> Chàng khiếm thị chống gậy tìm người yêu giữa Hà Nội
Hà Thị Hải Vân, SN 1982, quê Vĩnh Linh (Quảng Trị), trong nhà có 3 chị em thì Vân và em gái thứ 2 bị khiếm thị từ nhỏ nên cuộc sống càng khó khăn. Cách đây hơn hai năm, nhờ người quen giới thiệu Vân được ra Hà Nội dự khóa học miễn phí trong 3 tháng rồi làm việc ở trung tâm tẩm quất người mù trên đường Hoàng Hoa Thám. Bùi Văn Sáng (SN 1987, quê Lương Sơn, Hòa Bình) là con thứ 6 trong gia đình có 8 anh em. Sau lần lên sởi lúc 4 tuổi, mắt Sáng bị mù hoàn toàn, nhưng không cam chịu số phận...
Tại trung tâm tẩm quất người mù Hoàng Kim, chúng tôi còn được gặp Lê Thị Xuân (SN 1980, quê Quảng Bình). Từ nhỏ vẫn đi học bình thường nhưng vào lớp 7, đột nhiên đôi mắt mờ dần rồi hỏng hoàn toàn và đành nghỉ học ở nhà.
Xuân rất chán nản và tuyệt vọng. Lớn lên, không làm được gì nhiều, Xuân chỉ biết ở nhà trông cháu cho các anh chị đi làm. Năm 2000, Xuân được nhận vào hội người mù của huyện, bắt đầu làm quen với chữ nổi.
Xuân từng được cử đi thi hội thao của người khuyết tật các cấp và giành nhiều HCV trong 3 năm liền (2007-2009). Vì sức khỏe Xuân đành giã từ sự nghiệp thể thao đầy vinh quang để hành nghề tẩm quất.
Thanh niên khiếm thị, đặc biệt là nữ, không thể lường trước ngoài việc bị các chủ cơ sở chui quỵt lương, đuổi việc không rõ lý do, còn không ít lần bị quấy rối.
Nguyễn Văn H (28 tuổi) đang làm cho một điểm tẩm quất người mù trên đường Láng (Hà Nội) vẫn chưa quên chuyện cách đây hai tháng: “Hôm đó, trời xẩm tối. Ông khách đột nhiên sờ soạng, rồi còn hứa sẽ cho mình rất hậu nếu được thỏa mãn. Quá bất ngờ, mình toan mở cửa chạy ra ngoài thì bị ông nắm tay kéo lại. Mình vùng vằng mãi mới thoát”.
Tôi tìm đến cơ sở tẩm quất người mù trên phố Trung Kính và được một cô gái trẻ phục vụ. Đó là Nguyễn Thị Y (SN 1989, ở Quốc Oai, Hà Nội) vừa đi làm được mấy tháng. Y bắt đầu tẩm quất cho tôi, từ đầu, xuống đến gáy, vai, lưng, chân... rất thành thạo.
Tôi được nghe Y chia sẻ nhiều chuyện. Hôm đó, khách vắng nên chỉ có mình Y ở trong phòng phục vụ cho một thanh niên. Mới bắt đầu chưa được bao lâu, chàng trai đã dùng những lời lẽ ngon ngọt và hứa sẽ cho Y nhiều tiền nhằm được... làm việc khác.
“Biết gặp phải người không đứng đắn nên em chỉ biết gắng gượng làm cho xong. Thấy em im lặng, khách tưởng em đồng ý nên đưa tay thám thính cơ thể. Khi đó em chỉ biết hét lớn và những người chỗ làm chạy vào gã mới vùng vằng đứng dậy bỏ đi. Ngồi một mình, em chỉ biết khóc cho thân phận bọt bèo”, Y kể.
Hạnh phúc nhỏ nhoi
Đã sang tuổi 30 Vân vẫn chưa có mảnh tình bắt vai. Ngày này qua tháng khác, tuổi xuân trôi đi trong phòng tẩm quất. “Quanh năm suốt tháng ở đây, lại kém may mắn nên em chẳng bao giờ dám mơ có người đến với mình, đành lấy công việc làm niềm vui”, Vân chia sẻ. Với Vân, an ủi lớn nhất là tự mình kiếm được tiền nuôi bản thân và hàng tháng gửi về quê.
Cùng tuổi, cùng cảnh ngộ và chung chỗ làm với Vân, Lê Thị X. (quê Quảng Bình) đã qua một đời chồng và một cậu con trai chuẩn bị vào lớp 3.
Do chồng suốt ngày rượu chè, cờ bạc, X. ôm con về nhà để bố mẹ nuôi rồi ra Hà Nội học nghề tẩm quất rồi được nhận vào làm ở trung tâm tẩm quất người mù Hoàng Kim.
Tại đây, X. gặp anh T. (SN 1974) là người cùng quê và đã từng có vợ. Sau một vụ tai nạn do mảnh bom bi, anh T. phải nằm viện cả tháng trời. Lúc ra viện, đôi mắt của anh chỉ còn là màu đen mênh mông. Chua chát hơn, người vợ cùng chung chăn gối sau khi biết chồng bị mù đã bỏ đi biệt xứ.
Gia nhập hội người mù của huyện được ít lâu, T. được cử đi học lớp tẩm quất cho người mù. Từ đây, cuộc đời anh xem như sang trang khi có chỗ ăn ở và công việc ổn định. X. và T. quen nhau đã được hơn hai năm, là người cùng quê, lại đồng cảnh ngộ nên dễ hiểu và cảm thông cho nhau.
Được biết, hai người đã về quê ra mắt gia đình nhưng khi hỏi lúc nào tính chuyện trăm năm thì chỉ cười gượng gạo. “Bây giờ, chúng mình được ở bên nhau, quan tâm và chăm sóc nhau là tốt rồi chứ chưa dám nghĩ đến chuyện kết hôn”, anh T. nói.