Nghĩa địa Voi

Minh họa: Doãn Hoàng Kiên
Minh họa: Doãn Hoàng Kiên
TP - Buôn Ma Nết sau mưa…
Minh họa: Doãn Hoàng Kiên
Minh họa: Doãn Hoàng Kiên.
 

Cơn mưa rừng dai dẳng khiến buôn Ma Nết bỗng chốc biến thành một ốc đảo. Sông Serepôk ngày thường yên bình là thế, giờ oằn mình như một con thuồng luồng há cái miệng tham lam như muốn nuốt trôi mọi thứ trên dòng chảy sầm sập. Con đường cái mới trải nhựa giờ bị nước cày lên nát bấy.

Tuấn dắt cái xe Minsk lấm đầy bùn đất vào bản. Anh Y Bia đang xoay trần ra dọn dẹp nhà cửa. Thấy nó, anh lau mồ hôi trán hồ hởi: “Lâu lắm rồi mới thấy mày quay lại bản. Tối nay anh em mình phải uống một trận say sưa mới được”.

Đúng là lâu rồi Tuấn mới trở lại Ma Nết. Thời gian trôi qua nhanh thật. Ngày nào nó mới chỉ là cậu sinh viên đi theo tổ chức phi chính phủ nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên. Lần đó, nó ở nhà anh Y Bia gần một tháng. Bây giờ, nó đã trở thành một cán bộ nghiên cứu văn hóa ở tỉnh.

Tuấn nhìn quanh nhà. Mọi thứ đã thay đổi nhiều. Ngôi nhà của anh Y Bia giờ khang trang lên trông thấy, đủ cả TV, tủ lạnh, xe máy. Mấy đứa con anh ríu rít đuổi nhau chạy huỳnh huych. Vợ anh, chị H’Khăm đang lúi húi thổi bữa cơm chiều.

Từ phía sau sân nhà có tiếng ré vang vọng. Anh Y Bia cười: “Chắc là H’Tuk nghe thấy tiếng của em, nó gọi đấy”. Chị H’Khăm ngẩng lên: “Chắc gì? Nó đói, gọi ăn chưa biết chừng. Đến bữa chiều của nó rồi còn gì!”.

Anh Y Bia chạy đến chân cột nhà, cầm lấy một cái chậu đầy sắn xẻ, ngô và rau nói với qua Tuấn: “Mày cùng anh ra cho voi ăn đi. Có khi H’Tuk nó còn nhớ hơi mày đấy”.

Tuấn bỏ ba lô lại, theo anh Y Bia ra chỗ H’Tuk.

2.H’Tuk là con voi thông minh nhất buôn Ma Nết. Ngày xưa, voi trong buôn nhiều lắm. Giờ đàn voi ngày một thưa thớt dần. Thời còn sống, cha Y Bia là nài voi nổi tiếng khắp cả vùng Đắc Nông. H’Tuk là con voi rừng, được ông thuần dưỡng. Nó đã mang biết bao thớt gỗ từ rừng sâu về để mọi người xây dựng nên ngôi nhà rông cho dân bản. Mọi người ở Ma Nết đều rất quý H’Tuk.

Đến chỗ cột voi, Y Bia đặt chậu thức ăn xuống. Anh vỗ vỗ vào người H’Tuk rồi chỉ vào Tuấn, nói to: “Có nhận ra ai đây không?” Con voi đưa chiếc vòi mềm mại lên hít hít quanh người Tuấn. Rồi mắt nó nhìn cậu hấp háy như muốn nói lời chào. Tuấn nắm lấy vòi voi rung rung như bắt tay rồi vuốt vuốt lên người nó. H’Tuk xuống sắc quá. Nó trông già đi nhiều. Làn da nhăn nheo khô mốc.

Y Bia vỗ vỗ lên má con voi: “Anh sẽ sớm thả H’Tuk về rừng”. Tuấn ngạc nhiên: “Sao lại thế?”. Y Bia trầm giọng: “Đó là ước nguyện cuối cùng của bố anh. Ông muốn sau này H’Tuk phải được trở về với đại ngàn. H’Tuk phải đến được nghĩa địa voi để linh hồn nó mãi mãi siêu thoát”.

Tuấn bồi hồi: “Nghĩa địa voi ư?...”

3.Nghĩa địa voi là câu chuyện đã có từ ngàn đời nay ở buôn Ma Nết…

Truyền thuyết kể rằng nằm sâu trong đại ngàn Trường Sơn, có một nơi là nghĩa địa voi. Voi vốn là loài vật cực kỳ thông minh. Những con voi rừng già nua kiệt lực đều cảm nhận được khi cái chết sắp đến gần. Chúng tách khỏi bầy đàn, bắt đầu một hành trình xuyên rừng vượt núi tìm đến nghĩa địa voi. Ở nơi đó, chúng nằm rõng rượi trên mình đất mẹ, cảm nhận từng nhịp đập đang khẽ khàng rung dưới làn da già cỗi, kêu lên những tiếng cuối cùng rồi nhắm mắt qua đời.

