Nghệ sĩ Việt và chuyện sao chép, trả giá

Nghệ sĩ Việt và chuyện sao chép, trả giá
Nhiều nghệ sĩ Việt Nam hết bị báo chí Hàn Quốc đến báo chí Trung Quốc đồng loạt mang ra mổ xẻ, chê bai, lên án việc sao chép ý tưởng, tạo hình nhân vật trong những tác phẩm nghệ thuật của nước họ

Nghệ sĩ Việt và chuyện sao chép, trả giá

Nhiều nghệ sĩ Việt Nam hết bị báo chí Hàn Quốc đến báo chí Trung Quốc đồng loạt mang ra mổ xẻ, chê bai, lên án việc sao chép ý tưởng, tạo hình nhân vật trong những tác phẩm nghệ thuật của nước họ

Mới đây, báo chí Trung Quốc đồng loạt đưa hình ảnh Tiểu Long Nữ của ca sĩ Cẩm Ly hóa thân trong MV (video ca nhạc) Thần điêu đại hiệp do nhạc sĩ Minh Vy làm đạo diễn cách đây khá lâu để so sánh với Tiểu Long Nữ phiên bản mới do Trần Nghiên Hy thủ vai với ý chỉ trích bôi xấu (Báo Người Lao Động đã đưa tin trên số báo ra ngày 15-10).

Cẩm Ly bị báo chí Trung Quốc chê tả tơi rằng tạo hình của cô xấu xí nhất trong lịch sử tạo hình của Tiểu Long Nữ, thậm chí “Tiểu Long Nữ phiên bản Việt có thể khiến Tiểu Long Nữ gốc muốn tự tử”.

Tạo hình Tiểu Long Nữ của Cẩm Ly bị báo chí Trung Quốc mang ra so sánh với Trần Nghiên Hy. (Ảnh từ internet)
Tạo hình Tiểu Long Nữ của Cẩm Ly bị báo chí Trung Quốc mang ra so sánh với Trần Nghiên Hy. (Ảnh từ internet).
Nghệ sĩ Việt và chuyện sao chép, trả giá ảnh 2
 

Không phải lần đầu bị chê trách

Đây không phải là lần đầu tiên báo chí Trung Quốc lùng sục những hình ảnh tưởng chừng đã “rơi vào quên lãng” của nghệ sĩ Việt hóa trang vào các nhân vật cổ trang của họ để bôi nhọ, chế giễu. Hàng loạt nghệ sĩ Việt bắt chước tạo hình của các nhân vật trong các bộ phim cổ trang nổi tiếng như Tiểu Long Nữ, Tôn Ngộ Không, Tiểu Yến Tử, Lệnh Hồ Xung… đã khiến khán giả nước này khó chịu.

Năm 2012, Cẩm Ly bị chê xấu xí, luộm thuộm trong 2 MV có nội dung lấy ý từ những câu chuyện nổi tiếng là Tiếu ngạo giang hồ của Cẩm Ly - Cảnh Hàn và Thần điêu đại hiệp có Đan Trường - Cẩm Ly song ca. Riêng trong MV Tiếu ngạo giang hồ, tạo hình nhân vật Lệnh Hồ Xung của ca sĩ Cảnh Hàn bị chê là phong thái, gương mặt hài hước, biểu diễn màn múa kiếm không khác Ngộ Không múa cây thiết bảng.

Chưa hết, cư dân mạng Trung Quốc còn phát hiện trong các clip ca nhạc “nhái” các nhân vật trong phim cổ trang kinh điển của nước họ có những chi tiết không ăn nhập gì với nội dung clip. Cụ thể là trong MV Tiếu ngạo giang hồ của Cẩm Ly, những dòng chữ Hán với ý nghĩa không hề ăn nhập gì đến chiêu thức võ công Quỳ Hoa bảo điển của Đông Phương Bất Bại. Năm 2008, cư dân mạng Trung Quốc “vạch lá tìm sâu”, phát hiện trong một clip ca nhạc thiếu nhi của Việt Nam, các em nhỏ hóa thân thành Tôn Ngộ Không và thầy trò Đường Tăng của phim Tây du ký rồi chỉ trích rằng hết sức hài hước và ngô nghê.

Tạo hình Tiểu Yến Tử của Triệu Vy trong bộ phim Hoàn Châu cách cách “được” các nghệ sĩ Việt Nam sao chép lại trong MV Hoài niệm cũ của nam ca sĩ Đan Trường hay MV Khi có em trong đờicủa ca sĩ Cẩm Ly từng làm xôn xao và nóng trên các trang báo của Trung Quốc. Tháng 12-2007, các trang báo điện tử, diễn đàn mạng Trung Quốc và cả công ty quản lý bản quyền phim nữ sĩ Quỳnh Dao ở Đài Loan từng đòi kiện phía công ty Việt Nam vì cho rằng công ty này đã vi phạm bản quyền, sao chép những tình tiết giống hệt trong phim của Quỳnh Dao.

