Nghi ngờ hiệu quả nghị quyết trừng phạt Triều Tiên

Triều Tiên nói rằng, họ có quyền nghiên cứu tên lửa đạn đạo. Ảnh: BBC
Triều Tiên nói rằng, họ có quyền nghiên cứu tên lửa đạn đạo. Ảnh: BBC
TP - Các chuyên gia cho rằng, nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên dù đưa ra những biện pháp cứng rắn nhất từ trước đến nay, nhưng hiệu quả của nó trên thực tế khó như mong đợi và phụ thuộc nhiều vào việc thực hiện của Trung Quốc.

Hôm qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua Nghị quyết 2270 trừng phạt Triều Tiên với những biện pháp cứng rắn nhất trong hơn 2 thập kỷ qua, trong đó có nhiều biện pháp chưa từng được áp dụng trước đó trong lịch sử của LHQ. Theo đó, tất cả các loại hàng hóa từ hoặc đến Triều Tiên đều bị kiểm tra, và có thêm 16 cá nhân cùng 12 tổ chức khác bị đưa vào danh sách đen.

Các chuyên gia nói rằng, nếu Trung Quốc thực hiện nghiêm túc nghị quyết này, kinh tế Triều Tiên sẽ hứng chịu hậu quả vô cùng nặng nề. Thương mại song phương Trung Quốc - Triều Tiên tăng mạnh trong thập kỷ qua và đạt mức 6,54 tỷ USD năm 2013, chiếm đến 77% tổng ngoại thương của Triều Tiên. Trong đó, các loại khoáng sản chiếm phần lớn lượng xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc.

Năm 2013, xuất khẩu than chiếm 47%  và quặng chiếm 10% trong tổng hàng hóa xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc. Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ tấn công vào ngành công nghiệp khai khoáng mà Triều Tiên đang phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc bằng cách cấm vận chuyển than, sắt và quặng sắt nếu lợi nhuận từ những hoạt động này phục vụ các chương trình tên lửa hoặc hạt nhân.

TS Kevin Gray, giảng viên ngành Quan hệ quốc tế tại ĐH Sussex (Anh), viết trên trang tin NK News rằng, việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp trừng phạt nhằm vào xuất khẩu khoáng sản của Triều Tiên sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình thu ngoại tệ của Triều Tiên, từ đó tác động năng lực nhập khẩu của nước này.

Trong khi đó, Triều Tiên phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng cơ bản từ Trung Quốc. Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power hôm 3/3 nói rằng, những biện pháp trừng phạt này không nhằm vào dân thường Triều Tiên, nhưng điều đó khó tránh khỏi.

TS Gray cho rằng, nghị quyết mới của LHQ gợi nhớ những biện pháp trừng phạt chính quyền Saddam Hussein ở Iraq vào những năm 1990 cũng như những hậu quả mà dân thường phải gánh chịu, cùng với thực tế rằng những chính sách đó không mang lại hiệu quả cuối cùng mà dẫn đến chính quyền Saddam bị lật đổ và cuộc xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003.

Nhưng trong trường hợp của Triều Tiên, nạn đói kinh hoàng những năm 1990 cho thấy, ngay cả tình hình đói kém nghiêm trọng nhất cũng không dẫn đến bất ổn chính trị ở nước này. Vì thế, có ít bằng chứng cho thấy chính sách bao vây kinh tế đối với Triều Tiên sẽ có thể buộc nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, nhưng chắc chắn khiến đời sống người dân Triều Tiên thêm khổ sở, TS Gray nhận định.

Khó áp dụng

Trên thực tế, câu hỏi đặt ra là Trung Quốc sẽ đi xa đến đâu trong việc triển khai các biện pháp trừng phạt mới. Kinh nghiệm trước đây cho thấy, việc Trung Quốc đồng ý với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an không có nghĩa là các biện pháp trong đó sẽ được triển khai. Trung Quốc lo ngại về khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng tị nạn nếu Triều Tiên sụp đổ. Các vùng biên giới đông bắc lạc hậu về kinh tế của Trung Quốc trong những năm gần đây có quan hệ đầu tư và thương mại sâu sắc hơn với Triều Tiên. Các loại hàng hóa được trao đổi theo quy tắc thị trường, và chính quyền các địa phương cũng đầu tư khá nhiều vào cơ sở hạ tầng xuyên biên giới.

Dù ngày càng chỉ trích nặng nề hơn các chương trình hạt nhân và tên lửa của đồng minh Triều Tiên, Trung Quốc vẫn coi trọng sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên. “Có vẻ Trung Quốc đang hợp tác, nhưng đó chỉ là bề mặt”, hãng tin Reuters dẫn lời nhà nghiên cứu Kim Dong-yub tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc ĐH Kyungnam ở Seoul. Chính quyền Trung Quốc cũng khó có đủ khả năng giám sát tất cả lượng hàng hóa vận chuyển từ hoặc đến Triều Tiên, trong khi phần lớn hàng hóa giao thương qua biên giới được vận chuyển theo những cách không chính thức và lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của hải quan Trung Quốc.

Vài giờ sau khi Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết 2270, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo, Triều Tiên hôm 3/3 phóng 6 vật thể xuống biển phía đông. Những vật thể này có thể là rocket hoặc tên lửa dẫn đường, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin. Động thái này của Bình Nhưỡng được coi là để phản ứng với quyết định của LHQ. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên được dự báo tiếp tục căng thẳng, khi Mỹ và Hàn Quốc thực hiện đợt tập trận chung thường niên vào tuần tới.

Nghị quyết 2270 cấm

- Xuất khẩu than, sắt và quặng sắt phục vụ các chương trình tên lửa hạt nhân và đạn đạo của Triều Tiên

- Xuất khẩu vàng, quặng titan, quặng vanadi, đất hiếm và nhiên liệu hàng không

- Bất kỳ vật gì (ngoại trừ thực phẩm và thuốc) có thể dùng để phát triển lực lượng vũ trang của Triều Tiên

- Các loại vũ khí hàng nhẹ được bổ sung vào danh sách vũ khí

- Đồng hồ xa xỉ, mô-tô nước và các thiết bị thể thao giải trí được bổ sung vào danh sách hàng xa xỉ

- Bán hoặc cho thuê các loại tàu và máy bay

- …

Việt Nam tuân thủ nghị quyết

Người Phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định, Việt Nam đã và sẽ tuân thủ các nghị quyết liên quan vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 3/3, ông Bình khẳng định, lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, không phổ biến hạt nhân và tiến tới giải trừ loại vũ khí này.

“Việt Nam mong muốn các bên liên quan tích cực thúc đẩy đối thoại, tìm giải pháp hòa bình cho các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, góp phần thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới”, ông Bình nói. Người Phát ngôn khẳng định, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và sẽ tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Theo đó, các cơ quan liên quan của Việt Nam sẽ có các biện pháp cụ thể.

MỚI - NÓNG