Nghệ thuật “phá tiền dân”

Nghệ thuật “phá tiền dân”
TP - Đầu hè vợ chồng Ngơ về quê. Bố Ngơ bảo: "Chúng mày chuẩn bị xe cộ đem cả nhà vô tỉnh lỵ ăn mừng sinh nhật tỉnh. Năm nay tỉnh ta làm to lắm."
Nghệ thuật “phá tiền dân” ảnh 1

Ngơ ngạc nhiên:

- Ủa? Kỷ niệm ngày thành lập tỉnh chỉ cần một cuộc mít tinh, một chương trình văn nghệ là xong, sao lại to như sinh nhật nước hả bố?

- Mà sinh nhật nước cũng không to đến vậy - Thị Mẹt đế thêm - Kỷ niệm  những ngày lễ lớn chủ yếu qua tuyên truyền giáo dục, có liên hoan văn nghệ, có lễ hội nhưng không đồ sộ ngất trời đâu.

Bố Ngơ càu nhàu:

- Chúng mày xa quê lâu ngày mất gốc hết! Tỉnh hàng xóm người ta làm ầm ầm, ti vi truyền hình trực từ đầu hôm đến nửa đêm. Tỉnh mình có kém chi tỉnh hàng xóm? Hả, có kém chi mà không tổ chức thật to cho thiên hạ lác mắt ra, hả?

Ngơ thè lưỡi rụt cổ, rỉ tai Mẹt:

- Khổ, lễ hội kỷ niệm sinh nhật tỉnh không phải làm cho dân tỉnh xem, chủ yếu cho thiên hạ xem.

Thị Mẹt gật gù, không mấy khi Ngơ nói mà Thị Mẹt gật gù:

- Mà thiên hạ cũng không mấy người rảnh rỗi đi xem sinh nhật tỉnh hàng xóm. Làm rầm rộ thế này là để khoe, để nói với tỉnh hàng xóm rằng bay sức mấy mà bằng choa.

- Và có cớ xin trung ương một mớ tiền, có cớ quyết toán nợ nần lâu nay với tài chính. - Ngơ đau khổ bổ sung.

- Phải rồi! Nghe nói kinh phí cho mỗi kì sinh nhật tỉnh lên tới hàng trăm tỉ.

Bố Ngơ đập bàn quát lớn:

- Chúng mày có đi không thì bảo. Đến sinh nhật tỉnh chúng mày còn ngồi đó mà bàn ra.

Ngơ và Mẹt im re, lặng lẽ theo bố vượt gần năm chục cây số đi dự sinh nhật tỉnh. 7 giờ tối mới bắt đầu, mới năm giờ chiều nắng còn chang chang, tỉnh đã huy động đủ quân số khán giả ngồi kín cả sân vận động.

Kiểu này bỏ đi ăn có khi mất chỗ. Thôi đành gặm bánh mì, uống nước suối ngồi chờ giờ khai mạc.

- Rồi! - Ngơ hét vang! - Khai mạc rồi!

Trống hội đã giong, pháo hoa đã bắn. Lễ hội bắt đầu! Màn sân khấu ngoài trời với hàng ngàn diễn viên quần chúng xanh đỏ tím vàng chạy vô chạy ra, đứng lên ngồi xuống.

- Họ diễn cái gì thế? - Thị Mẹt túm áo Ngơ.

Ngơ cũng trố mắt, không hiểu:

- Diễn cái gì mà mọi người đều để trần đóng khố, thân vẽ rồng rắn đầu đội lông chim y như thổ dân châu Mỹ?

- Ngu! - Bố Ngơ quát - Đấy là lịch sử tỉnh ta từ thủa hồng hoang, buổi đầu dựng nước.

A, hiểu rồi. Lịch sử tỉnh ta y chang lịch sử nước ta. Thủa hồng hoang mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, các vua Hùng và các triều đại tiếp theo dựng nước, chống xâm lăng suốt bốn ngàn năm lịch sử. 

Màn sân khấu ngoài trời diễn lại sự tích đất Việt chứ đâu phải lịch sử tỉnh nhà? Năm ngoái tỉnh A, tỉnh B, tỉnh C đã dựng màn trình diễn này rồi kia mà!

Tỉnh nào cũng mời mấy ông mấy bà đạo diễn biên kịch ở trung ương về làm cho. Các ông các bà làm một lần dùng muôn đời, thật đã!

Dạo này ăn ra nên làm ra bỗng có hội chứng sân khấu hóa. Động một tí là đùng đùng kéo nhau ra ngoài trời làm sân khấu hóa, thi nhau rầm rộ, thi nhau véo von, thi nhau hoành tráng.

Sân khấu hóa là mốt chơi của các trưởng lão lắm tiền. Bày mâm cỗ ngoài trời cho thiên hạ biết mình là ai, văn hóa thế nào, giỏi giang ra sao là sở thích của các trưởng lão, bất chấp tốn kém thế nào, hiệu quả giáo dục tuyên truyền ra sao.

- Anh ơi sao đợi mãi không thấy mẹ Âu Cơ đẻ? - Thị Mẹt hỏi.

- Đẻ rồi! Người thuyết minh chẳng bảo mẹ đẻ được trăm trứng rồi sao? Đời nào người ta đem mẹ ra đẻ giữa vạn người, vô duyên!

- Thế người ta diễn cái gì?

- Chống xâm lăng! - Bố Ngơ giải thích.

- Chống xâm lăng nhưng chống ai, bố? - Mẹt nhăn nhó - Toàn thấy súng ống tùm lum, chẳng biết thời Tàu hay thời Tây.

Mặt bố Ngơ hằm hằm. Ngơ bèn mắng Thị Mẹt át đi:

- Chà, chống ai mình cũng thắng lợi, thắc mắc làm cái gì!

Bố Ngơ vuốt râu đắc ý.

- Phải! Phải!

Thắng lợi rồi! Pháo hoa đầy trời. Đèn la-de quét lia  lịa. Và múa. Và hát. Mấy ngàn con người múa múa hát hát rầm trời.

Bỗng bố Ngơ đứng bật dậy, quát to:

- Giống hệt tỉnh hàng xóm! Làm ăn kiểu chi lạ đời. Màn múa hát này tỉnh hàng xóm làm năm ngoái rồi. Người ta làm thế nào mình bê nguyên xi ra cả. Xấu hổ quá trời.

- Sân khấu ngoài trời cũng na ná, xấu hổ quá bố ơi - Thị Mẹt cười rúc rích.

Bố Ngơ gầm lên:

- Làm thế này quá xót tiền dân!

Tiền của dân mình đem xài thoải mái thì sướng chứ, sao lại xót? Bố Ngơ nói hay chửa!

Hu hu...

MỚI - NÓNG