Nghệ sĩ ưu tú Anh Dũng: Về bên ‘Kỷ niệm đồi trăng’

Vợ chồng cố nghệ sĩ Anh Dũng - Phương Thanh.
Vợ chồng cố nghệ sĩ Anh Dũng - Phương Thanh.
Người đàn ông hào hoa, người nghệ sĩ tài hoa Anh Dũng đã từ biệt thế gian ở tuổi 64, đi về cõi thiên thu để đoàn tụ với người vợ thân yêu, nghệ sĩ Phương Thanh. Họ sẽ lại được bên nhau ôn lại "Kỷ niệm đồi trăng"- bộ phim năm nào họ cùng đóng cặp với nhau, và từ đó nên duyên vợ chồng.

Sinh năm 1951, NSƯT Anh Dũng ban đầu theo học ngành y để chiều lòng cha mẹ, họ hàng. Nhưng rồi giấc mơ nghệ thuật đã quyến rũ ông, thúc giục ông theo đuổi. Ông bỏ học ngành y để thi vào Trường Sân khấu Điện ảnh và trở thành một nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nghệ thuật sân khấu-điện ảnh nước nhà. Ông về công tác tại Nhà hát kịch Việt Nam từ năm 1971 và vai diễn đầu tiên của ông đã gây ấn tượng với các bậc thầy trong làng sân khấu như Đào Mộng Long, Trần Tiến là vai Ngọ trong vở "Đâu có giặc là ta cứ đi" của tác giả Ngô Y Linh.

Nghệ sĩ ưu tú Anh Dũng: Về bên ‘Kỷ niệm đồi trăng’ ảnh 1

Ngân Hoa, Trung Anh, Thanh Giang và các nghệ sĩ tại Nhà hát kịch Việt Nam đau xót tiễn đưa nghệ sĩ Anh Dũng. Ảnh: Zing.

Nghệ sĩ Anh Dũng có vẻ ngoài hào hoa, nhân hậu, nên ông thường được giao các vai chính diện, cả trong sân khấu và điện ảnh. Nhắc đến ông, khán giả không thể không nhớ đến những vai diễn làm nên tên tuổi của Nhà hát kịch Việt Nam - anh cả đỏ của ngành sân khấu, như vở "Hồn Trương Ba da hàng thịt", "Nghêu sò ốc hến", "Ca sĩ đười ươi", "Người cha thô bạo", "Mát-su, kẻ sống ngoài vòng pháp luật"...

Trong giới sân khấu, nghệ sĩ Anh Dũng không được nhắc đến như một nghệ sĩ đặc biệt ấn tượng về cách ăn mặc, cá tính, hay phát ngôn gây hiệu ứng truyền thông. Ông chọn một cách sống lặng lẽ, giản dị, hòa đồng, thậm chí muốn lẩn khuất vào đám đông, không muốn nổi bật.

NSƯT Tú Mai, chị gái của ông chia sẻ, bà rất quý cậu em trai vì tính tình dễ chịu, không muốn tranh giành với ai điều gì, lúc nào cũng sẵn sàng nhận phần thiệt về mình. Nghệ sĩ Anh Dũng thường nói, đời sống chỉ là cõi tạm thôi, có gì nặng nề đâu mà phải tranh giành đấu đá vì miếng lợi cỏn con. Đời nghệ sĩ chỉ mong được cống hiến, được mang đến niềm vui cho khán giả, còn nỗi buồn thì hãy nhận riêng mình, đừng than vãn oán thán. Đối với ông, chỉ có tình yêu là còn lại. Con người nếu mất đi tình yêu, mất đi người mình yêu thương thì đó mới là bất hạnh, là khổ đau không gì bù đắp được.

Một người đàn ông - nghệ sĩ quan niệm như thế, buồn thay, lại là người gánh chịu nỗi mất mát ấy một cách dồn dập, ở những tháng năm mà cuộc đời ông đang cần sự sẻ chia hơn bao giờ hết. Năm 2009, người vợ hiền Phương Thanh mà ông hết mực yêu thương đã rời bỏ ông về bên kia thế giới, sau một trận tai biến đột ngột. Phương Thanh lúc đó mới chỉ 53 tuổi. Sự ra đi của Phương Thanh là một cú sốc mạnh đối với Anh Dũng.

Nghệ sĩ ưu tú Anh Dũng: Về bên ‘Kỷ niệm đồi trăng’ ảnh 2

NSƯT Anh Dũng và vợ, NSND Phương Thanh trong phim “Kỷ niệm đồi trăng”.

Bên linh cữu vợ, ông đã nhỏ lệ nói rằng, đời ông từ nay không còn gì là ý nghĩa cả. Ông xem như mình đã trắng tay rồi. Vì đối với ông, tìm được tình yêu từ người phụ nữ đồng điệu là một tài sản quý giá nhất. Ông đã từng trải qua cuộc hôn nhân không hạnh phúc trước đó nên ông hiểu cái giá của hạnh phúc.

NSƯT Anh Dũng NSND và Phương Thanh là một cặp đôi đẹp của điện ảnh Việt một thời. Họ đóng cùng nhau trong phim "Kỷ niệm đồi trăng". Hai nhân vật trong phim vì những khác biệt trong tính cách mà không đến được với nhau, nhưng trong đời thực, hai diễn viên lại phải lòng nhau đắm đuối. Và họ quyết định thành vợ thành chồng, yêu thương tự hào về nhau, chăm sóc, hỗ trợ nhau trong sự nghiệp và đời thường.

Số phận thường khi chơi trò khốc liệt. Sau sự ra đi của người vợ yêu quý, nghệ sĩ Anh Dũng còn phải gánh thêm một nỗi đau lớn nữa, trong một thời gian ngắn, là mẹ ông cũng rời bỏ ông ra đi. Cùng một thời điểm mất đi hai người phụ nữ quan trọng nhất trong đời, tâm hồn nghệ sĩ của Anh Dũng dường như không chịu đựng được. Ông bị suy sụp. Ông sống trầm lặng hơn, ít tỏ bày. Nhưng hoạn nạn vẫn chưa buông ông. Vì những lục đục của nội bộ Nhà hát, khi đó ông đang làm Giám đốc, ông đã bị buộc thôi giữ chức giám đốc. Lý do là ông chưa có bằng tốt nghiệp đại học.

Những bài báo viết về nghệ sĩ Anh Dũng khi ông mất đã nhắc về câu chuyện ông bị buộc thôi việc là một quyết định chưa thỏa đáng. Nghệ sĩ Minh Châu chia sẻ, người ta yêu cầu một người nghệ sĩ như anh Dũng phải có bằng đại học, mà không để ý rằng thời Anh Dũng học Sân khấu Điện ảnh thì trường chưa có hệ đại học. Và ngay cả có bằng đại học thì có quan trọng hơn việc một người nghệ sĩ có đến 40 năm trưởng thành, cống hiến, góp sức mình vào tên tuổi của một nhà hát tầm cỡ quốc gia như Nhà hát kịch Việt Nam? Nếu không có tài năng, liệu Anh Dũng có gặt hái những thành công như vậy và được khán giả yêu mến như vậy?

Nghệ sĩ ưu tú Anh Dũng: Về bên ‘Kỷ niệm đồi trăng’ ảnh 3

Nghệ sĩ Anh Dũng thời trẻ.

Chỉ tiếc rằng tất cả những lên tiếng cho sự thiệt thòi của Anh Dũng thời điểm ông rời vị trí giám đốc nhà hát là quá yếu ớt. Bạn bè đồng nghiệp có thể vì nhiều lý do tế nhị mà không quyết liệt bảo vệ ông. Cùng với bản tính hiền hậu, không "ăn thua", nghệ sĩ Anh Dũng đã trả ghế giám đốc về làm chuyên viên Cục nghệ thuật biểu diễn. Ông sống lặng lẽ hơn nhiều phần. Ông ít xuất hiện nơi này nơi kia, ít tâm sự giãi bày, thậm chí cũng ít tới nhà hát - nơi mà 40 năm làm nghề ông từng gắn bó và xem như là ngôi nhà thân thuộc của mình. Người trong gia đình kể rằng những lúc quá buồn, ông thường lên nghĩa trang Thanh Tước ngồi hàng giờ bên mộ vợ.

Sau những cú sốc dồn dập, sức khỏe của nghệ sĩ Anh Dũng kém dần đi trông thấy. Ông gầy hơn nhiều, có biểu hiện của mất trí nhớ. Một số đạo diễn khi làm phim muốn mời ông tham gia vào một vài vai diễn để ông đỡ nhớ nghề và có niềm vui, nhưng rồi đành chịu thua vì khả năng nhớ lời thoại của nghệ sĩ rất kém.

Cuối tháng 3/2015, nghệ sĩ Anh Dũng rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Gia đình, các con, bạn bè đồng nghiệp hết lòng chăm sóc, ở cạnh, nhưng nghệ sĩ đã từ biệt thế gian vào ngày 30/4 để đi gặp người vợ, mối tình lớn nhất trong cuộc đời ông.

Sinh thời, nghệ sĩ Anh Dũng luôn tự nhận mình là "thằng nghệ sĩ". Ông nói: "Chức tước chả quan trọng gì, chẳng qua tổ chức phân công thì tôi làm, và làm cũng là vì nghệ thuật. Còn nếu vì cái chức vụ mà gặp rắc rối, mất tình anh em đồng nghiệp, tôi sẽ rút lui, và cũng thấy bình thường thôi".

Nghệ sĩ ưu tú Anh Dũng: Về bên ‘Kỷ niệm đồi trăng’ ảnh 4

NSƯT Anh Dũng (ngoài cùng bên phải) trong vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, Nhà hát kịch Việt Nam.

Người lặng lẽ như Anh Dũng, không phải ai cũng hiểu được ông. Thời buổi cái gì cũng nhanh, cũng tốc độ, bạn bè phải những người thật chí cốt, tâm giao mới thấu hết nỗi lòng của người nghệ sĩ mà mọi thứ lúc nào cũng như cố giấu vào bên trong. Đau buồn đưa tiễn một tài năng, nhưng những người yêu mến ông phần nào cảm thấy được an ủi, là từ nay ông không còn đơn độc chống chọi với cảm giác buồn tủi, cô đơn hiu quạnh nữa. Từ nay, sẽ lại có người vợ hiền ông nhất mực yêu thương đoàn tụ bên ông…

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.