Nghiên cứu bệnh ung thư ‘xuyên Đông Nam Á’

Nghiên cứu bệnh ung thư ‘xuyên Đông Nam Á’
TPO - Ngày 8-12, Viện nghiên cứu sức khỏe toàn cầu George khởi động giai đoạn hai chương trình nghiên cứu về tác động kinh tế và xã hội của bệnh ung thư tại tám quốc gia thành viên ASEAN.

Tiến sĩ Makarim Wibisono, Giám đốc điều hành Asean Foundation hoan nghênh việc khởi động chương trình - bước tiếp nối Diễn đàn các đối tác về căn bệnh ung thư tại khu vực Asean do Asean Foundation, Viện nghiên cứu sức khỏe toàn cầu George và Roche đồng tổ chức vào tháng 7-2011 tại Singapore.

“Asean Foundation được thành lập nhằm mang lại thịnh vượng chung và một tương lai bền vững cho các nước thành viên Asean”, Tiến sĩ Wibisono chia sẻ.

“Nghiên cứu kinh tế mang tính đột phá này tới vào thời điểm ung thư và một số căn bệnh không lây truyền khác đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng y tế toàn cầu và đặc biệt nhận được sự quan tâm tại Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc diễn ra vào tháng 9 năm 2011”.

Nghiên cứu này sẽ có sự tham gia của khoảng 10.000 bệnh nhân ung thư đã nhập viện hoặc đang điều trị ở các giai đoạn khác nhau tại tám nước Asean (Ma-lai-xi-a, Cam-pu-chia, In-do-ne-si-a, Lào, My-an-ma, Phil-lip-pin, Thái Lan và Việt Nam).

“Asean Foundation nhận biết tác động của căn bệnh ung thư về kinh tế, sức khoẻ xã hội và tinh thần đối với các gia đình, cộng đồng và quốc gia. Chúng tôi vui mừng rằng Viện Nghiên cứu sức khỏe toàn cầu George triển khai Giai đoạn 2 của Nghiên cứu về ung thư tại khu vực Asean”, Tiến sĩ Wibisono nói.

Giai đoạn hai của Nguyên cứu về bệnh ung thư tại khu vực Asean nhằm đánh giá tác động của căn bệnh ung thư về kinh tế đối với các hộ gia đình; sự khác biệt trong quản lý và chi phí điều trị bệnh ung thư tại các bệnh viện và các cơ sở không phải là bệnh viện; và các ảnh hưởng của bệnh ung thư về mặt xã hội và chất lượng cuộc sống đối với bệnh nhân ở các giai đoạn khác nhau.

Để đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn hai của Nghiên cứu này, 120 điều tra viên, bác sỹ và y tá các nước Asean đã tham dự một khóa huấn luyện thực tế 2 ngày, sau đó bệnh nhân sẽ được tuyển chọn từ mỗi quốc gia Asean tham gia chương trình.

Các bệnh nhân sẽ được theo dõi trong một năm đầu tiên sau khi chuẩn đoán ung thư và sẽ được phỏng vấn. Mỗi bệnh nhân sẽ được cung cấp một cuốn nhật ký theo dõi chi phí để xác định thước đo đầu ra về hậu quả tài chính, nghèo đói do bệnh tật, chất lượng cuộc sống, nỗi đau tâm lý, viện phí, chi phí chăm sóc sức khỏe khi không nằm viện, chi phí tự trang trải, phụ phí, khó khăn về kinh tế, tình trạng bệnh và khả năng sống sót.

Năm 2008 có hơn 700.000 trường hợp mắc bệnh ung thư mới được phát hiện và có khoảng nửa triệu ca tử vong do ung thư trong cùng năm tại các nước thành viên Asean. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết, căn bệnh này nhận được ít hơn 0.5% kinh phí từ quỹ sức khỏe cộng đồng.

Kết quả của Chương trình nghiên cứu về bệnh ung thư tại khu vực Asean giai đoạn 1 được đưa ra ra tại Diễn đàn các đối tác về căn bệnh ung thư khu vực Asean, nhấn mạnh sự gia tăng gánh nặng của căn bệnh ung thư trong khu vực Asean là do lão hóa và tăng trưởng dân số, xu hướng gia tăng về cách sống liên quan tới bệnh ung thư như hút thuốc, lười vận động và chế độ ăn uống của ngưới phương Tây.

Theo Viết
MỚI - NÓNG