Đến lúc phải mạnh tay hơn
Mới đây, tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022, định hướng nhiệm vụ năm 2023 của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử tổ chức, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng quy trình xử lý những cá nhân vi phạm đạo đức, pháp luật hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật chẳng hạn ca sĩ, diễn viên... và sẽ sớm triển khai trong thời gian tới. Theo đó, những cá nhân vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử, vi phạm đạo đức có thể bị cấm sóng, tức hạn chế biểu diễn, đăng tải thông tin trên mạng xã hội, xuất hiện trên các đài phát thanh, truyền hình… Nói nôm na là “phong sát”.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng cho rằng hiện nay chế tài xử phạt các vi phạm hành chính của nghệ sĩ trên môi trường mạng theo các mức từ 5-10 triệu đồng hoặc từ 10-15 triệu đồng là chưa đủ sức răn đe với những người nổi tiếng, nhất là những nghệ sĩ có ảnh hưởng lớn. Do đó, thời gian tới sẽ có thêm các giải pháp khác, chẳng hạn khóa kênh YouTube, cắt nguồn tiền quảng cáo, cắt sóng, cấm biểu diễn.
Thông tin này đang được chia sẻ rầm rộ trên cộng đồng mạng và nhận được sự ủng hộ của đông đảo công chúng cũng như nhiều người làm nghệ thuật. Bởi trước đó, cuối năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng ban hành "Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật", trong đó nhấn mạnh giữ gìn phẩm chất đạo đức, uy tín, danh dự của người hoạt động nghệ thuật, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, đây là khung về quy tắc ứng xử, nên không có phần xử phạt, không có hình thức cấm sóng các nghệ sĩ, do đó không có tính răn đe. Vì không đủ độ răn đe, một số nghệ sĩ còn xem scandal như chiêu trò để tạo chú ý, bị xử phạt một ít tiền nhưng đổi lại bản thân được khán giả nhớ đến dù theo hướng tiêu cực.
Nhiều ý kiến cho rằng, có lẽ đã đến lúc showbiz Việt cũng cần sự răn đe mạnh mẽ như showbiz Hàn Quốc, Trung Quốc đang làm. Ở Hàn Quốc, nghệ sĩ vướng scandal đồng nghĩa với việc khán giả tẩy chay, nhãn hàng ngừng hợp đồng, phải tạm rời khỏi làng giải trí thời gian dài hoặc giải nghệ vĩnh viễn. Hay ở Trung Quốc, các ngôi sao như Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm, Hoắc Tôn hay mới đây là Lý Dịch Phong… đều bị cấm sóng, xóa hết thành tích, xóa tên trong tất cả các sản phẩm, nhiều người buộc phải giải nghệ vì những bê bối đời tư.
Khán giả đang dần nắm quyền
Từ trước đến nay, các nghệ sĩ Việt khi dính scandal đều chọn một công thức giống nhau: im lặng, chờ dư luận hạ nhiệt rồi xin lỗi, nộp phạt nếu vi phạm pháp luật và tính kế trở lại nghệ thuật. Đây được xem là "chiêu thức vàng", thậm chí nhiều người đã áp dụng và thành công vượt qua lùm xùm. Họ trở lại một cách hiển nhiên, bất chấp sự phản ứng từ một bộ phận khán giả. Tuy nhiên, điều đó đang thay đổi.
Năm 2022, cộng đồng mạng dậy sóng trước scandal “trà xanh” của ca sĩ Hiền Hồ. Những tưởng chiêu thức “ve sầu thoát xác” sẽ giúp cô lấy lại tất cả sau ồn ào nhưng không. Sau một thời gian ở ẩn và xin lỗi, nữ ca sĩ rục rịch trở lại showbiz thì vấp phải sự phản ứng dữ dội của công chúng, thậm chí bị gạch khỏi danh sách biểu diễn trong sự kiện của một trường đại học do bị sinh viên phản đối gay gắt.
Ca sĩ Hiền Hồ lao đao tìm đường trở lại showbiz sau bê bối đời tư. |
Trường hợp ca sĩ Jack cũng tương tự. Sau scandal "bắt cá nhiều tay", chối bỏ trách nhiệm với con..., dù Jack lên tiếng xin lỗi nhưng vẫn không xoa dịu được sự bức xúc của công chúng. Kể từ khi drama tình ái nổ ra, Jack dường như ở ẩn, không có bất kì động thái nào trên mạng xã hội cũng như con đường nghệ thuật.
