Nghiêm cấm mua vét đầu cơ lúa, gạo

Nghiêm cấm mua vét đầu cơ lúa, gạo
TPO – Đây là chỉ đạo trong Công điện số 612/CĐ-TTg, ngày 27/4, của Thủ tướng Chính phủ gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư và các Bộ ngành về việc có hiện tượng đầu cơ gạo trong thời gian qua.

>> VN thừa gạo, sốt do đầu cơ!
>> Người dân đổ xô đi mua gạo

Theo đó, trong thời gian gần đây một số kẻ xấu đã tung tin thất thiệt về khả năng mất cân đối lương thực trong nước ta để tiến hành thu gom lúa, gạo nhằm mục đích đầu cơ trục lợi; lợi dụng chênh lệch giá gạo trong và ngoài nước để buôn lậu qua biên giới trong tình hình khan hiếm lương thực ở một số nước trên thế giới trong thời gian gần đây.

Thực tế, theo báo cáo gần đây của Bộ NN&PTNT, sản lượng lúa vụ Đông-Xuân 2007-2008 tăng so với năm 2006-2007; lượng gạo tồn kho trong dân và ở doanh nghiệp từ sau vụ Đông-Xuân năm 2008 đạt trên 1,3 triệu tấn.

Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục mua tăng lượng gạo dự trữ quốc gia. Như vậy, sản lượng lương thực của nước ta năm 2008 hoàn toàn có khả năng bảo đảm đủ cho tiêu dùng trong nước và dành một phần cho xuất khẩu.

Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Cty kinh doanh lương thực tiếp tục mua lúa, gạo theo kế hoạch và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tiêu dùng và xuất khẩu, cung ứng gạo ổn định cho các khu vực trong nước, không để xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ.

Bộ Công Thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam điều hành việc xuất khẩu gạo đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không để xảy ra tình trạng mất cân đối lương thực trong nước  và để đảm bảo lợi ích của nông dân.

Thủ tướng cũng nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân không có chức năng kinh doanh lương thực mua vét đầu cơ lúa, gạo; các trường hợp vi phạm pháp luật phải được xử lý nghiêm.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với các trường hợp đầu cơ tăng giá gạo gây bất ổn định thị trường trong nước và xuất khẩu lậu lúa, gạo.

Bộ NN&PTNT có trách nhiệm chỉ đạo các địa phương bảo đảm cung cấp đủ giống, vật tư nông nghiệp, chuẩn bị tốt các điều kiện cho phòng, chống dịch bệnh và sản xuất vụ Hè-Thu, vụ Mùa thắng lợi.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan chủ động nắm tình hình và điều hành theo chức năng được giao; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

Hà Nội: Giá gạo bán lẻ tăng 30- 40%: Tại chợ Thanh Xuân Bắc, chị Thu, một chủ cửa hàng cho biết, giá các loại gạo tăng bình quân khoảng 3.000 – 4.000 đồng/kg.

Tại siêu thị BigC, gạo bao thai Điện Biên giá 10.700 đồng/kg; gạo tám thơm Điện Biên 13.300 đồng/kg; gạo nương thơm Điện Biên 12.500 đồng/kg; gạo Bắc hương Hải Hậu 11.600 đồng/kg; Si dẻo Hà Bắc 10.200 đồng/kg. Lượng người mua khá đông, nhiều khay đựng gạo đã hết. Người mua khuyên nhau mua nhanh để dự trữ, vì giá sẽ tăng nữa.

Tây Nguyên gạo “nóng” từng ngày: Ngày 27/4, giá gạo ở các đại lý phố núi Pleiku-Gia Lai đã tăng gấp rưỡi so với ba bốn hôm trước, gạo thường từ 8.000đ/kg lên 12.000đ/kg, gạo ngon từ 10.000đ/ lên 15.000đ/kg. Không ít gia đình đã mua hàng tạ gạo để dự trữ vì lo ngại gạo sẽ tăng lên 20.000đ/kg trong vài ngày tới. Trong khi đó tại tỉnh Kon Tum lân cận Gia Lai, giá gạo thường chiều ngày 27/4 chỉ tăng từ 8.000đ lên 10.000đ, gạo ngon lên 12.000-13.000đ/kg.

