Nghi vấn dàn dựng vụ giải cứu con tin tại Trường Pascal

Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cung cấp thông tin cho báo chí
Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cung cấp thông tin cho báo chí
TP - Ai bắt giữ các nạn nhân, động cơ giam giữ là gì, khi được giải cứu các nạn nhân trong tình trạng thế nào, tại sao đến nay chưa khởi tố vụ án...? Đó là hàng loạt câu hỏi đặt ra sau vụ Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội “giải cứu 4 con tin” là nhân viên Trường Pascal bị người của Công ty TDS bắt giữ.

Như Tiền Phong đã đưa tin, ngày 12/8, Công an quận Bắc Từ Liêm tổ chức cung cấp thông tin về vụ giữ người trái pháp luật và chống người thi hành công vụ xảy ra tại lô đất TH1, khu đô thị mới Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

“Giải cứu con tin”

Trung tá Nguyễn Bình Ngọc, Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết: Khoảng 10h06 ngày 2/8, Công an phường Cổ Nhuế 1 tiếp nhận đơn trình báo của anh Lê Văn Vàng (SN 1981, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) và điện thoại của chị Nguyễn Hồng Linh (SN 1992, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) báo tin về việc một số nhân viên Trường Pascal của bà Lê Thị Bích Dung bị người của bà Trần Kim Phương - Chủ tịch HĐQT Công ty TDS  bắt giữ tại lô TH1, khu đô thị mới Cổ Nhuế.

Vẫn theo ông Ngọc, sau khi nhận được tin báo, Công an quận Bắc Từ Liêm đã phối hợp với các lực lượng chức năng tới hiện trường, phát hiện toàn bộ 4 cổng vào khu đất này đều bị khóa. Lực lượng Công an đã thuyết phục nhưng bảo vệ không mở cổng. Do tính cấp thiết của tin báo nên Công an đã phải cắt khóa để vào giải quyết.

Trong quá trình cắt khóa, bà Nguyễn Thị Hồng (SN 1963, nhân viên tạp vụ Công ty TDS) đã dùng tay bốc cát ném vào lực lượng cảnh sát đang làm nhiệm vụ cắt khóa. Khi cảnh sát bắt giữ bà Hồng và một phụ nữ khác là Vũ Thị Liên (SN 1960) thì ông Đỗ Văn Hà (SN 1954 tuổi, bảo vệ của công ty) chạy đến chửi bới đe dọa lực lượng công an làm nhiệm vụ. Công an đã lập tức khống chế, bắt giữ ông Hà. 

Ngay lúc này, Nghiêm Nhật Anh (SN 1993, con bà Trần Kim Phương, cũng là cổ đông của Công ty TDS) chạy đến dùng điện thoại quay video và chửi bới, cản trở lực lượng chức năng, nên công an cũng đã bắt giữ Nghiêm Nhật Anh và đưa những người có hành vi chống đối cảnh sát về trụ sở công an. Sau đó, công an đã thực hiện “giải cứu” chị Nguyễn Hồng Linh, anh Tăng Văn Lương, Nguyễn Quý Hưng và Nguyễn Văn Dũng, đều là nhân viên trường Pascal.

Vẫn theo Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, tại cơ quan công an, ông Hà, bà Liên, Hồng đã thừa nhận hành vi của mình. Mặc dù xác định Nghiêm Nhật Anh không hợp tác, song ngay trong ngày 2/8, Công an quận Bắc Từ Liêm đã ra quyết định thả tự do cho Nghiêm Nhật Anh và Vũ Thị Liên. 

Đến ngày 9/8, Công an quận Bắc Từ Liêm đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hà và bà Hồng về hành vi chống người thi hành công vụ. Còn về vụ “ bắt giữ người trái pháp luật”, hiện cơ quan công an vẫn chưa ra quyết định tố tụng nào.

Nghi vấn “dàn dựng” cần được làm sáng tỏ

Tại buổi cung cấp thông tin, Công an quận Bắc Từ Liêm đã cho báo chí xem nhiều video liên quan đến những vụ việc gây mất an ninh trật tự tại lô đất này diễn ra trước đó và video quay lại quá trình công an cắt khóa cổng lô đất TH1 vào sáng 2/8. 

Đoạn video ghi lại quá trình cảnh sát PCCC dùng kìm cắt xích vào khóa cổng số 1 và gặp phải sự chống đối của một phụ nữ. Người phụ nữ này (bà Hồng) liên tục bốc cát trong xô ném về phía cảnh sát. Tuy nhiên, video không có hình ảnh cảnh sát thuyết phục bảo vệ mở cổng và cũng không có hình ảnh cho thấy hành vi chống đối cảnh sát của những người liên quan khác.

