“Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa…”

“Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa…”
TP - Tôi gặp chị ở một thư viện địa phương. Tình cờ cả hai cùng đứng trước ngăn sách lịch sử và sau mấy câu xã giao vì nhận ra nhau là người Việt, chị cho biết mình đến đây tìm sách về lịch sử Việt Nam bằng tiếng Anh.
“Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa…” ảnh 1
Tác giả Trần Lê Quỳnh

Hỏi thêm thì chị nói cậu con trai duy nhất của vợ chồng chị hiện chín tuổi và bố mẹ lo đứa bé lớn lên sẽ rành chuyện lịch sử, văn hóa Anh hơn là Việt Nam.

Tôi đùa, rằng hơi trớ trêu khi để giúp con tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, chị lại phải tìm sách viết bằng Anh ngữ. Chị, một phụ nữ nhỏ nhắn ở tuổi trên dưới 30, gật đầu, nhưng bảo:

“Anh ạ, chúng tôi dạy tiếng Việt cho cháu ngay từ nhỏ, ở nhà cháu thưa gửi bằng tiếng Việt. Nhưng từ lúc đi học, gặp những đề tài hơi phức tạp mà cần hỏi bố mẹ, thì tôi lại phải giảng bằng tiếng Anh thì cháu mới hiểu”.

Việc dạy tiếng mẹ đẻ cho trẻ là ưu tư của hầu hết các ông bố, bà mẹ người Việt sống ở nước ngoài. Viết chính tả, phân biệt vần bằng vần trắc, những kỹ năng ấy không phải chỉ để duy trì phương tiện giao tiếp trong nhà, mà học tiếng Việt còn được gắn với mong muốn duy trì bản sắc.

Với rất nhiều người, tiếng Việt là gia tài duy nhất còn nguyên vẹn mà họ mang theo ra hải ngoại. Giúp con giỏi tiếng Việt cũng nghĩa là giúp con thấm nhuần văn hóa truyền thống – một điều bỗng trở nên quý giá khi con người ta chân ướt chân ráo đến đất khách, vừa muốn nhanh chóng thành công tại vùng đất mới vừa lo sợ mình sẽ bị đồng hóa.

Nói chung tại những quốc gia có tương đối nhiều người Việt, đều xuất hiện các lớp dạy tiếng Việt do hội đoàn hay cá nhân đứng ra tổ chức. Số người Việt ở Anh khoảng 35.000 người, riêng ở London con số chính thức là 9000. Không lớn, nhưng cũng có một vài lớp như thế.

Thậm chí Đại học Nghiên cứu phương Đông và Phi châu (SOAS) có cả lớp dạy tiếng Việt cơ bản cho sinh viên nước ngoài. Ở các nước như Mỹ và Úc, còn có nhiều trường dạy tiếng Việt cho con em người Việt hơn.

Dĩ nhiên, môi trường truyền đạt và giao tiếp tiếng Việt lớn nhất vẫn là trong gia đình. Người phụ nữ mới quen ở thư viện kể hai vợ chồng chị sang Anh lúc đầu thập niên 1990 khi anh chồng đi du học và rồi tìm được công việc ở đây.

Con của chị sinh ra tại Anh, và từ khi bập bẹ biết nói, người mẹ đã giao tiếp với con chỉ bằng tiếng Việt. Đi nhà trẻ rồi vào tiểu học, cháu nhanh chóng nắm bắt tiếng Anh, trong khi về nhà vẫn nói tiếng Việt với bố mẹ.

Chị muốn con mình giỏi song ngữ, nhưng hiện đã có dấu hiệu, và chị biết thông qua kinh nghiệm với nhiều người, rằng tiếng Anh của cháu sẽ ngày càng giỏi lên, tỉ lệ nghịch với khả năng tiếng Việt.

Ruben Rumbaut, một chuyên gia hàng đầu về vấn đề di dân trong xã hội Mỹ, thấy rằng những trẻ vị thành niên nói chuẩn tiếng Anh và lúng túng hơn khi cần diễn đạt bằng tiếng gốc châu Á hay Tây Ban Nha cũng lại có mâu thuẫn lớn hơn với bố mẹ.

Có thể một lý do là vì cách xưng hô trong tiếng Anh không phân biệt rạch ròi ngôi vị, thứ bậc như một số ngôn ngữ khác. Với người Việt, có xưng hô đúng tôn ti thì quan hệ tương kính mới được thiết lập, như câu nói “Lời chào cao hơn mâm cỗ”.

Nhưng giữ cho con giỏi tiếng Việt quả là điều khó. Ở đa số các gia đình người Việt ở nước ngoài tôi được gặp, cái nghĩa “giỏi” chỉ giới hạn ở khả năng nói mà thôi. Con của họ nhiều người đã thành đạt, thông thuộc ngôn ngữ và văn hóa nơi họ cư ngụ, nhưng nhờ họ viết một bài báo tiếng Việt thì thật khó.

Mà thực ra đây không phải là vấn đề của riêng người Việt, mà là của mọi cộng đồng di dân. Một nhận xét chung là quá trình hội nhập, hay có người bi quan hơn thì gọi là đồng hóa, vào dòng chính của quê hương thứ hai thường hoàn tất sau ba thế hệ.

Thế hệ di dân đầu tiên có thể giỏi tiếng Anh hoặc trình độ của họ chỉ đủ cho giao tiếp, nhưng tất cả đều muốn giữ tiếng mẹ đẻ cho con. Kết quả là con của họ, thế hệ song ngữ, mưu sinh với tiếng bản xứ, giao tiếp với bố mẹ bằng tiếng mẹ đẻ, nhưng khi họ lập gia đình, tiếng bản xứ trở nên nổi trội, chiếm ưu thế.

Đến thế hệ thứ ba thì tiếng bản xứ hoàn toàn là ngôn ngữ chính, và ở thế hệ này, nếu có song ngữ thì có lẽ là một thứ tiếng thời thượng nào đó chứ không phải thứ tiếng mẹ đẻ của họ.

Vì nỗi e ngại này mà nhiều người xem vùng đất họ định cư chỉ là nơi tạm dung. Tâm lý “nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa” vẫn ẩn khuất trong tâm hồn người. Nhưng tâm lý con người cũng là cả khối mâu thuẫn.

Thôi thì chuyện sau này ở đâu, cứ để tùy cháu, chị bảo. “Mà nếu tương lai Việt Nam phát triển hơn, thì cái sự dùng dằng của vợ chồng tôi chắc dễ giải quyết hơn”.

Chia tay tôi, chị nói thêm: “Dẫu sao khi nghĩ sau này con cháu mình phải đọc Truyện Kiều bằng tiếng Anh thì mới hiểu được nội dung, tôi cứ thấy bứt rứt thế nào, anh ạ”.

Trần Lê Quỳnh
Từ London

MỚI - NÓNG