Nghi án 'nhận hối lộ' 16 tỷ đồng, Trưởng đoàn thanh tra nói gì?

Ngành đường sắt đang đối mặt nhiều câu hỏi liên quan nghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng (trong ảnh: Tàu thống nhất tuyến Hà Nội-Sài Gòn đi từ ga Hà Nội đến ngõ 222 đường Lê Duẩn. Ảnh chụp chiều 26/3/2014). ảnh: như ý
Ngành đường sắt đang đối mặt nhiều câu hỏi liên quan nghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng (trong ảnh: Tàu thống nhất tuyến Hà Nội-Sài Gòn đi từ ga Hà Nội đến ngõ 222 đường Lê Duẩn. Ảnh chụp chiều 26/3/2014). ảnh: như ý
TP - Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT Lê Văn Doãn-Trưởng đoàn thanh tra các dự án đường sắt liên quan nghi án nhận hối lộ từ Cty JTC (Nhật Bản), cho biết: Đoàn quán triệt tinh thần không chấp nhận bất cứ tác động bên ngoài nào; nếu tiêu cực xảy ra trong quá trình thiết kế, lập dự án thì hậu quả rất lớn.

Chống tham nhũng từ khâu tư vấn thiết kế

Thưa ông, đợt thanh tra này được thực hiện thế nào?

Ngay trong ngày 26/3, chúng tôi công bố quyết định thanh tra tại Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) và đến ngày 28/3 bắt đầu làm việc. Trước mắt sẽ thanh tra Dự án tuyến số 1 đường sắt đô thị Hà Nội, sau đó mới triển khai thanh tra các dự án khác liên quan Cty JTC. Dự kiến, ngày 28/3, Ban Quản lý dự án này sẽ có bản báo cáo tổng hợp và bàn giao tài liệu. Trên cơ sở đó, chúng tôi trực tiếp kiểm tra; khoảng sau 15 ngày làm việc sẽ có báo cáo và kết luận về dự án này để công khai.

Nội dung kiểm tra bao gồm việc lập hồ sơ mời thầu, tiêu chuẩn đánh giá thầu, điều kiện dự thầu của các nhà thầu, xét thầu và thực hiện dự án.

Việc đánh giá chất lượng một dự án thiết kế theo giới chuyên môn là không dễ, thanh tra sẽ làm thế nào?

Bản thân chúng tôi có bộ phận thanh tra xây dựng cơ bản nhiều kinh nghiệm. Cần thiết, chúng tôi trưng dụng thêm cán bộ, chuyên gia có kinh nghiệm về lĩnh vực thiết kế và thẩm định.

Có ý kiến cho rằng, nếu tồn tại tiêu cực trong khâu tư vấn thiết kế, tư vấn đầu tư thì tác hại của nó lớn hơn nhiều so với khâu triển khai xây dựng dự án?

Đúng vậy. Nếu có móc ngoặc hoặc thông đồng giữa doanh nghiệp tư vấn thiết kế với chủ đầu tư thì sẽ rất nguy hiểm. Hợp đồng tư vấn không lớn, giá trị tư vấn không nhiều so với các gói thầu xây lắp hoặc mua sắm thiết bị, nhưng hậu quả gây nên sẽ rất lớn; lãng phí trong đầu tư. Vì thế, cần phải chống tham nhũng ngay từ khâu tư vấn thiết kế là một vấn đề mới, cần làm.

Nhận hối lộ rất kín đáo

Thực tế, hợp đồng tư vấn thiết kế nhiều dự án là không nhỏ, chiếm đến 10% giá trị tổng dự án?

Nghi án 'nhận hối lộ' 16 tỷ đồng, Trưởng đoàn thanh tra nói gì? ảnh 1

Đầu máy “Đổi mới”, nhưng ngành đường sắt bao năm vẫn chậm thay đổi. Ảnh: Như Ý

Ở đây có hai trường hợp, một là dự án dùng vốn trong nước, hai là dự án dùng vốn vay của nước ngoài, trong đó có nguồn vốn ODA. Đối với dự án bằng vốn nước ngoài, giá trị hợp đồng tư vấn thiết kế rất lớn. Đây là quy định của nhà tài trợ áp dụng chung cho các dự án họ triển khai ra nước ngoài (thông thường chi phí tư vấn nước ngoài từ 7 - 12%), phụ thuộc vào tính chất quy mô cũng như độ phức tạp của dự án và một phần phụ thuộc vào khả năng thương thảo giữa các bên. Trong đợt thanh tra, chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này để rút kinh nghiệm cho các dự án tiếp theo.

Liệu thanh tra có phát hiện được hành vi đưa và nhận hối lộ trong dự án này?

Nghi án 'nhận hối lộ' 16 tỷ đồng, Trưởng đoàn thanh tra nói gì? ảnh 2

Phó Chánh thanh tra GTVT Lê Văn Doãn

“Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, Chánh Thanh tra Bộ GTVT chỉ thị cho toàn cán bộ trong đoàn không để bất cứ yếu tố nào bên ngoài tác động đến quá trình thanh tra”. 

Trưởng đoàn thanh tra các dự án đường sắt

Hành vi đưa và nhận hối lộ rất kín đáo và tinh vi. Theo thông tin ban đầu thì vụ việc này do lãnh đạo Cty JTC của Nhật Bản đưa trực tiếp cho một số quan chức trong ngành đường sắt Việt Nam; không thể hiện qua sổ sách chứng từ kế toán của ngành đường sắt cũng như của Ban Quản lý các dự án Đường sắt (RPMU); thế nên, phía Việt Nam khó phát hiện ra. Thậm chí, ngay cả quá trình thanh tra về dự án sau này cũng rất khó phát hiện ra, nếu như không có biểu hiện gì vi phạm chất lượng, khối lượng hoặc những chi phí bất thường.

Đối với vụ việc này, cơ sở để nhận biết: Trong quá trình kiểm tra việc kê khai tài sản thu nhập ở cơ quan nếu thấy có dấu hiệu về chi tiêu, tăng tài sản bất thường.

Trường hợp phía Nhật cung cấp danh sách cụ thể thì sao, thưa ông?

Nếu có danh sách cụ thể chuyển ngay sang cơ quan công an điều tra. Lúc đó là việc của ngành công an, viện kiểm sát và tòa án và sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Thông thường dự án ODA nước nào tài trợ thì nhà thầu nước đấy tham gia và không phải nơi nào cũng đảm bảo chất lượng. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?

Thực ra hiện tượng này là có. Từ trước tới nay, Thanh tra Bộ GTVT chúng tôi chưa thanh tra các dự án ODA; từ nay mới có thể có ý kiến về vấn đề này.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG