Nghi ngờ Triều Tiên nâng cấp lò phản ứng hạt nhân

Cơ sở hạt nhân Yongbyon của CHDCND Triều Tiên ở thời điểm 2008, trước khi một tháp làm mát bị phá bỏ. Các công việc xây dựng vẫn tiếp diễn tại đây sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ảnh: KYODO/REUTERS.
Cơ sở hạt nhân Yongbyon của CHDCND Triều Tiên ở thời điểm 2008, trước khi một tháp làm mát bị phá bỏ. Các công việc xây dựng vẫn tiếp diễn tại đây sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ảnh: KYODO/REUTERS.
TP - CHDCND Triều Tiên đang nâng cấp nhanh chóng lò phản ứng hạt nhân được cho là từng phục vụ chương trình vũ khí của nước này, theo các hình ảnh vệ tinh mới nhất, Guardian dẫn lời một nhóm các nhà quan sát cho hay.

Việc này diễn ra trong lúc các cam kết với phía Mỹ về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên vừa được lãnh đạo Triều Tiên đưa ra tại Singapore.

Các hoạt động nâng cấp tại cơ sở hạt nhân Yongbyon “đang tiếp tục với tốc độ nhanh”, theo phân tích của nhóm theo dõi mang tên 38 North sau khi phân tích hình ảnh từ vệ tinh thương mại chụp ngày 21/6.

Hệ thống làm mát lò sản xuất plutonium đã được chỉnh sửa và ít nhất hai tòa nhà đã được xây thêm, có thể dùng cho việc đón quan khách tham quan. Một tòa nhà chuyên dụng cũng đã được hoàn tất, theo các nhà quan sát.

Trước đó, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cam kết “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhưng thời điểm và cách thức cụ thể vẫn chưa được quyết định. Đầu năm 2018, ông Kim tuyên bố khi vũ khí hạt nhân “có thể tấn công nước Mỹ” đã hoàn tất và Triều Tiên đã đóng cửa địa điểm thử nghiệm hạt nhân duy nhất từng được biết đến vào tháng 5.

“Các hoạt động nâng cấp cơ sở vật chất tại Yongbyon đang được tiếp tục”, Jenny Town, biên tập viên của 38 North, viết trên Twitter. “(Điều này) Nhấn mạnh lý do vì sao một thỏa thuận thực sự là cần thiết, chứ không chỉ là một tuyên cáo với những mục tiêu xa vời”.

Chưa rõ về hiện trạng những khu vực khác của tổ hợp hạt nhân và các chuyên gia cũng cảnh báo chưa vội liên hệ những “nâng cấp” này với nội dụng các cuộc đàm phán Mỹ-Triều.

“Không nên liên kết việc xây dựng tại cơ sở Yongbyon với các cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên”, vị chuyên gia của 38 North cảnh báo. “Các quan chức Triều Tiên sẽ vẫn tiếp tục công việc của họ như thường lệ cho đến khi có lệnh cụ thể được ban ra từ Bình Nhưỡng”.

Mặc dù chưa có thỏa thuận cụ thể nào về vấn đề hạt nhân giữa các bên, Hàn Quốc đã đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao. Tuần này, quan chức quân sự hai bên đã ngồi vào bàn đàm phán, bàn chuyện khôi phục đường dây liên lạc, các quan chức đường sắt bàn chuyện nối hệ thống của cả hai miền. Vào tháng tới, đôi bên sẽ kiểm tra lại hệ thống đường ray xuyên biên giới, từ lâu ngừng hoạt động.

Lãnh đạo Kim Jong-un từng đề cập hệ thống đường sắt tiên tiến của Hàn Quốc trong cuộc gặp Tổng thống Moon hồi tháng Tư, và trong một lần hiếm hoi, thừa nhận những yếu kém của miền Bắc so với miền Nam. Nhưng trước khi hệ thống đường sắt lạc hậu của Triều Tiên có cơ hội cải tổ, đôi bên phải đạt được tiến bộ về vấn đề hạt nhân, đi kèm với chuyện dỡ bỏ các lệnh cấm vận mà quốc tế đang áp dụng đối với Bình Nhưỡng.

Tháng Năm vừa rồi, trong một cử chỉ bày tỏ thiện chí, Bình Nhưỡng cho phá hủy khu thử nghiệm hạt nhân lâu năm Punggye-ri, bãi thử duy nhất của Triều Tiên được biết tới. Punggye-ri là nơi đã diễn ra 6 cuộc thử nghiệm nguyên tử.

Sau cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim, Triều Tiên tỏ ra rất kín tiếng về vấn đề phi hạt nhân hóa, cho dù truyền thông Triều Tiên đã giảm bớt các chương trình chống Mỹ, nước từ lâu được gọi là “kẻ thù đế quốc”, theo AFP.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nỗ lực thúc đẩy các đối thoại tiếp theo giữa đôi bên để nhằm cụ thể vấn đề phi hạt nhân hóa nhưng chưa có ngày giờ cụ thể cho các cuộc đối thoại mới.

38 North là một chương trình của Viện Mỹ - Hàn Quốc (đại học John Hopkins, Mỹ), chuyên đưa ra các phân tích về Triều Tiên, đặc biệt là phân tích dựa trên ảnh vệ tinh.
MỚI - NÓNG