Nghệ An: Voi rừng lại 'đại náo' Bãi Lim

Nghệ An: Voi rừng lại 'đại náo' Bãi Lim
TP - Đàn voi rừng hung dữ lại rời Vườn quốc gia Pù Mát kéo về tàn phá hoa màu tại Bãi Lim (xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An). Tính mạng của hàng chục hộ dân đang bị đe dọa.
Nghệ An: Voi rừng lại 'đại náo' Bãi Lim ảnh 1
Anh Nguyễn Hữu Thân - nạn nhân bị voi giày, suýt chết

Sống trong sợ hãi

Trên đường về Phúc Sơn, tôi lại nhớ đến chuyện voi dữ tấn công người vào tháng 12/2006. Anh Nguyễn Hữu Thân (xóm Bãi Lim) trong lúc xua đuổi đàn voi ra khỏi khu vực đồi nứa đã bị voi quay lại tấn công.

Gãy 2 chân, sụp 4 xương sườn và bị tràn dịch màng phổi, anh Thân thoát chết nhưng thành người tàn phế.

Mấy năm trước có PV Đài Truyền hình huyện vác máy vào rừng quay cảnh đàn voi bẻ măng, bị voi đuổi chạy ra đến thị trấn mà vẫn “tim đập chân run”. Càng ngày đàn voi vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát càng trở nên hung dữ, chúng sẵn sàng tấn công người nếu bị xua đuổi. 

Tìm về với bà con bản Bãi Lim khi những dấu chân voi vẫn còn in rõ giữa đồi miền sơn cước. Cái xứ xa xôi và nghèo nàn này giờ lại một lần nữa thấp thỏm sống trong cảnh lo lắng, bất an. Đã bao đêm rồi người dân Bãi Lim không được hưởng cái cảm giác trọn vẹn của giấc ngủ bình yên.

“Cứ mỗi lần voi về là một lần chúng tôi mất ăn mất ngủ. Ai cũng lo voi phá nát đồi chè, đồi nứa, chén sạch hoa màu trên nương và nguy hiểm hơn, có thể  chúng sẽ lao xuống tấn công người” - Một người dân sở tại cho biết.

Chị Nguyễn Thị Xuân đang loay hoay vác đống củi to tướng ra phía bãi đất trống để chuẩn bị cho cuộc “trường chinh” chống chọi với đàn voi. Nhà chị ở ngay gần chân núi, phía đông nam là Đội 1 của Lâm trường Anh Sơn. Vườn nhà chị nằm ngay sát bìa rừng nên luôn là điểm “viếng thăm” đầu tiên của đàn voi mỗi khi chúng dừng chân ở đây.

Có lên tận nơi đây, nhìn cái điệu vội vã của người đàn bà chưa đến 40 này mới thấm thía hết cái nỗi lo sợ thường trực của bà con Phúc Sơn trước sự xuất hiện của đàn voi dữ. Người chồng vì gia cảnh khó khăn đã phải lặn lội vào Nam làm thuê, giờ nhà chỉ có chị với đứa con trai mới 4 tuổi. Trong đêm tối, đống lửa to giữa đồi lại sáng lên.

Chị Xuân bảo, voi vốn sợ lửa, đốt lửa xua đuổi voi và khua chiêng gõ mõ là cách duy nhất để đàn voi giãn ra xa. Chị định cư ở Bãi Lim năm 1989: “Mỗi năm voi xuất hiện 5 - 6 lần, và thường về vào mùa Xuân. Đàn voi có 6 con, trong đó một con voi đầu đàn có ngà và 5 con nhỏ” - Chị Nguyễn Thị Xuân cho biết.

Nghệ An: Voi rừng lại 'đại náo' Bãi Lim ảnh 2
Núi rừng Anh Sơn, nơi đàn voi dữ thường về tàn phá

Núi rừng Phúc Sơn lô xô chè, đồi nứa. Mỗi lần voi “đại náo”, nghe thấy tiếng nứa gãy bốp bốp, kèm theo tiếng rống rợn người. “Những hôm voi về từ 3 giờ sáng thì còn đỡ, bởi khoảng 5 giờ chúng kéo nhau đi, chứ voi về buổi tối thì chúng ở luôn đến sáng, cả đêm đó mẹ con tôi phải thức trắng canh chừng” - Chị Xuân kể.

Người em trai Nguyễn Đình Tường có biệt tài đuổi voi, voi ngoan ngoãn bỏ chạy không chống cự. Nhưng giờ đây anh Tường đã vào Nam làm thuê nên bà con Bãi Lim “mất nhờ”.

Thấy có nhà báo đến, bà con Bãi Lim tập trung tới rất đông. Những câu chuyện lần lượt được kể trong nỗi hoang mang tột đỉnh. Ông Lê Văn Tình chậm rãi: “Có hôm 2 giờ sáng tôi vừa đưa cháu nội dậy đi vệ sinh thì chợt nghe tiếng voi xé lá chuối roạt roạt.