Việc báo chí Trung Quốc mang hình ảnh Tiểu Long Nữ của Cẩm Ly trong MV và của Trần Nghiên Hy trong phim truyền hình lên so sánh rồi chê bai, miệt thị khiến nhiều khán giả Việt Nam vô cùng bức xúc. “Không ai lại đem MV ra đời hơn 10 năm trước, lúc đó kỹ thuật, kỹ xảo còn quá tệ cùng sự đầu tư kinh phí thấp, so sánh với hình tượng nhân vật trong phim mới sản xuất, được trau chuốt, chỉnh sửa, có góc chụp đẹp” - một khán giả viết.

Nhiều cư dân mạng Trung Quốc cũng cho rằng sự so sánh này không hợp lý do góc ảnh của Cẩm Ly không đẹp và chất lượng hình ảnh lại rất tệ. Cẩm Ly cùng Đan Trường tham gia MV này đã cách đây cả chục năm, khi đó các yếu tố về nghệ thuật hóa trang, kỹ xảo đều kém xa so với thời điểm hiện tại. Mọi sự so sánh, chê bai đều không công bằng. Có ý kiến cho rằng vì tạo hình của Trần Nghiên Hy bị công chúng chê xấu nên báo chí Trung Quốc mang Cẩm Ly ra để... dập bớt dư luận.

Sáng tạo là tự trọng

Dù có những ý kiến trái chiều nhưng truyền thông Trung Quốc chê bai cũng không phải hoàn toàn không có cơ sở. Có những tạo hình nhân vật trong điện ảnh Hoa ngữ được nghệ sĩ Việt Nam sao chép khá xấu xí, hóa trang qua loa, cẩu thả, theo lối hài kịch. Nếu xem clip Khi có em trong đời của ca sĩ Cẩm Ly thì đúng là nhân vật Tiểu Yến Tử không xinh đẹp, lại có nhiều cảnh hài hước thái quá dẫn đến phản cảm, bôi bác.

Không phủ nhận rằng vào thời ấy, việc Cẩm Ly và Đan Trường bất ngờ hóa thân vào những nhân vật nổi tiếng trong tiểu thuyết của Kim Dung hay tạo hình Hoàn Châu cách cách đã khiến khán giả thích thú, ủng hộ vì ý tưởng mới lạ. Việc nhà sản xuất, đạo diễn “ăn theo”, bắt chước một tác phẩm điện ảnh nổi tiếng để làm cho MV ca nhạc hấp dẫn hơn cũng không có gì khó hiểu.

Nhưng vấn đề là những hình tượng nhân vật đó vốn đã quá quen thuộc và nổi tiếng, bắt chước làm theo chẳng khác nào “chơi dao hai lưỡi”.

Đằng sau những lời chê bai hình tượng nhân vật do các nghệ sĩ tạo hình quá xấu, báo chí Trung Quốc đang bóc mẽ thẳng thừng một hiện tượng tồn tại dai dẳng trong nền nghệ thuật Việt Nam là ăn theo, đạo ý tưởng. Báo chí Hàn Quốc từng tố các ca sĩ Việt Nam như Cao Thái Sơn, Bảo Thy đạo ý tưởng MV.

Chuyện báo chí Trung Quốc, trong đó có những tờ báo lớn, đồng loạt lôi hình ảnh tạo hình trong MV của ca sĩ Cẩm Ly đã làm cả chục năm trước có thể có mục đích bôi nhọ, như nhận định của nhiều bạn đọc. Nhưng dù sự thật có như thế nào thì việc bị báo chí nước ngoài bắt thóp, chỉ trích, chê bai cũng là một nỗi xấu hổ mà những người làm nghệ thuật của Việt Nam phải thức tỉnh và nên tránh, như phát biểu của nhiều người trong giới. Rõ ràng, thói quen sao chép sẽ giết chết ý thức sáng tạo. Học hỏi thế giới để bắt kịp xu thế thời đại nhưng phải biết sáng tạo cho riêng mình

Cẩm Ly nói gì?

Ca sĩ Cẩm Ly cho rằng việc này báo chí Trung Quốc đã từng nói đi nói lại nhiều lần và chị không hề quan tâm đến việc người ta chê bai xấu xí như thế nào. Vì nếu so sánh tạo hình Tiểu Long Nữ trong các phiên bản phim thì còn chấp nhận được, đằng này so sánh giữa phim và clip ca nhạc thì quá khập khiễng, vô lý. “Mỗi người có một cách tạo hình khác nhau. Tạo hình của tôi là trong MV ca nhạc nên chủ yếu là nhẹ nhàng, thanh thoát chứ không cầu kỳ, trau chuốt như trong phim ảnh. Đó là chưa kể thời gian thực hiện MV đó cách đây khá lâu, không thể so sánh với thời đại công nghệ hóa trang bây giờ” - Cẩm Ly cho biết.

Theo Người Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG