Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định rằng lựa chọn khi nào mở cửa lại nền kinh tế “là quyết định lớn nhất mà tôi từng phải đưa ra”. Trong ngắn hạn, ông chắc chắn đã nói đúng. Đó là sự cân bằng nguy hiểm giữa sự an toàn của cộng đồng với nhiệm vụ hồi phục kinh tế, trở thành phép thử đối với bất kỳ tổng thống nào, dù có ảnh hưởng bởi cuộc bầu cử sắp tới hay không.
Nhưng đằng sau đó là một thách thức lớn hơn nữa: Liệu một vị tổng thống luôn đi theo lá cờ “Mỹ là trên hết”, người luôn đo lường sức mạnh quốc gia bằng quy mô ngân sách dành cho Lầu Nămg góc, số lượng tàu của Hải quân hay việc tăng số lượng vũ khí hạt nhân, giờ có nhìn thấy sự nguy hiểm khiến ông phải thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về an ninh quốc gia hay không.
Một tổng thống khác có thể coi đây là khoảnh khắc tập hợp cả nước vào một cuộc chiến tập thể chống lại loại virus đang lây lan chóng mặt, bấp kể biên giới quốc gia. Nhưng cho đến nay, ông Trump thể hiện ít quan tâm đến hành động tập thể, ngoài các cuộc điện đàm với đồng minh.
Theo các nhà phân tích, thông báo của ông Trump hôm 14/4 về việc Mỹ sẽ ngừng đóng góp cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) – vì đã phạm sai lầm giống như ông khi phản ứng không đúng mức lúc dịch bệnh mới tấn công và khen ngợi “sự minh bạch” của Trung Quốc – cho thấy ông lại quyết định làm một mình.
Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba buộc Tổng thống John F. Kennedy phải thay đổi theo hướng kiểm soát vũ khí. Loạt tấn công khủng bố 11/9 khiến Tổng thống Georgia W. Bush tập hợp nỗ lực toàn cầu cho cuộc chiến chống khủng bố và tăng cường các biện pháp phòng vệ trong nước. Câu hỏi được nghĩ đến hiện nay là liệu COVID-19 có thay đổi các ưu tiên trong vấn đề an ninh quốc gia. Chắc chắn là trong các cuộc họp báo, ông Trump không thể hiện gì về việc ông đang nghĩ đến những hàm ý lâu dài.
“Tổng thống Trump đã thu hẹp đáng kể diễn giải về an ninh quốc gia”, bà Kori Schake, giám đốc chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói với báo New York Times.
“Đó đều là về đóng cửa biên giới và sức mạnh quân sự. Và đại dịch toàn cầu này cho thấy những điểm yếu của chính sách đó” khi các mối đe doạ không đến từ một kẻ thù nào đã chĩa vũ khí vào Mỹ, bà Schake nói.
Bà Schake là phó giám đốc hoạch định chính sách của Lầu Năm góc dưới thời Tổng thống Bush.
Lơ là “an ninh mềm”
Từ khi ông Trump lên nắm quyền, chính quyền Mỹ luôn cố giảm bớt hoặc xoá bỏ các chương trình an ninh “mềm” nhằm giúp Mỹ chuẩn bị tốt hơn cho những đại dịch bệnh. Một bài viết cụ thể về điều này được đăng trên báo New York Times cuối tuần qua cho thấy hệ thống hoạch định chính sách của Mỹ xảy ra những chậm trễ, bỏ lỡ tín hiệu và thiếu hoạch định về điều gì sẽ xảy ra nếu nỗ lực kiểm soát dịch bệnh thất bài, cũng như ước tính cái giá phải trả cho sự lơ là đó.
Các kho khẩu trang và máy thở đã vơi từ thời chính quyền Obama nhưng chưa bao giờ được bổ sung. Những cuộc diễn tập như “Crimson Contagion” mô phỏng bối cảnh đại dịch cúm vẫn được triển khai nhưng các bài học được tổng kết không được trình lên lãnh đạo cấp cao. Ông Trump chưa bao giờ dành thời gian và nguồn lực cho những vấn đề như vậy, mà tập trung vào chuyện xây bức tường dọc biên giới tây nam hoặc thay đổi cuộc chơi để gây sức ép với Iran.
Không thể tìm thấy bài phát biểu nào của ông Trump chú trọng đến các vấn đề y tế cộng đồng, càng ít khi ông nói đến nó như một chủ thể gây đe doạ cho an ninh quốc gia.
Một chiến lược được soạn thảo vào năm 2017 và 2018 đã đánh giá quy mô đầy đủ của các mối đe doạ sinh học. Nhưng khi tài liệu được công bố vào mùa thu năm 2018, các tác giả chính là ông Thomas Bossert, cố vấn an ninh nội địa của Nhà Trắng, và Đô đốc R. Timothy Ziemer, người chịu trách nhiệm về các vấn đề y tế và phòng thủ sinh học, đã bị thay thế bởi cố vấn an ninh quốc gia John Bolton.
