Nghịch lý nông sản: Nơi thừa, chỗ thiếu

0:00 / 0:00
0:00
Nhà vườn sầu riêng ở huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. Ảnh: Mạnh Thắng
Nhà vườn sầu riêng ở huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. Ảnh: Mạnh Thắng
TP - Các siêu thị ở TPHCM đã tăng thêm lượng hàng nhưng vẫn không bù đắp được thiếu hụt từ các chợ đầu mối, chợ dân sinh. Trong khi đó, nhiều loại nông sản ùn ứ tại các tỉnh thành khác, chủ yếu do vận chuyển khó khăn.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM, hiện thành phố chỉ còn 59 chợ truyền thống hoạt động; trước đây, lượng hàng về các chợ đầu mối khoảng 7.000-7.500 tấn/ngày. Khi dịch COVID-19 bùng phát, lượng hàng chỉ còn 4.500-5.000 tấn, và khi dừng 3 chợ đầu mối, lượng hàng chuyển về chỉ còn khoảng 2.000 tấn/ngày.

Kênh phân phối hàng qua siêu thị đã tăng gấp 1,5 lần so với ngày thường, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đủ cho thị trường. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện của nhiều kênh phân phối hiện đại cho biết, họ đang gặp nhiều khó khăn khi đưa hàng hóa về TPHCM.

Đại diện MM Mega Market Việt Nam nói: “Các nhà vận chuyển đang gặp một số khó khăn như tài xế phải chờ xét nghiệm hoặc đang trong khu vực phong tỏa dẫn đến không đủ nhân lực để giao hàng. Hơn nữa, các bệnh viện đều quá tải xét nghiệm, tài xế phải xếp hàng chờ cả ngày và chi phí xét nghiệm tăng rất cao; kết quả từ 12-24 giờ mới có trong khi hiệu lực test chỉ có giá trị trong vòng 3 ngày. Thậm chí, tài xế có xét nghiệm PCR và có giấy đi đường của MM Mega Market, có 3 tỉnh thành không cho xe vào giao hàng”. Trong khi đó, đại diện Bách hóa Xanh nói rằng, nhiều tài xế không muốn chở hàng đi tỉnh do quy định cách ly 21 ngày với người từ TPHCM.

Bà Trang, thương lái chuyên cung cấp rau Đà Lạt cho tiểu thương TPHCM, nói rằng, dù rau của nhà nông rất nhiều, nhưng đưa hàng xuống TPHCM gặp nhiều khó khăn. “Trước đây, việc vận chuyển nông sản từ Lâm Đồng về TPHCM chỉ mất khoảng 7-8 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, do dịch bệnh, nhiều cơ quan tổ chức kiểm soát y tế nên mạch vận chuyển bị gián đoạn khiến thời gian hành trình bị đẩy lên thành 12-15 giờ, thậm chí hơn. Rau đưa được đến nơi có khi đã héo úa, dập úng nên hàng không bán được, tiểu thương cũng từ chối nhận”, bà nói.

Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), cho biết, hiện nay nhiều loại trái cây như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… đang đồng loạt vào vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào, nhưng nguồn tiêu thụ đang gặp khó. Người chăn nuôi nhỏ lẻ cũng đang điêu đứng vì giá gia cầm, heo hơi cũng đồng loạt giảm. Hiện giá heo hơi bán tại trại chỉ còn 54.000-56.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với tháng trước.

MỚI - NÓNG