Trả lời các phóng viên, ông Kartapolov - người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng của Duma Quốc gia Nga giải thích rằng vài ngày trước cuộc binh biến của Wagner, Bộ Quốc phòng Nga đã kêu gọi tất cả các nhóm quân sự nên ký hợp đồng với họ, mô tả chính sách này là “hoàn toàn đúng đắn”.
“Tất cả các nhóm đã ký, trừ Wagner”, ông Kartapolov nói.
Sau đó, chính quyền Nga nói với Wagner rằng nhóm này sẽ không thể tiếp tục tham gia chiến dịch quân sự ở Ukraine. “Điều này có nghĩa là sẽ không còn được cung cấp tiền, không còn nguồn lực tài chính hoặc vật chất. Đối với lãnh đạo Wagner - Yevgeny Prigozhin, tiền là một yếu tố, một yếu tố quan trọng, thậm chí có thể mang tính quyết định.”
Mối đe dọa bị cắt khoản chu cấp, cùng những tham vọng quá mức và thiếu lý trí, trạng thái kích động về mặt cảm xúc đã dẫn đến hành vi “phản bội và lừa dối đồng đội của Prigozhin”, nghị sĩ này nói.
Thủ lĩnh Wagner đã phát động cuộc nổi loạn vào ngày 23/6 sau khi cáo buộc Bộ Quốc phòng Nga dàn dựng một cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào một doanh trại của nhóm. Bộ Quốc phòng phủ nhận cáo buộc.
Trong những giờ tiếp theo, binh đoàn Wagner tiến vào thành phố Rostov-on-Don, miền Nam nước Nga và bắt đầu hành quân đến Mátxcơva. Tuy nhiên, Prigozhin đã hủy bỏ cuộc nổi loạn vào ngày 24/6 để đổi lấy “sự đảm bảo an ninh” từ chính phủ Nga như một phần của thỏa thuận do Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko làm trung gian.
Ngay trước khi Wagner bắt đầu cuộc nổi loạn, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã ký hợp đồng với hơn 20 tổ chức tình nguyện của Nga tham gia chiến dịch ở Ukraine. Tuy nhiên, Prigozhin công khai từ chối, tuyên bố rằng Wagner là một “nhóm hiệu quả cao” được “tích hợp hữu cơ vào hệ thống tổng thể”.
Hôm 27/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ rằng tập đoàn Wagner hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn tài chính của nhà nước, trong khi bản thân Prigozhin đã kiếm được hàng tỷ rúp thông qua các hợp đồng cung cấp thực phẩm cho quân đội.
Tổng thống Putin ca ngợi quân đội và các cơ quan an ninh Nga vì “trên thực tế đã ngăn chặn một cuộc nội chiến”. Ông mô tả cuộc nổi loạn là hành vi “xuất phát từ lợi ích cá nhân”, là “sự phản bội nhân dân, phản bội những người anh em đang chiến đấu ở tiền tuyến”.