Nghiệt địa

Nén nhang lòng cho những đứa bạn, đứa em nhân trong tháng Hành động phòng chống HIV/AIDS
Nén nhang lòng cho những đứa bạn, đứa em nhân trong tháng Hành động phòng chống HIV/AIDS
TP - Phải tới dăm ba lần, anh em tôi bảo bố mẹ bán nhà đi nơi khác sống, hoặc đến ở nhà của một trong ba thằng con trai, nhưng ông bà không chịu, cứ nhất định bảo chúng tao ở đây gần hết đời người, quen rồi. Ở đây chúng tao có nhiều bạn già, còn nương tựa lẫn nhau. Bao giờ yếu hẳn rồi tính... Chính thế, nên nhà chúng tôi vẫn ở yên đó.

Khu tập thể cán bộ công chức nghèo nơi anh em tôi sinh ra và lớn lên chỉ có cái tội duy nhất, ấy là nó liền kề với một trong những xóm liều nổi tiếng bậc nhất Hải Phòng. Những gì tệ nạn nhất của xã hội thì ở cái xóm liều ấy đều có đủ, nhất là xì ke ma túy. Cái xóm liều ấy biệt lập, được bao quanh bởi những con mương và cánh đồng, không có đường vào. Chỉ có những cây cầu khỉ cheo leo tạm bợ làm tạm bằng tre, gỗ ván để khi cấp bách có thể kéo sập bất cứ lúc nào. Vậy mà nó tồn tại được gần nửa thế kỷ. Những năm 1988-1989, Việt Nam chưa có HIV-AIDS mà mới chỉ manh nha có từ “căn bệnh SIDA” thì nơi ấy đã có. Người lớn hiểu một chút nhưng lũ trẻ 12-13 tuổi thời ấy nào đã biết SIDA là gì đâu. Tôi chỉ nhớ lúc đó có những thằng người lở loét, bụng trương nứt nước mô chảy ròng ròng và nằm bẹp một góc trong những xó nhà, gốc cây hoặc góc tường. Họ nhờ lũ trẻ nít chúng tôi bắt những con kiến cỏ to đùng, đen sì để họ cho bò trên những kẽ nứt của thịt da. Những khi ấy phê lắm, mắt nhắm nghiền và rên ư ử. Thằng nào cũng thế, sau vài lần được chúng tôi cho kiến cỏ thì không còn thấy đâu nữa, chắc đã ngỏm củ tỏi đâu đó.

Nghiệt địa ảnh 1

Cái xóm đó cũng từng đưa đón biết bao nhiêu con người từng rất nhiều tiền (ít nhất là so với những cán bộ công chức nghèo thời bao cấp như lứa bố mẹ chúng tôi). Tôi nhớ cái năm 1990, thầy giáo tôi mua được con xe DD70 đỏ còn nguyên nilon bọc, dắt bộ mấy cây số từ cảng Chùa Vẽ về trung tâm thành phố mà không muốn thuê xích lô chở vì sợ xước sơn. Thế mà có những thanh niên từ Hongkong hồi hương ngày nào cũng vè vè phi DD70 vào xóm, cổ và tay đầy dây chuyền, nhẫn vàng, tiền tiêu khỏi phải nghĩ. Mới năm trước còn hoành tráng, năm sau đã thấy các anh đạp xe mini Nhật. Và đôi tháng sau ngồi xích lô. Nhẫn và dây chuyền không còn đâu nữa, tàn tạ. Và rồi các anh cũng vĩnh viễn một đi không trở lại.

Tất nhiên, xóm liều có nhiều lứa tuổi, giống như xóm cán bộ công nhân nghèo của tôi. Theo từng lứa tuổi, chúng tôi chơi với nhau. Cứ thế cho đến lớn, cũng thân nhau ra phết. Những năm khó khăn ấy, các bậc phụ huynh mải đi làm, cố gắng kiếm thêm miếng vài lạng rọi cho bữa cơm gia đình tươm tất. Mỗi sáng có thêm ca nước xuýt mua ở quán phở về trộn cơm nguội cho con ăn có sức mà đi học thì hỏi thời gian đâu mà cảnh báo con cái tránh xa cái xóm liều. Mà thói đời, trẻ con cứ càng cấm lại càng lao vào...

Thôi chả dông dài về chuyện lũ trẻ các lứa chúng tôi lớn lên như thế nào nữa. Đại loại lứa 1975-1976 của tôi có chừng 15-17 thằng chơi với nhau và học cùng nhau. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng, các cụ đúc kết rồi. Lần lượt cứ vài năm lại một thằng ra đi. Có thằng gia đình chỉ được biết là đã chết khi công an mời sang nhận dạng. Có thằng sau thời gian cầm cự thì chết tại nhà. Có thằng chính quyền và gia đình cho đi cai vài bận rồi biệt tích... Cứ rơi rụng dần, chả thằng nào kịp vợ con. Giờ lứa tôi đều đã trên bốn chục. Đếm đi đếm lại còn 3-4 mống, nhưng cuộc đời hình như cũng chả đi đâu về đâu. Có thằng lấy vợ sinh con được hơn tháng thì vợ mất, bố con trứng gà trứng vịt nuôi nhau. Thằng thì cũng gọi là khá giả, nhà to xe đẹp nhưng thấy bảo nhà tên vợ, xe tên vợ, cái gì cũng của vợ, lơ mơ nó đạp một phát bay ra khỏi nhà. Tôi vốn chẳng quan tâm đến chuyện miệng lưỡi thiên hạ. Nhưng nếu thế thì tệ thật. Riêng tôi thì thế nào nhỉ?! Đại ý tháng trước, tháng này hay năm sau cũng đều giống nhau cả thôi, nhàn nhạt...