Trước đó một thời gian, hứng chịu sức ép từ phong trào tẩy chay, nữ ca sĩ Hương Giang cũng đã phải tạm dừng một số hoạt động nghệ thuật. Cư dân mạng cũng tẩy chay các chương trình cô tham gia, “khủng bố” fanpage các sản phẩm nữ ca sĩ làm gương mặt đại diện khiến các nhãn hàng phải dừng hợp tác.
Sau khi bị vũ công Phạm Lịch tố quấy rối tình dục, Phạm Anh Khoa hứng chịu phản ứng tiêu cực từ dư luận, nhiều chương trình ca nhạc và hợp đồng quảng cáo hủy tên anh khiến nam ca sĩ gần như biến mất khỏi showbiz Việt. Sau đó, Anh Khoa có tham gia một vai nhỏ trong phim điện ảnh “Hai Phượng” nhưng cũng đã khiến không ít khán giả nổi giận và kêu tẩy chay bộ phim.
Sự nghiệp của Minh Béo cũng gần như “đóng băng” sau bê bối bị bắt ở Mỹ vì lạm dụng tình dục trẻ em. Sau bê bối này, nam diễn viên bị khán giả tẩy chay. Sân khấu kịch do Minh Béo lập nên cũng rơi vào tình trạng khó khăn vì không có khán giả. Khi Minh Béo rục rịch diễn trở lại cũng đã vấp phải sự phản đối từ dư luận.
Nghệ sĩ Hoài Linh vốn quen mặt với vai trò giám khảo của nhiều chương trình truyền hình ăn khách tại Việt Nam. Tuy nhiên những ồn ào chuyện từ thiện khiến nam nghệ sĩ nhận những công kích chưa từng có trong 30 năm sự nghiệp. Trên fanpage "Thách thức danh hài", rất nhiều cư dân mạng đã vào đòi tẩy chay chương trình nếu như để nam nghệ sĩ ngồi ghế nóng.
Hồ Ngọc Hà cũng từng khốn đốn một thời vì làn sóng tẩy chay của khán giả khi cô vướng lùm xùm với đại gia đã có vợ con. Không chỉ thiệt hại về danh tiếng, rất nhiều nhãn hàng đã phải chấm dứt hợp đồng với nữ ca sĩ để xoa dịu dư luận. Sau bao năm, đến nay Hà Hồ đã có cuộc sống riêng hạnh phúc, tuy nhiên, cô vẫn là một trong những nghệ sĩ có nhiều anti-fan nhất ở showbiz Việt.
Gần đây nhất, diễn viên Hồng Đăng và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh dính lùm xùm bị cáo buộc cưỡng bức thiếu nữ ở Tây Ban Nha. Cho đến hiện tại, đã gần nửa năm xảy ra ồn ào, phía cơ quan chức năng Tây Ban Nha vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng về sự việc. Tuy nhiên, uy tín cũng như hình ảnh của Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không ít người lên tiếng kêu gọi "tẩy chay" hoàn toàn những tác phẩm của họ. Hiện, cả hai gần như tạm dừng các hoạt động nghệ thuật, thậm chí “im lặng ở ẩn” nhưng vẫn không yên khi khán giả thường xuyên “réo gọi” đòi phải lên tiếng giải thích một lần.
Đang là “nam thần” trên màn ảnh nhỏ, Hồng Đăng có nguy cơ mất trắng sự nghiệp sau scandal đời tư |
Theo chuyên gia xã hội học, PGS.TS Lưu Hồng Minh, nghệ sĩ cần thiết phải đặt ra các tiêu chí ứng xử cho riêng mình, tuân thủ các quy tắc cộng đồng. Về mặt giải pháp, cần phải có những chế tài xử lý thật nghiêm những trường hợp vướng bê bối về đời tư, vi phạm nghiêm trọng đạo đức sống. “Ở góc độ là khán giả, công chúng cần phát huy hơn nữa quyền “tẩy chay” đối với nghệ sĩ vi phạm. Khi khán giả quá dễ dãi, nghệ sĩ cảm thấy họ được ưu ái và coi trọng quá mức nên không nhận ra sai lầm, chỉ biết nhận sự ưu ái từ công chúng. Nghệ sĩ thực ra không chỉ hoạt động đơn thuần, họ còn truyền cảm hứng. Vì vậy, hơn ai hết, khán giả phải là người thanh lọc nghệ sĩ trước khi cơ quan quản lý lên tiếng”, chuyên gia nhấn mạnh.