩ đều cho kết quả rất đáng sợ. Các mẫu thuốc thường chứa lượng chì lớn từ vài mcg đến 80mcg/gam thuốc. “Uống, bôi các thuốc này chỉ mỗi ngày 2 lần trong 3 ngày là trẻ đã có thể bị ngộ độc chì” – TS Duệ chia sẻ.

Theo bác sĩ Anh Tuấn, việc điều trị ngộ độc chì rất khó khăn vì hầu hết chì ngấm vào xương, các thuốc điều trị chỉ có thể thải loại chì ra máu rồi ra ngoài theo đường nước tiểu, được một thời gian thì chì trong xương lại “bài tiết” ra, lại phải điều trị tiếp. 

Có những ca bệnh phải kiên trì điều trị vài chục lần, kéo dài vài năm mới đạt đến chì máu cho phép. Trong khi đó, các biểu hiện ngộ độc chì rất dễ bị chẩn đoán sang các bệnh khác, như co giật, viêm não, thiếu máu không rõ nguyên nhân, viêm gan...

“Khi trẻ có các hiện tượng xanh xao, mệt lả, thiếu máu, còi cọc hoặc co giật không rõ nguyên nhân mà lại có các yếu tố dịch tễ liên quan đến chì (sử dụng thuốc cam, sống trong làng nghề có ô nhiễm chì, sơn tường có chì…) thì cần nghĩ ngay đến ngộ độc chì để chia sẻ với bác sĩ và làm các kiểm tra cần thiết xác định chì máu và chì niệu” – bác sĩ Tuấn cho biết.

Theo Danviet
MỚI - NÓNG