Cứ như vậy, từ thế hệ này đến thế hệ khác, những con voi đều được lập trình với phép màu huyền ảo của thiên nhiên để luôn tìm được về đến nghĩa địa voi.

Nhưng với người dân Ma Nết, nghĩa địa voi còn hơn cả một truyền thuyết…

Nhiều thợ săn lão luyện đinh ninh họ đã nhìn thấy nghĩa địa voi. Những câu chuyện của họ được kể đi kể lại bên bếp lửa hồng. Rằng khi mặt trời dần lặn xuống trong ráng chiều tím thẫm, hàng ngàn bộ xương voi với những chiếc ngà khổng lồ hướng về phía mặt trời khiến nghĩa địa voi bỗng rực một màu vàng rượm đẹp đến nghẹt thở.

Những người từng nhìn thấy nghĩa địa voi đều tìm cách lại gần mong mang những chiếc ngà voi khổng lồ về bản. Nhưng chưa từng ai đến được nghĩa địa voi. Nơi đó cứ chập chờn huyền ảo trước mắt rồi biến mất như chưa từng bao giờ tồn tại. Nhiều người còn đánh dấu lại địa điểm, về lại bản, huy động thanh niên trai tráng đến quyết tìm cho ra nghĩa địa voi. Nhưng bao nhiêu chuyến đi đều trở về thất bại. Thất bại nhiều đến mức bây giờ người dân buôn Ma Nết chẳng còn ai muốn đi tìm nghĩa địa voi nữa. Chỉ biết rằng, nơi chốn kỳ lạ đó vẫn tồn tại trong tâm trí của dân bản.

Người ta cũng tin rằng, nếu con voi chết đi mà chưa về được đến nghĩa địa voi, linh hồn của nó sẽ chẳng bao giờ được siêu thoát.

Nghe tôi hỏi về nghĩa địa voi, Y Bia chỉ cười: “Truyền thuyết thế thôi. Thời đại này, tin vào truyền thuyết thì sống làm sao nổi?”

4.Y Bia quyết định chuyển nhà. Anh muốn rời buôn Ma Nết, chuyển ra khu đất anh mới mua gần đường cái. H’Tuk giúp anh chuyển vật liệu. Mấy lần Tuấn qua thăm, thấy anh bận rộn lắm, chỉ nói với nó: “Phải tính cách khác thôi. Không sống dựa vào rừng mãi được”.

Y Bia nói đúng. Rừng đang ngày một cạn kiệt. Những con thú rừng giờ đã biến đi đâu mất. Màu xanh ngát của đại ngàn giờ nhường cho màu đỏ chói lói của đồi trọc đất bazan.

Kể từ ngày có đường nhựa, nhiều toán lâm tặc vẫn thường đổ về đây. Chúng chặt những cây gỗ trăm tuổi từ tim rừng, chuyển ra những chiếc xe tải bon bon chạy về phía thị trấn.

Anh Y Bia định ra ở ngoài đường cái, buôn bán lặt vặt với đám người buôn gỗ.

Nhiều người dân buôn Ma Nết đã làm như vậy. Kinh tế gia đình họ khá lên hẳn.

5.Hôm nay, Tuấn từ thị trấn đi qua nhà mới của anh Y Bia. Khung nhà đã định hình xong. Anh xoa xoa tay nói với nó: “Xong ngôi nhà, anh sẽ thả H’Tuk về rừng cho nó sống cuộc sống tự do”. Tuấn nói: “Sao lại thế? Thả nó về rừng, liệu nó có sống được không?” Y Bia bậm môi: “Chẳng biết. Nhưng H’Tuk ở lại đây cũng nguy hiểm lắm. Hôm rồi, có kẻ đến cắt trộm đuôi nó. Chẳng biết tại sao, người ta đồn nhau là lông đuôi voi đem lại may mắn. H’Tuk bị kẻ xấu lấy dao quắm chặt cụt cả đuôi, mất cả một mảng mông, phải rịt thuốc mãi mới hết”. Tuấn e ngại: “Em thấy H’Tuk sống cùng gia đình anh lâu quá đã quen rồi, thả nó về rừng sợ nó không sống nổi”…

H’Tuk vẫn đang hì hục xếp đống gỗ, hai tai nó vẫy vẫy đuổi đám ruồi đang lởn vởn vo ve xung quanh. Y Bia nhìn xuống đất, trầm trầm giọng: “Xây xong nhà, chẳng biết còn việc gì cho H’Tuk làm không? Giờ có xe tải, có máy kéo rồi, chẳng ai thuê voi kéo gỗ nữa. Mới lại, nuôi nó tốn kém quá”.

