Nghịch lý

Nghịch lý
TP - Bạn đọc hẳn chưa thôi ám ảnh khi nhìn thấy những bức hình cận cảnh trên các trang báo, bệnh nhân nằm vạ vật dưới gầm giường và vật vờ ngoài hành lang bệnh viện công. Quá tải là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất khi nói đến ngành y, sau y đức và y thuật. 

Lãnh đạo ngành đã có nhiều cuộc thị sát cơ sở và đã đề xuất những biện pháp mạnh với hi vọng cải thiện căn bản tình hình.

Đề án bệnh viện vệ tinh 1816, luân phiên cán bộ trong ngành y tế là những giải pháp lâu dài nhằm hạn chế tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối được Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện tuyến cuối và chuyên khoa đầu ngành đẩy mạnh thực hiện. Thế nhưng, tình hình quá tải vẫn chưa mấy được cải thiện.

Một thực tế hằng ngày vẫn diễn ra khi người bệnh ùn ùn đổ về các bệnh viện tuyến trên và để lại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới đìu hiu, vắng lặng. Có trung tâm y tế 2-3 nhân viên phục vụ một bệnh nhân.

Nhiều trang thiết bị, cơ sở vật chất không dùng đến, và không ai có đủ trình độ để vận hành đành đắp chiếu trong nhà kho bệnh viện.

Một vấn đề thường thấy là khi gặp khó về một lĩnh vực nào đó trong bài toán co duỗi nguồn ngân sách, những nhà hoạch định nghĩ đến khái niệm xã hội hóa. Gánh nặng của một ngành chia sớt chung toàn xã hội, mỗi người có trách nhiệm một tí đỡ đần, ngõ hầu vượt qua gian khó. Và tiếng gọi xã hội hóa đã được hưởng ứng. 

Hàng loạt bệnh viện tư được đầu tư xây dựng với số vốn từ vài chục triệu USD lên hàng trăm triệu USD với trang thiết bị hiện đại theo mô hình bệnh viện-khách sạn hình thành. Những nhà đầu tư rải thảm đỏ mời những bác sĩ, giáo sư giỏi chuyên môn, trong và ngoài nước về đầu quân với đồng lương trong mơ lên đến gần trăm triệu đồng tháng.

Ấy vậy nhưng, sau một thời gian ngắn nổi đình nổi đám, những bệnh viện tư lại rơi vào tình cảnh “ “Chùa Bà Đanh” của các bệnh viện tuyến dưới. Nhiều người nhìn vào thực trạng này và chưa thấy ánh sáng khả quan nào cho sự nghiệp xã hội hóa đỡ đần gánh nặng quá tải. Những câu hỏi vì sao giúp cắt nghĩa nghịch lý này vang lên. 

Chốt lại vấn đề hình như vẫn là mức chi phí quá sức chịu đựng của bệnh nhân khi vào hệ thống các bệnh viện này. Hình như đối tượng mà các bệnh viện này hướng tới là các bệnh nhân nhà giàu, có điều kiện. Mà thường thì người giàu ít bệnh. 

Thế là một cuộc chuyển hướng với đủ chiêu “hút” bệnh nhân tạo nên một cuộc cạnh tranh, giành người bệnh với những ưu đãi chưa từng có tiền lệ. Liệu người bệnh có thực sự được hưởng lợi? 

Liệu dòng chảy ùn ùn các bệnh nhân lên tuyến trên có thuyên giảm? Câu trả lời lâu dài chưa thấy đâu, chỉ thấy nhiều bệnh viện tư hoành tráng đang rao bán và nhiều bệnh viện khác đóng cửa, nhà đầu tư đang bỏ của chạy lấy người.

MỚI - NÓNG