Chương trình do Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Ủy ban Dân tộc Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức. “Nghĩa tình Tây Bắc” mang ý nghĩa chính trị, xã hội nói vềt ruyền thống lịch sử đất và người Tây Bắc trải qua các cuộc chiến tranh giữ nước, đồng thời quảng bá tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của vùng đất giàu văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Qua đây, chương trình tôn vinh 56 con người tiêu biểu nhất đến từ 12 tỉnh Tây Bắc và 2 huyện phía Tây của Thanh Hóa và Nghệ An – những điển hình cụ thể, gương mẫu trong lao động sản xuất, khám chữa bệnh, dạy học, bảo vệ an ninh trật tự, sẵn sàng chiến đấu…
Trong muôn vàn khó khăn của vùng địa hình chia cắt, nhiều núi cao vực sâu, thổ nhưỡng và thời tiết không thuận lợi, giao thông vô cùng khó khăn, dân trí còn hạn chế, Tây Bắc – nơi hội tụ của hơn 20 dân tộc thiểu số (chủ yếu người Thái, Mông, Dao, Tày, Nùng…), đã gắng vươn lên xóa đói giảm nghèo, từng bước giải quyết đời sống kinh tế và dân trí. Và điều này có sự đóng góp sức lực và sự hy sinh thầm lặng của biết bao con người, trong đó đáng kể nhất là những anh bộ đội, thầy cô giáo cắm bản, những y bác sỹ vùng cao, lực lượng tuổi trẻ xung kích tình nguyện…
Cả nước thể hiện tấm lòng với Tây Bắc không chỉ qua một đêm tri ân, tôn vinh với chương trình “Nghĩa tình Tây Bắc”, mà biết bao năm qua, hàng ngàn đơn vị, doanh nghiệp, tập thể, con người tâm huyết đã có đóng góp lớn vì một Tây Bắc anh hùng, trong đó phải kể đến VNPT, Tập đoàn Hóa chất, một số ngân hàng lớn, Viettel,…
Liên tục 10 năm qua, kinh tế vùng Tây Bắc đã tăng trưởng đáng kể với thu nhập đầu người được naang lên rõ rệt. Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm Tây Bắc, đã có nhiều phương án, kế sách, nghị quyết, chỉ đạo và đầu tư cho Tây Bắc. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư ưu tiên, trong đó giao thông, thủy lợi, điện, trường, trạm đã cơ bản “phủ sóng”. Đời sống văn hóa xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đồng bào Tây Bắc đã có bước tiến lớn và giữ vững được an ninh quốc phòng, xây dựng được đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trên toàn vùng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, Tây Bắc vẫn là vùng còn nhiều khó khăn do điểm xuất phát thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; hạ tầng tuy được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc trong vùng tiếp tục phát huy truyền thống, những thành tựu đạt được; nỗ lực phấn đấu để đạt được kết quả tốt hơn, toàn diện hơn trên các lĩnh vực; đưa vùng phát triển nhanh hơn và bền vững hơn từ kinh tế tới văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng khối đại đoàn kết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mong muốn Ban Chỉ đạo Tây Bắc, các tỉnh trong vùng cần hết sức quan tâm tham mưu, đề xuất cơ chế chính sách đối với Đảng và Nhà nước để tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân các địa phương trong vùng. Đồng thời tiếp tục quan tâm xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng.
Tham dự chương trình có Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc; Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; cùng đại diện lãnh đạo 12 tỉnh Tây Bắc.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xúc động phát biểu khai mạc chương trình: Tây Bắc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước, lại có bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng với nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, địa danh gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc. Tây Bắc có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch, kinh tế cửa khẩu. Đồng bào các dân tộc anh em vùng Tây Bắc cùng sinh sống gắn bó lâu đời, có truyền thống yêu nước, đoàn kết, kiên cường chống ngoại xâm; cần cù lao động, sản xuất, vươn lên thoát khỏi đói nghèo và quyết tâm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Phát triển toàn diện, bền vững vùng Tây Bắc là yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân các dân tộc; là nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh lâu dài của đất nước. 10 năm qua kể từ khi thành lập, Ban chỉ đạo Tây Bắc đã nỗ lực phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ được giao, có đóng góp nhất định vào những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, công tác dân tộc, tôn giáo, xây dựng hệ thống chính trị vùng Tây Bắc. Phó thủ tướng tin tưởng rằng các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân sẽ quan tâm hơn nữa đối với sự phát triển của Tây Bắc, góp phần giúp đồng bào vùng cao xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, xây dựng vùng Tây Bắc phát triển nhanh và bền vững.
“Qua miền Tây Bắc”, “Chiều biên giới”, “Tình ca Tây Bắc”, “Gửi em ở cuối sông Hồng”, “Người Châu Yên em bắn máy bay”, “Hát về anh người chiến sĩ biên cương”, “Về với chúng tôi đồng đội ơi”, “Tiếng hát trên đồi chè Nghĩa Lộ”, “Người Mông ơn Bác”, “Cô giáo về bản”…. Hàng loạt “siêu phẩm” đi vào lòng người từ nhiều năm qua nói lên vẻ đẹp đất và người Tây Bắc đã được Chương trình nghệ thuật “Nghĩa tình Tây Bắc” trải dài hơn một giờ tại Nhà hát Lớn. Nhân dịp này, 56 đại diện tiêu biểu đến từ Tây Bắc đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước tặng hoa, quà, thể hiện một phần tri ân của cả nước đối với những con người đã có đóng góp lớn cho Tây Bắc.
Trước đó, chiều 5/11 tại Hà Nội Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có cuộc gặp gỡ 56 đại diện tiêu biểu của Tây Bắc. Thủ tướng nói Tây Bắc vẫn là vùng còn nhiều khó khăn do điểm xuất phát thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; hạ tầng tuy được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Thủ tướng mong muốn Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc trong vùng tiếp tục phát huy truyền thống, những thành tựu đạt được; nỗ lực phấn đấu để đạt được kết quả tốt hơn, toàn diện hơn trên các lĩnh vực; đưa vùng Tây Bắc phát triển nhanh hơn và bền vững hơn từ kinh tế tới văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng…
Một số hình ảnh tại chương trình nghệ thuật “Nghĩa tình Tây Bắc”:
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc chương trình và nói lời cảm ơn những con người điển hình xây dựng Tây Bắc.
UV BCT Tòng Thị Phóng trao quà cho các đại biểu tiêu biểu.
Ca múa nhạc nghệ thuật “Nghĩa tình Tây Bắc”.