Tuấn trầm ngâm không nói. Cậu biết rằng đợt này anh Y Bia phải tiết kiệm tiền để hoàn thiện ngôi nhà. Gia đình anh ăn ít. H’Tuk cũng ăn ít. Con voi dường như cũng hiểu. Hàng ngày nó nhận khẩu phần ăn ít ỏi mà chẳng bao giờ đòi thêm.

Tuấn chào anh Y Bia đi về thị trấn, lòng nôn nao khó tả. Nó bỗng nhớ đến đàn voi mấy năm trước từng xuất hiện ở Đắc Nông. Bây giờ, chúng đã đi đâu?

6.Ngày xưa, voi và người sống gần nhau lắm. Thỉnh thoảng có đàn voi từ đâu trong rừng xuất hiện đi về phía buôn Ma Nết. Chúng chạy vào những nương ngô, bẻ ngô ăn. Người dân buôn Ma Nết quây lại bắt voi, thuần dưỡng chúng thành voi nhà. Chúng giúp người dân chở gỗ, xây nhà, dựng bản.

Mấy năm trước, voi về buôn Ma Nết ngày một nhiều hơn. Con người đốt rừng làm rẫy. Rừng cây bị thu hẹp. Không gian sống của đàn voi bé dần. Chúng trở nên hung dữ hơn, tàn phá hoa màu, giẫm đạp lên nhà cửa. Người dân khua chiêng gõ mõ đuổi voi. Ban đầu đàn voi còn sợ. Càng về sau, đàn voi càng dạn dĩ, hung tợn.

Người dân ghét voi.

Voi cũng ghét người.

Đám lâm tặc đang “ăn” gỗ trong rừng thấy đàn voi liền vác rựa ra đuổi, một con voi đực sa hố bị họ quây lại giết. Chúng cưa lấy ngà voi đem bán. Mấy ngày sau, người ta thấy xác của đám lâm tặc bị voi giày nát, lán gỗ bị đập tan tành.

Đồng bọn đám lâm tặc trang bị súng ống, lần theo đàn voi để báo thù cho những kẻ bị thiệt mạng.

Đàn voi đi sâu hơn vào tim rừng.

Người ta cũng chặt gỗ gần hơn vào tim rừng.

Lâu rồi không ai thấy đàn voi rừng nữa.

Chúng đã đi đâu?

Chẳng biết khi được thả về rừng, con voi H’Tuk có tìm được bầy đàn của nó không?

7.Ngôi nhà mới đã gần hoàn thiện.

Y Bia đang loay hoay lợp mái nhà, chợt có người đi xe ôm đến. Gã hấp háy nhìn anh rồi hất hàm: “Có cho thuê voi kéo không?”. Y Bia nhanh chóng gật đầu. Rồi anh leo lên mình H’Tuk. Con voi hăm hở đi theo chiếc xe máy ngược đường cái về phía rìa rừng.

Chiếc xe dừng lại. Y Bia thấy một chiếc xe tải chở gỗ. Chiếc xe bị sa lầy, bánh ngập sâu dưới lớp bùn bazan đặc quánh. Anh cau mày. H’Tuk chỉ chuyên kéo gỗ, không biết kéo xe này có được không? Gã lái xe thấy anh ngần ngại liền trấn an: “Kéo gỗ hay kéo xe khác quái gì nhau đâu, đều là kéo vật nặng cả. Ông cứ thử đi”.

Lâu lắm rồi mới có người thuê, chẳng nhẽ đến nơi rồi lại không làm. Y Bia bậm môi. Ừ, thì không kéo gỗ, kéo xe cũng được, miễn là có thêm thu nhập. Anh gật đầu.

Y Bia buộc dây đai kéo quanh người H’Tuk. Anh giằng giằng các mối thắt cho chắc chắn rồi quát to. H’Tuk rướn người kéo. Gã tài xế rú ga. Máy gầm lên đinh tai. Chiếc xe nhúc nhích tiến lên một chút, một chút rồi lại tụt ngược lại xuống vũng bùn.

Y Bia nhìn bánh xe ngập sâu trong bùn rồi nói to với gã tài xế: “Xe nặng quá. Anh bê bớt một ít gỗ xuống thì voi mới kéo được”. Gã tài xế lắc đầu quầy quậy: “Mất công lắm mới chất được gỗ lên xe. Voi của ông không kéo được thì thôi vậy. Tôi đi gọi xe ben đến kéo. Dễ ợt ý mà”.

Y Bia nhìn vẻ mặt khinh khỉnh của gã lái xe bần thần. Rồi anh khẩn khoản: “Thôi, thế anh để tôi thử lại một lần nữa xem sao”. Anh bước đến sát bên H’Tuk nài nỉ: “Sao thế. Mày từng kéo những súc gỗ to nặng hơn nhiều cơ mà? Cố lên giúp tao nhé! Tối nay tao sẽ đãi mày một bữa ngô non ngon thỏa thích”.

