Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, cơn bão số 10 với cường độ rất mạnh, khi đổ bộ vào đất liền dự báo gió cấp 13, giật cấp 15, đạt cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 và còn diễn biến phức tạp. Nhiều khả năng sẽ đổ bộ vào khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, bão kèm theo mưa to đến rất to với lượng mưa từ 200 - 300mm.
Tại Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, kiêm Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các đơn vị theo dõi, cập nhật thường xuyên diễn biến của bão. Thông tin kịp thời cho UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh và các địa phương, đơn vị để chỉ đạo, triển khai đối phó với bão và mưa lũ.
Cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi, kể từ 7 giờ ngày 14/9/2017. Tích cực tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của cơn bão cho người dân biết để chủ động phòng chống, tránh tư tưởng chủ quan, bất cẩn, coi thường, để xảy ra hậu quả đáng tiếc, thiệt hại đến tính mạng và tài sản, đặc biệt là tính mạng con người. Địa phương nào để xảy ra thiệt hại về người thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Khẩn trương chỉ đạo nhân dân thu hoạch nhanh diện tích lúa đến thời kỳ thu hoạch và các sản phẩm hoa màu khác với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; chỉ đạo các doanh nghiệp, các hộ dân nuôi trồng thuỷ sản chủ động thu hoạch trước mưa bão, đồng thời có biện pháp bảo vệ các lồng, bè và các diện tích nuôi trồng thuỷ sản chưa đến kỳ thu hoạch.
Bằng mọi biện pháp kêu gọi tất cả các tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi tìm nơi trú ẩn; kiểm đếm số lượng tàu thuyền, hướng dẫn, tổ chức neo đậu an toàn, không để người ở lại trên tàu, thuyền khi có bão. Chỉ đạo các công ty thủy lợi chủ động chủ động tiêu nước đệm phù hợp với tình hình của từng địa phương, sẵn sàng tiêu úng kịp thời khi có tình huống ngập lụt, có phương án bảo vệ đê điều, hồ đập giữ nước để phục vụ sản xuất.
Chiều 13/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn và Dương Tất Thắng chủ trì cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố, thị xã về công tác triển khai chủ động ứng phó với diễn biến cơn bão số 10.
Ông Ngô Đức Hợi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 6.102 tàu thuyền với 17.676 lao động nhưng hiện có 1.850 tàu thuyền với 6.898 người hoạt động trên biển. Trong đó, số tàu đánh bắt xa bờ 480 tàu với 2.570 người, tàu đánh bắt ven bờ có 1.370 tàu với 4.328 người đã liên lạc và nắm bắt được thông tin về bão số 10. Tại vùng biển Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh có 152 tàu với 875 người, tại vùng biển Bình Thuận - Vũng Tàu có 3 tàu với 34 người, tại vùng biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi có 6 tàu với 36 người; đánh bắt ven bờ hoạt động từ vùng biển Nghệ An đến Quảng Bình có 1.370 tàu với 4.328 người.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh, để chủ động trước diễn biến của cơn bão số 10, các ngành, địa phương cần thường xuyên cập nhật thông tin, cảnh báo kịp thời để người dân chủ động ứng phó. Trong đó, tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu an toàn. Huy động mọi lực lượng, phương tiện khẩn trương thu hoạch lúa hè thu với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; bảo vệ và thu hoạch cây ăn quả.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương triển khai ngay các phương án chủ động ứng phó bão số 10 với các tình huống để đảm bảo an toàn các hồ đập, vùng hạ du. Có phương án di dời dân vùng ven biển và vùng lũ quét. Kiểm soát toàn bộ các công trình đang thi công và các tuyến đường giao thông trọng điểm.