Tôi vội đóng cánh cửa, nhìn ra cửa sổ thấy voi đang đu chiếc vòi dài ngoẵng. Quái lạ, lúc hai ông cháu ra chỗ bụi chuối đó có thấy voi đâu, đứa cháu còn nói “Lâu nay không thấy voi về ông nhỉ!”. Thật may, nếu chậm chút nữa thì chưa biết đã xảy ra chuyện gì!”.

Ngồi nghe bà con nói mà chúng tôi cứ có cảm giác bất an, anh bạn đi cùng cứ liên tục nhìn ra bốn phía! Biết đâu được, ở cái xứ heo hút voi “tái xuất giang hồ” như cơm bữa thế này thì chẳng ai có thể nói trước được điều gì.

Chị Lương Bình nãy giờ ngồi trầm ngâm, run run góp chuyện: “Tối qua tôi đang nằm ở lán phía ngoài đồi trông gỗ thì chợt thấy tiếng động ngoài cửa, mở mắt ra phát hiện thấy voi đang lừ lừ đi vào, tôi vội chui xuống gậm giường, voi tiến đến lật liếp giường lên, may là phía sau giường thông ra ngoài đồi nên tôi chạy thoát”.

Nhiều hôm voi dữ kéo xuống nhà dân. Khua chiêng gõ mõ, đốt lửa hù doạ, đàn voi không nhúc nhích, người dân Bãi Lim phải rời căn nhà của mình “tản cư” ra phía trung tâm xã Phúc Sơn. Tránh voi để bảo vệ tính mạng cho mình, chẳng xấu mặt nào!

Dân biết kêu ai?

Nghệ An: Voi rừng lại 'đại náo' Bãi Lim ảnh 3
Vết trượt trên đồi voi để lại - Ảnh: Quang Long

Với người dân Bãi Lim, việc đồng áng của họ giờ đây không còn tùy thuộc vào thời tiết, mà phụ thuộc vào việc voi có về hay không!

Sống trong nỗi lo sợ voi có thể xuất hiện bất thình lình bất cứ lúc nào, việc làm ăn của bà con cũng không còn được hiệu quả. Cả năm cày cấy vất vả chỉ cần voi về một lúc là mảnh lúa ngoài ruộng, đồi chè trên nương đã tan tác hết.

Bà con ở đây gọi voi là “Ông Voi”, xem đàn voi kia là do “Ông bà Giang Sơn” (núi rừng) điều khiển, rất linh thiêng. Chị Xuân kể: “Nhà anh Đường chiều hôm trước làm sân vừa xong, anh nói đùa với vợ: “Làm vừa xong thế này tối voi mà về giẫm nhỉ!”.

Đúng y như rằng tối hôm đó voi về giẫm sân nhà anh tan nát. Rồi nhà chị Chín cả năm trồng được hơn 1ha chè, phấn khởi chuẩn bị thu hoạch, chị Chín đùa: “Chè đang đẹp, bầy voi giẫm vài cái thì đi tong!”, chập tối voi về phá đồi chè tan hoang. Chị Chín và chồng ôm mặt khóc rưng rức.

Chiều cuối năm, gió rét căm căm. Bầy voi dữ sau khi rời vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát đủng đỉnh kéo nhau về Bãi Lim, Phúc Sơn tàn phá cây cối, vườn tược.

Nhà chị Xuân bị voi phá mất 2 ha chè, một diện tích lớn nứa mét và keo bị voi quật đổ; Nhiều vạt lúa và đồi sắn bị voi giày nát. Hai cha con nhà ông Lương Văn Đường bị voi tàn phá lúa nhiều quá, họ phải đưa chiếu ra ruộng nằm đốt lửa đuổi voi.

“Bức xúc” với đàn voi hung dữ thường về quấy phá và chờ mãi vẫn không thấy chính quyền địa phương động tĩnh gì, người dân Bãi Lim gửi đơn lên xã. Lãnh đạo xã tới giải thích: “Không được đụng chạm đến voi! Voi là tài sản quốc gia!”.

Dân nghe nói voi là tài sản quốc gia nên không dám đụng vào. Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Kiểm lâm Anh Sơn cho biết: “Chúng tôi cũng chỉ biết vào hướng dẫn bà con cách đuổi voi thôi, còn ngăn chặn đàn voi là điều không thể!”.

Lo lắng, bất an, nhưng dân Bãi Lim vẫn phải bám đất bám rừng. Xã thì bất lực, huyện thì ở gần nhưng hóa xa, biết kêu ai khi mỗi lần đàn voi dữ kéo về tàn phá?

MỚI - NÓNG