Với những thông tin và hình ảnh được Công an quận Bắc Từ Liêm cung cấp nêu trên, phóng viên báo chí đã đặt câu hỏi về việc có hay không vụ việc “bắt giữ người trái pháp luật” như tin báo ban đầu mà công an đã tiếp nhận? Bởi ngay sau khi sự việc xảy ra, bà Trần Kim Phương có đơn gửi đến các cơ quan chức năng đặt nghi vấn thông tin phản ánh vụ bắt giữ người trái pháp luật chỉ là “dàn dựng”.

Bà Phương cho biết mặc dù giữa bà và bà Dung có mâu thuẫn về kinh tế, nhưng không chỉ đạo nhân viên giữ những người này.  Vẫn theo bà Phương, nhóm nhân viên của bà Dung được cho là bị “bắt giữ” đã ăn dầm, ở dề tại khu đất TH1 (thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bà Phương) từ nhiều ngày nay. Trước khi xảy ra vụ việc “giải cứu con tin” nêu trên, ngày 29/7, Công ty TDS đã mời công an và đại diện Viện kiểm sát tới và đề nghị đưa nhóm người của bà Dung ra khỏi tòa nhà.  

Ngoài ra, bà Phương cũng hồ nghi về việc tại sao bà là chủ sở hữu hợp pháp của lô đất TH1 nhưng không nhận được thông báo về việc giải cứu con tin hoặc yêu cầu hợp tác nào từ phía cảnh sát; hình ảnh từ camera giám sát trong khu đất TH1 cho thấy vào thời điểm lực lượng chức nặng quận Bắc Từ Liêm cắt khóa cổng số 1 thì cổng số 3 đã mở và có một số cán bộ công an đã vào bằng cổng này. 

Đáng chú ý, đại diện Công ty TDS cũng cho biết, hình ảnh mà camera an ninh ghi lại cũng cho thấy vào thời điểm 9h20 ngày 2/8, một trong số những người được cho là bị bắt giữ vẫn đang đi lại ở khu vực cổng số 3.

Ai bắt giữ các nạn nhân?

Trả lời câu hỏi của báo chí, Công an quận Bắc Từ Liêm khẳng định đã giải cứu 4 người “bị bắt giữ trái pháp luật”. Tuy nhiên, ai là người bắt giữ các nạn nhân, động cơ giam giữ nạn nhân là gì, khi được giải cứu các nạn nhân trong tình trạng ra sao, các nạn nhân bị bắt giữ từ bao giờ và tại sao đến nay chưa khởi tố vụ án… vẫn chưa được cơ quan công an cung cấp thông tin.

Về việc Công ty TDS không nhận được thông báo có vụ bắt giữ người trái pháp luật, ông Dương Văn Thuận, Trưởng Công an phường Cổ Nhuế 1, cho biết cấp phó của ông đã điện thông báo cho bà Phương, nhưng bà trả lời đang làm việc tại tòa và hẹn một tiếng sau về giải quyết…. Tuy nhiên bà Phương khẳng định chỉ nhận được điện thoại của phó trưởng phường về việc chỉnh sửa camera chứ không thông báo việc “bắt giữ người”.

Liên quan đến video an ninh do Công ty TDS đưa ra để khẳng định không có việc bắt giữ người, trung tá Nguyễn Bình Ngọc, Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, thời gian tới sẽ làm việc với bà Phương, ghi nhận nguồn thông tin từ các bên, thu thập tài liệu dưới sự giám sát của viện kiểm sát để làm rõ và các hành vi sai phạm được xử lý đúng người đúng tội.

“Vụ việc xảy ra xuất phát từ mâu thuẫn từ lâu giữa hai bên, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét cả hành vi cố ý gây thương tích và bắt giữ người trái pháp luật” - trung tá Ngọc nói.

Nghi vấn dàn dựng vụ giải cứu con tin tại Trường Pascal ảnh 3 Trước thời điểm cảnh sát nhận được tin báo có vụ “bắt giữ người trái pháp luật” tại trường Pascal, một trong số 4 người được cho là nạn nhân vẫn đi lại tự do trong khuôn viên trường này

Công ty TDS do bà Trần Kim Phương làm chủ tịch HĐQT, bà Nguyễn Thị Minh Tín làm giám đốc, bà Lê Thị Bích Dung làm phó giám đốc, cùng hợp tác đầu tư xây dựng hệ thống trường học tại khu đất NT, TH1, TH2 – khu đô thị mới Cổ Nhuế. Giữa bà Phương và bà Dung đã ký 14 hợp đồng kinh tế. Trong quá trình hợp tác đã xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn. 

MỚI - NÓNG