Con voi bụng teo tóp. Nó lúc lắc đầu, vẫy vây hai tai nhìn anh chần chừ.

Y Bia vỗ vỗ lên đầu H’Tuk khích lệ. Rồi anh trèo lên lưng voi. H’Tuk hộc lên một tiếng khô khốc. Dây kéo căng tức. Chiếc xe rú lên một lần nữa. Bánh xe quay tít. Khói đen mù mịt. Bỗng chiếc xe rùng mình mấy cái rồi trượt lên trên lớp bùn, lầm rầm lăn qua bãi lầy đến chỗ đất bằng.

Gã lái xe nhảy khỏi buồng lái. Gã quay ra nhìn vũng bùn sâu hoắm thán phục: “Mẹ cha nó, nặng thế mà cũng qua được. Đúng là khỏe như voi!”. Rồi gã rút ví đếm tiền đưa cho Y Bia và leo lên xe chạy mất hút.

Y Bia nhận tiền từ gã lái xe. Anh quay ra chỗ H’Tuk: “Nào, ta cùng ra chợ mua ngô non nhé”. Bỗng con voi bủn rủn rồi nằm gục xuống. H’Tuk ngước đôi mắt nhìn anh thê thiết. Người nó run lên cầm cập. Mũi nó thở hắt ra phì phò. Y Bia sợ quá. Anh vội chạy về buôn Ma Nết báo với mọi người trong gia đình rồi quáng quàng đi gọi bác sĩ.

Tuấn đang ở trong bản, biết tin vội chạy đến. Tới nơi, cậu chỉ thấy Y Bia đang ôm lấy con voi, khóc rưng rức. Bác sĩ nói với anh rằng H’Tuk dùng sức quá mạnh, lại đang bị lao lực, chắc đã đứt cả ruột gan mất rồi. Gia đình anh Y Bia đứng quanh con voi khóc sụt sùi.

H’Tuk nhìn mọi người xung quanh, ánh mắt buồn vô hạn rồi dần khép lại.

8.Tôi nhận được thư của Tuấn. Thư viết:

“Tùng thân,

Chuyện chưa dừng ở đó. Hôm sau khi mọi người thiêu hủy xác H’Tuk, người ta thấy cặp ngà của nó đã bị kẻ nào cưa mất. Anh Y Bia truy tìm, dân buôn Ma Nết truy tìm mà không phát hiện ra được đó là ai.

Hôm H’Tuk chết, tao ngủ lại ở nhà anh Y Bia. Đêm hôm đó, tao mơ thấy mình biến thành một con voi. Tao đi mãi, đi mãi trong rừng thẳm. Đến khi ra khỏi rừng, tao thấy một bình nguyên bao la trải dài ngút tầm mắt. Ngay phía trước mặt tao là một thung lũng nhỏ, đó chính là nghĩa địa voi mà người dân buôn Ma Nết hay kể. Những chiếc ngà voi khổng lồ cùng hướng về phía mặt trời như những ngọn chông tua tủa. Bao nhiêu là linh hồn voi bay mờ ảo trong sương chiều. Tao vội chạy về hướng nghĩa địa voi. Nhưng chạy mãi, chạy mãi mà không tới nơi. Còn mặt trời thì cứ đỏ dần, đỏ dần, đỏ như máu…

Mày tin có nghĩa địa voi không?

Liệu linh hồn H’Tuk có thanh thản hay không?

Liệu những người đang sống có thanh thản hay không?

Tuấn

Ma Nết, 03/08/2011”

Tôi không biết trả lời Tuấn ra sao.

Ai có thể trả lời giúp tôi được không?

Truyện ngắn của Hoàng Tùng

Một câu chuyện bi thảm, trong đó con voi H’Tuk như một sứ giả cuối cùng của thời kỳ thiên nhiên hoang dã hòa thuận với con người. Chuyện voi, cũng là chuyện người. Những con voi khốn đốn vì con người (văn minh?), còn những con người khốn đốn vì đâu? Một nghĩa địa voi huyền thoại trong ráng vàng hoàng hôn còn ý nghĩa gì với con người trong buổi hoàng hôn của nền văn minh tàn phá thiên nhiên?

Hoàng Tùng sinh năm 1980, thích du lịch và từng làm người hướng dẫn trong các tour du lịch mạo hiểm, anh biết ngoại ngữ và hiện đang đảm đương công việc Giám đốc PR & Marketing cho một công ty. Đã có một số truyện ngắn đăng trên các báo, nhưng dường như viết văn đối với Hoàng Tùng không phải là thứ để thi đấu với đời, mặc dù anh làm nó với vẻ nghiêm túc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG