> Nhớ người hát thầm vang danh thế giới
> CLB Ca trù Thăng Long biểu diễn miễn phí hàng tháng
Người vừa nhận bằng chứng nhận World Master (tạm dịch: Nghệ nhân Thế giới) do Ban tổ chức World Masters (WMOC) trao tặng ngày 1-9-2011 chính là đào đàn Phạm Thị Huệ - chủ nhiệm giáo phường Ca trù Thăng Long.
Cơ duyên trở thành nghệ nhân tầm quốc tế đến với Phạm Thị Huệ khi chị và Ca trù Thăng Long được Hàn Quốc mời sang dự Lễ hội Di sản Văn hóa Phi vật thể châu Á vào tháng 6 -2011. Huệ chỉ biết cùng biểu diễn tại Liên hoan có một nghệ nhân Hàn Quốc đạt danh hiệu này. Liên hoan kết thúc, về nước, Huệ nhận được thư khen của BTC đồng thời đề nghị chị làm hồ sơ (tư liệu băng đĩa) gửi sang. Và ngày 1-9, Huệ nhận được thư chúc mừng gửi kèm bằng chứng nhận.
Trong bằng chứng nhận có phần đề cử Phạm Thị Huệ vào danh hiệu World Master của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, ngay phía dưới là phần công nhận của WMOC. Được biết chính BTC lễ hội đã cung cấp thông tin về Phạm Thị Huệ cho WMOC. Phạm Thị Huệ bày tỏ niềm vui khi được nhận danh hiệu bất ngờ và mong đến dịp gặp các Nghệ nhân Thế giới khác để trao đổi: “Đứng cùng hàng ngũ những người đang gìn giữ văn hóa của dân tộc mình khắp nơi trên thế giới, tôi tự tin hơn và không còn cô đơn”, Huệ phát biểu.
Ca trù Thăng Long đang gấp rút chuẩn bị cho buổi ra mắt điểm diễn mới tại nhà cổ Mã Mây. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, Hà Nội có điểm diễn ca trù hằng đêm. Cùng biểu diễn với Ca trù Thăng Long còn có đào nương Phạm Thị Mận và kép đàn Nguyễn Văn Tuyến của làng Lỗ Khê. Buổi diễn đầu tiên diễn ra hồi 19h hôm nay, 12-9 sẽ không thu phí. Tương tự lễ khai trương chính thức có mặt hai nghệ nhân lão thành Nguyễn Thị Chúc và Nguyễn Phú Đẹ - “ông trùm” và “bà trùm” của Ca trù Thăng Long, từ 18h-20h ngày 5-10 cũng miễn phí.
Như vậy riêng tối thứ bảy, Ca trù Thăng Long có hai buổi diễn liền nhau từ 19h đến 20h (tại 87 Mã Mây) và từ 20h đến 21h (28 Hàng Buồm). Hai điểm diễn cùng có mức phí: 100 nghìn với khán giả trong nước, 10USD- nước ngoài.
“Mặc dù điểm diễn tại đền Quán Đế tạo được lượng khách ổn định nhưng thu nhập vẫn không đủ trả lương cho đào kép cũng như trang trả các chi phí vì công việc quá ít”, Huệ cho hay. “Tôi đã tự bỏ tiền đầu tư cho ca trù 5 năm rồi, hy vọng điểm diễn mới thành công, ca nương sẽ sống được bằng nghề”. Hy vọng của chị có cơ thành hiện thực nếu ca trù trở thành món đặc sản không thể thiếu của người Hà Nội và du khách- như thể ca Huế đối với Huế. Dù mỗi buổi diễn ở đền Quán Đế chỉ 15-20 khách, nhưng theo Huệ, con số đó không phải là ít so với mặt bằng chung của nghệ thuật truyền thống. “Không sợ thiếu khán giả, chỉ có điều mình có đủ sức đủ tài để thu hút họ hay không”.
Phạm Thị Huệ nổi tiếng là người đầu tiên trong lịch sử đương đại của ca trù có khả năng vừa đàn vừa hát. Một mình chị thâu tóm mọi thành phần trong một tiết mục ca trù: đàn, hát, trống, phách. Hơn nữa, chị có khả năng truyền lại cho học trò trong một thời gian tương đối ngắn. Khả năng sử dụng nhạc cụ của chị được đánh giá là nổi trội hơn giọng hát. Tuy nhiên với sự khổ luyện, Phạm Thị Huệ hát ngày càng ngọt hơn. Chị cũng đặt cho mình mục tiêu trong 2 năm tới, khi xuất hiện trên sân khấu sẽ phải thể hiện sao cho “đúng với danh hiệu đã được trao tặng”.
Phạm Thị Huệ sinh 1973, hiện là giảng viên đàn tỳ bà tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, đại diện thứ 3 của Việt Nam nhận danh hiệu Nghệ nhân Thế giới. Cách đây vài năm, NSND Xuân Hoạch (đàn nguyệt) và NSƯT Kim Chung (múa dân gian) đều của Nhà hát Ca múa Nhạc Việt Nam đã nhận được danh hiệu này. Hiện có hơn 85 nghệ sĩ trên 4 châu lục được WMOC công nhận.