Việc giá gạo đột biến trên thị trường do sự ảnh hưởng cơn sốt ảo vài ngày qua ở một số nơi trong nước, các nhà phân phối mặt hàng này ở Tây Nguyên thừa cơ làm giá. Gạo ở Tây Nguyên đa phần được đưa từ đồng bằng sông Cửu Long lên.

Tại Tam Anh - Núi Thành (Quảng Nam), 17 giờ chiều 27, các đại lý đồng loạt đóng cửa. Tại Tam Tiến-Núi Thành, ngư dân rất lo lắng, bởi đây đang là mùa ra khơi đánh cá, đi hàng tháng trên biển, phải mua gạo số lượng lớn để dự trữ. Đến tối 27, không khí hỗn độn, giành gạo đã diễn ra tại các đại lý tại Tam Tiến. Người dân cho biết: Không thể ngờ trong 1 ngày mà giá gạo lại lên gần gấp đôi, bởi sáng 27/4, 1 kg gạo Tài Nguyên là 9.500 đồng, đến chiều tối, đã lên 16 ngàn/kg, nên mạnh ai nấy giành, vác chạy, bởi họ sợ không biết ngày mai sẽ ra sao.

Đồng Nai: Dân đổ xô đi mua từng ký gạo: Bà Kim Ny, ở ấp 7, xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai cho PV Tiền phong biết: Người dân ở khu vực vô cùng hoang mang vì giá gạo tăng vọt nhưng không có hàng để mua. Sáng ngày 27/4, bà Ny cùng nhiều người rảo từ thị xã Long Khánh đến Nhân Nghĩa và qua đến địa phận Ngãi Giao, huyện Châu Đức, Bà Rịa- Vũng Tàu nhưng chỉ mua được chưa đến 10 kg gạo với giá 20.000 đồng/kg. Nhiều sạp gạo còn hàng nhưng đóng cửa không dám bán với tâm lý: Trữ hàng lại cho gia đình dùng.

Tại xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tình trạng khan hiếm gạo cũng đã xảy ra. Giá gạo đã lên 17-18.000 và thậm chí 20.000 đồng/kg nhưng không có hàng. Bà Nguyễn Thị Huệ ở thị trấn Gia Rây, huyện Xuân Lộc cho biết: Thấy người dân rùng rùng kéo nhau đi mua gạo, bà cũng tham gia. Chen lấn từ sang tới trưa tại chợ Gia Rây cũng chỉ mua được 20 kg với giá 20.000 đồng/kg.

Long An: Thương lái đến tận nhà “gõ cửa” mua lúa: Hai ngày qua trên địa bàn thị xã Tân An (Long An), các đại lý gạo lớn, nhỏ hầu như bán không ngơi tay. Đa số người dân mua từ 10 đến 20 kg, có người mua từ 1 đến 2 bao gạo (loại bao 50 kg), giá hiện tại tại thị xã Tân An, gạo thường 11 đến 15 ngàn đồng/kg, gạo thơm đến 20 ngàn đồng/kg. Một số khu vực ven thị xã giá gạo thường lên đến 15 ngàn đồng/kg, gạo thơm lên 21-22 ngàn đồng/kg.

Không riêng gì mặt hàng gạo, giá lúa hiện tại ở các xã ven thị xã Tân An có giá từ 5.000 đồng đến 5.700 đồng/kg. Một nông dân ở ấp 1, xã Mỹ An, Thủ Thừa, Long An cho biết, gần 1 tuần nay thương lái đến “gõ cửa” từng nhà để hỏi mua lúa.  

MỚI - NÓNG