Lứa chú em tôi 1979-1980 còn tệ hơn. Cũng hơn chục mống. Cách đây 2 tháng, cô em dâu tôi gọi điện lên bảo anh K xóm mình chết rồi. Tôi hẫng: “Làm sao nó chết? Thằng ấy có nghiện đâu!”. Hóa ra nó chết vì tai nạn giao thông, cũng chưa vợ con gì. Cả chục mống giờ duy nhất còn chú em tôi sống đời lang bạt.

*

*    *

“Lá vàng khóc lá xanh rụng trước”, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đau cả. Nhưng những mảnh lá vàng ở cái xóm nghèo nghiệt địa của tôi thì khốn khổ vô cùng tận. Như bố thằng K mới mất, lúc tôi còn bé, chú ấy làm công nhân lái máy xúc, máy ủi. Lúc tôi học cấp 3 thì chú ấy chuyển nghề lái xích lô. Đường thành phố nhiều tuyến cấm xích lô. Taxi, xe ôm đầy rẫy, cả ngày có khi được 2 cuốc khách kiếm được 40-50 ngàn, còn lại ngồi phơi nắng, phơi mưa mà thời giá suất cơm bụi rẻ nhất cũng phải 10 ngàn. Lâu lâu tôi từ Hà Nội về, chú lại hỏi mang về cho bố mẹ được mấy triệu. Có lần chú bảo tao chỉ ước có tiền mua cái xe máy làm xe ôm. Giờ thằng con mất, chả biết chú còn đạp được xích lô nữa không.

Nghiệt địa ảnh 2

Một chú nữa có thằng con trai duy nhất cùng lứa tôi. Ngày còn bé bố mẹ bận, nhiều hôm tôi vẫn sang nhà chú ấy ăn cơm, ngủ trưa. Chú cũng gọi tôi là con xưng bố. Giờ chú ở một mình trong căn nhà lúc nào cũng tối um vì không muốn bật điện. Hoặc cũng có khi không bật để tiết kiệm tiền. Chú không có lương hưu vì hình như ngày xưa về nghỉ mất sức lĩnh một cục. Giờ cơm nấu một nắm gạo, luộc vài cọng rau ăn cả ngày. Nhiều lần đi qua căn nhà tối thui của chú, tôi lại thấy cái bóng đen sì ngồi thu lu bất động. Thỉnh thoảng tôi về, thấy chú đâu đó ngoài đường, tôi lại dúi vào túi chú năm chục một trăm, bảo con mời bố mấy đồng uống bia cỏ. Đi qua cửa nhà tôi, thấy mâm cơm gia đình đông đủ, chú sững lại vài giây rồi lặng lẽ đi. Bữa cơm tôi trở nên đắng nghét. Có lần chú bảo bố không có phúc như bố của con, bây giờ còn sống chẳng qua là chưa được chết thôi.

*

*    *

Lũ trẻ một thời giờ xanh cỏ, để lại nơi nghiệt địa những lá vàng còn sống chẳng qua là chưa được chết. Và những lá vàng nương tựa vào nhau để đắp đổi qua ngày. Có những người phụ nữ may mắn hơn khi còn đủ con cái, mỗi lần đi chợ thường mua quá tí rau, lạng thịt gửi sang. Có hôm nấu quá bát canh rồi bảo con bê sang mời chú ăn cho lại sức. Còn cái xóm liều ngày ấy, giờ đã thành khu biệt thự của nhà giàu, sau khi chính quyền thành phố giải tỏa và quy hoạch xây dựng lại. Từ nhà bố mẹ tôi đi bộ ra đến khu biệt thự sang trọng ấy chỉ chưa tàn điếu thuốc. Thỉnh thoảng tôi vẫn đi ra đó, ngồi từ bên này con mương nhìn sang. Nhưng tôi không bao giờ nhìn thấy ở đó sự sang trọng, hay sự viên mãn của những chủ nhân. Tôi bị ám ảnh bởi những thằng người nằm co quắp, rên rỉ khi kiến cỏ bò theo những vết trương nứt trên thịt da. Tôi nhớ đến cái xác người thối trương phềnh nằm dưới con mương trước mặt. Tôi nhớ đến những đao, những kiếm vô tri trong những trận hỗn chiến để “lấy số” giang hồ. Và tôi nhớ nhiều đến những đứa bạn, đứa em đã sinh ra và lớn lên cùng thời với tôi...

Lũ trẻ một thời giờ xanh cỏ, để lại nơi nghiệt địa những lá vàng còn sống chẳng qua là chưa được chết. Và những lá vàng nương tựa vào nhau để đắp đổi qua ngày.

MỚI - NÓNG