Nghệ An: Khu xử lý rác lại gây ô nhiễm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tại tỉnh Nghệ An nhiều nhà máy xử lý rác lại gây ô nhiễm, gây bức xúc cho người dân.

“Bỏ quên” 84.000 tấn rác

Nhà máy xử lý rác thải Seraphin (TP Vinh, Nghệ An) dừng hoạt động 10 năm nay nhưng “núi rác” ở đây gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng nghìn người dân xã Hưng Đông và Nghi Kim. Theo người dân, mùa nắng xảy ra tình trạng khói bụi do bãi rác thường xuyên xảy ra cháy. Mùa mưa, nước bẩn từ bãi rác chảy tràn ra ruộng, khu dân cư.

“Đất đai bây giờ bị nhiễm mặt hết rồi. Cứ tưởng bãi rác ngừng hoạt động, rác thải được dọn đi, sẽ không còn cảnh phải sống chung với mùi hôi thối và nước bẩn. Ai ngờ, cả chục năm nay rác vẫn thế, dân chúng tôi vẫn phải tiếp tục sống chung với ô nhiễm”, ông Ngô Công Viên (trú xã Hưng Đông) chia sẻ.

Nghệ An: Khu xử lý rác lại gây ô nhiễm ảnh 1

Hơn 84.000 tấn rác của Nhà máy xử lý rác thải Seraphin bị “bỏ quên” gây ô nhiễm môi trường trầm trọng

Năm 2003, UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương triển khai Dự án nhà máy xử lý rác thải Seraphin của Công ty cổ phần Công nghệ môi trường xanh Seraphin (gọi tắt là Công ty Seraphin) với công suất xử lý 200 tấn rác/ngày, đêm. Thời điểm đó, công nghệ xử lý rác này được đánh giá là thân thiện với môi trường, biến rác thải thành phân vi sinh.

Công ty Seraphin được UBND tỉnh Nghệ An cho thuê hơn 30.000m2 đất có vị trí tiếp giáp bãi rác Đông Vinh để xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Tháng 5/2005, Nhà máy xử lý rác thải Seraphin hoạt động, xử lý cả rác tươi (rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày) và rác khô (chôn lấp tại bãi rác). Tuy nhiên, Công ty Seraphin sau đó không xử lý rác tươi mà chỉ xử lý rác khô.

Do nhà máy xuống cấp, hoạt động gây ô nhiễm môi trường nên tháng 1/2014, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Nhà máy xử lý rác thải Seraphin chấm dứt hoạt động. Sau khi dừng hoạt động, công ty này tháo dỡ nhà xưởng, để lại 84.000 tấn rác thải tồn đọng chưa xử lý. Từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh Nghệ An đã nhiều lần ban hành các văn bản gửi Sở TN&MT, UBND TP Vinh và Công ty Seraphin về việc xử lý rác thải tồn đọng tại Nhà máy xử lý rác thải Seraphin. Tuy nhiên, đến nay số rác thải trên vẫn chưa được di dời. Dù số rác khổng lồ chưa được xử lý nhưng UBND TP Vinh vẫn thanh toán cho Công ty Seraphin khoản kinh phí hơn 41 tỷ đồng.

Ông Trần Anh Tấn, Chủ tịch UBND xã Hưng Đông cho biết: “Bãi rác Đông Vinh ngừng hoạt động chục năm nay nhưng vẫn còn một lượng lớn rác chưa được di chuyển đi khiến người dân bức xúc. Hầu như cuộc họp, cuộc tiếp xúc cử tri nào trong nhiều năm qua người dân cũng phản ánh tình trạng ô nhiễm. Người dân và chính quyền địa phương mong muốn khối lượng rác thải này sớm được xử lý”.

Ngốn trăm tỷ đồng vẫn ô nhiễm

Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc được đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, có diện tích 53ha, đi vào hoạt động năm 2012. Đây là nơi thu nạp, xử lý rác thải cho khu vực TP Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc và một phần huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn với công suất xử lý mỗi ngày 300 tấn rác thải rắn.

Thời điểm triển khai, Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên được quảng cáo đầu tư xây dựng theo công nghệ châu Âu. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào hoạt động đã gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. 50 hộ dân cách khu liên hợp trong phạm vi 500 - 600m phải di dời. Khoảng 160 hộ dân (gần 700 khẩu) trong phạm vi 1km quanh khu liên hợp bị ảnh hưởng. Chính quyền địa phương đã phải bỏ ra trên 130 tỷ đồng để bồi thường, bố trí tái định cư cho người dân.

Khối lượng rác chưa xử lý, tồn đọng trong khuôn viên khu liên hợp quá lớn, nước thải chưa được xử lý chảy tràn ra kênh, mương, vườn các hộ dân xung quanh. Bà Trương Thị Thanh Huyền, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghi Lộc, cho biết, vừa qua, huyện báo cáo lên tỉnh để xem xét. Đối với việc ô nhiễm tại khu liên hợp, huyện đã phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra nhiều lần. Qua kiểm tra, các ngành chức năng đã xử phạt hành chính, sau đó, mức độ có giảm nhưng không triệt để.

Hàng chục năm nay, bãi rác phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. UBND thị xã Thái Hòa đã không mở rộng bãi rác theo thiết kế được duyệt trước đây từ năm 2012 mà kêu gọi Công ty CP Năng lượng và Môi trường Việt Nam đầu tư Nhà máy xử lý rác Thái Hòa tại phường Long Sơn. Dự án được triển khai trên diện tích 7,5ha với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 146 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà sau nhiều năm, hiện dự án này vẫn chưa được triển khai. Do đó, vấn đề ô nhiễm từ bãi rác kéo dài.

Tỉnh Nghệ An hiện có 15 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động, trong đó có 13 bãi chôn lấp chất thải rắn và 3 nhà máy xử lý chất thải rắn. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên toàn tỉnh phát sinh hơn 1.700 tấn/ngày, trong đó, đô thị trên 1.000 tấn, nông thôn trên 700 tấn/ngày. Tỉnh mới chỉ thu gom được hơn 1.400 tấn/ngày, đạt 81%.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.