Giới thiệu chiến lược này vào tháng 9/2018, ông Bolton nói: “Chúng tôi nghĩ điều quan trọng đối với các mục đích quốc phòng là xem xét nhứng vũ khí huỷ diệt hàng loạt mà Mỹ cùng bạn bè và các đồng minh đang đối mặt”. Ông nói về vũ khí sinh học mà “các nhóm khủng bố muốn thử và gây tổn thất lớn cho nước ta”.
Ông để lại tất cả thảo luận về việc chống các virus xuất hiện trong tự nhiên cho Bộ trưởng dịch vụ y tế và con người Alex M. Azar II, người phụ trách một “uỷ ban chỉ đạo” cấp độ nội các để quản lý những mối đe doạ như vậy. Đó hoá ra là một giải pháp cổ điển của Washington – một cấu trúc quan liêu với nhiều lời lẽ nhưng không đủ nguồn lực hay thẩm quyền để lấp đầy các lỗ hổng mà chính quyền sau nói về chính quyền trước.
“Sau khi điều này qua đi, chúng ta cần nhìn xem liệu chúng ta có cần một cấu trúc lâu dài hơn để ứng phó với đại dịch hay không”, giống như việc thành lập Trung tâm chống khủng bố quốc gia sau loạt khủng bố 11/9 để xây dựng các mạng lưới và đối tác trên toàn cầu, cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice phát biểu hôm 14/4 tại sự kiện do Viện Hoover tổ chức.
Trong 3 thập kỷ, Mỹ đã chi nhiều tỷ đô la để thiết lập hệ thống cảm biến trên mặt đất và không gian để phát hiện tên lửa của kẻ thù, nhưng rất ít nỗ lực để xây dựng mạng lưới giám sát dịch bệnh toàn cầu. Nếu có, các quốc gia khắp thế giới thường phủ nhận thực tế, giống như cách ông Trump và các trợ lý phàn nàn khi họ cáo buộc Trung Quốc chia sẻ quá ít thông tin về những điều xảy ra ở Vũ Hán, nơi đầu tiên COVID-19 bùng lên.
Những hỗn loạn sau đó được thể hiện rõ ràng trong các email trao đổi giữa nhóm “Bình minh đỏ” gồm các chuyên gia cấp cao về bệnh truyền nhiễm với các quan chức y tế của chính phủ - những người suốt từ tháng 1 đến tháng 3 vẫn xoay xở trong bóng tối để tìm hiểu vì sao một mối đe doạ như vậy cập bến nước Mỹ.
Những cảnh báo đó gợi lại chuyện Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Joseph C. Grew đã gửi nhiều thông điệp cho Tổng thống Franklin D. Roosevelt nhiều năm trước khi xảy ra sự kiện Trân Châu Cảng. Cả hai sự việc đều tạo ra cảm giác về sự thất bại trong nỗ lực ngăn chặn thảm hoạ ập đến, dù đã được cảnh báo trước.
Việc ông Trump quyết định dừng đóng góp cho WHO xuất phát từ lập luận rằng tổ chức quốc tế này làm theo cách ngược với lợi ích của Mỹ. Trong trường hợp này, nhiều người Mỹ cho rằng ông Trump đã đúng khi đặt vấn đề vì sao hệ thống rà soát sớm của WHO đã thất bại và nghiêng về Trung Quốc quá nhiều.
Nhưng việc Mỹ dừng cấp tiền cho WHO sẽ mở đường cho Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn.
“Điều này giống như làm tê liệt bộ phận cứu hoả trong lúc đang có đám cháy”, ông Nicholas Burns, cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ và hiện là giám đốc Dự án tương lai ngoại giao ở Havard, viết sau khi ông Trump đưa ra thông báo về WHO.
Cố vấn thương mại của ông Trump, ông Peter Navarro, đã nói đến một thay đổi nữa: chấm dứt sự phụ thuộc của Mỹ vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là các mặt hàng thuốc và thiết bị y tế quan trọng. Ở đây, bản năng Mỹ là trên hết của ông Trump có thể hiểu được. Nếu Mỹ không bao giờ để mình phụ thuộc vào Trung Quốc về vũ khí thì vì sao phải phụ thuộc về khẩu trang N95 hay các loại thuốc quan trọng và máy thở?
Hiện đang có một cuộc đua phát triển vắc-xin diễn ra ở Trung Quốc, châu Âu và Mỹ. Cuộc đua này sẽ kiểm tra khả năng của các nước trong việc điều hướng giữa nhiệm vụ chữa trị cho người dân của họ với nhiệm vụ giúp thế giới trước. Về lý thuyết, ở một thế giới mà virus không cần visa thì không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người an toàn.
Đã có những dấu hiệu cho thấy bản năng của ông Trump, cũng có thể của cả các lãnh đạo thế giới khác, sẽ là quan tâm đến người dân của mình trước tiên. Điều đó giải thích cho thông tin ông tìm cách khiến một công ty của Đức chuyển nghiên cứu vắc-xin COVID-19 sang Mỹ.
Nhưng chưa có gì bảo đảm Mỹ sẽ thắng trong cuộc đua vắc-xin. Nếu có bài học được rút ra sau 3 tháng qua thì đó là không bức tường nào có thể ngăn virus, và những gì diễn ra ở Vũ Hán hay vùng Lombardy của Italy cũng có thể xảy ra ở New York và Washington.