Nghề 'ăn cơm dưới đất nói chuyện trên trời'

Hội chẩn những số liệu để đưa ra những dự báo chính xác
Hội chẩn những số liệu để đưa ra những dự báo chính xác
TP - Sài Gòn đang trong những ngày nắng nóng kỷ lục 39-40 độ, khi ai cũng ngại ra giữa trời lúc ban trưa thì những người làm nghề khí tượng thủy văn (KTTV) vẫn đội nắng, đội gió để bắt mạch… thời tiết.

Ðương đầu sóng gió

Từ Sài Gòn, chúng tôi vượt cả trăm cây số đến trạm thủy văn (TTV) Phước Hòa (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) “mục sở thị” công việc của những người làm nghề “đo gió, đếm mây”. Giữa trưa, trên chiếc xe máy cà tàng, anh Nguyễn Mộng Thủy, trạm trưởng Phước Hòa chở tôi băng xuyên qua rừng cao su heo hút, không một bóng người để đến trạm. “Hồi tôi mới vô nghề, đi ngang qua đây cũng sợ lắm, nhưng giờ thì quen rồi. Mấy hôm nay trời khô nên còn dễ đi, chứ gặp mưa bão càn qua, nơi đây mịt mù là ruộng nước. Dẫu thế, anh em vẫn liên tục thay phiên nhau đo mực nước, báo cáo cập nhật số liệu từng giờ, từng phút” - anh tâm sự.

Dựng xe, anh Thủy cùng 1 nam đồng nghiệp khệ nệ bê dụng cụ xuống con thuyền khá cũ kỹ neo giữa dòng sông Bé. Con sông rộng mênh mông, phù sa cuồn cuộn chảy. Khi đã vào được thuyền, họ nối máy vào dây cáp, thả cá sắt nặng cả trăm kg xuống dòng nước, quan sát chướng ngại vật... ghi chép số liệu cẩn thận. Tùy theo mực nước mà xác định số lần đo. Ví dụ như nước từ 3 mét trở lên, đo 5 điểm, từ 1-3 mét, đo 3 điểm…

TTV Phước Hòa là trạm cấp 1, người làm lâu nhất gần 30 năm, mới nhất cũng ngót nghét chục năm. “Nghề KTTV là nghề cần độ chính xác cao, không cho phép sai trong đo thông số. Bởi, nếu chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của nhân dân trong vùng và khu vực. Vì vậy, dù 1-2h sáng chúng tôi vẫn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất” - anh Nguyễn Thành Đô có thâm niên 13 năm trong nghề bộc bạch.

Say nghề

Nghề 'ăn cơm dưới đất nói chuyện trên trời' ảnh 1 Quan trắc viên trạm TV Phước Hòa đo lưu lượng trên sông Bé  

Trung bình mỗi ngày, các quan trắc viên phải thực hiện 8 lần quan trắc, phát báo (OBS), trong đó có 4 OBS chính và 4 OBS phụ. Những ngày bình thường cứ 3 giờ đồng hồ, quan trắc viên mới thực hiện 1 OBS. Trong những ngày mưa bão công việc này tăng lên gấp 6 lần, cứ 30 phút lại thực hiện 1 OBS. “Trong ca trực, chúng tôi không bao giờ rời mắt khỏi màn hình. Thường ngày đã “căng” như thế, những khi mưa bão, đêm hôm lại càng vất vả hơn, nhất là đối với chị em phụ nữ” - cô Đồng Thị Lản (31 năm tuổi nghề), nhân viên trạm rada Nhà Bè tâm sự.

Một niềm vui nho nhỏ là phụ nữ tham gia vào lĩnh vực này khá nhiều. Chị Nguyễn Dương Liên, quan trắc viên khí tượng Nhà Bè có thâm niên 24 năm tự hào: Ba mẹ và chồng đều cùng nghề. “Tôi làm khí tượng, chồng làm thủy văn thường đùa nhau “ăn cơm dưới đất, nói chuyện trên trời”. Chúng tôi đều hiểu tính chất quan trọng của nghề mình đang theo đuổi, do vậy luôn tự bảo nhau phải làm hết lòng hết sức. Bởi nếu để xảy ra sơ suất dù rất nhỏ thì không chỉ có hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế mà nó còn gây thiệt hại đến tính mạng con người” - chị Liên tâm sự.

Chị Hà Thị Nhiên, quan trắc viên Đài KTTV tỉnh Bình Dương (13 năm trong nghề) kể, do thích nghề này từ nhỏ nên khi thi đại học đã chọn học ngành khí tượng ở Hà Nội. Ra trường và làm nghề quan trắc đến nay. “Có người bảo đây là nghề nhàn hạ, nhưng với tôi, nghề nào cũng có cái khó khăn của nó. Quan trọng là mình làm hết sức bằng cái tâm. Mỗi khi gửi số liệu chính xác, kịp thời giúp dự báo đúng thời tiết để người dân kịp thời phòng chống mưa bão là mình thấy vui. Đó cũng chính là động lực để mình bám nghề” - chị Nhiên bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Doãn Hậu, trạm trưởng Trạm KTTV môi trường Nhà Bè, đây là nghề làm dâu trăm họ. “Lúc dự báo đúng thì không ai khen, nhưng hễ trật là rất khổ. Dẫu biết mình không thể làm hài lòng được hết tất thảy mọi người nhưng đôi lúc cũng cảm thấy rất buồn” - vị trưởng trạm thở dài.

Khó không nản

Dịp lễ tết, ai cũng hối hả lên lịch về quê, thăm hỏi người thân thì Nguyễn Thị Mai (28 tuổi), quan trắc viên môi trường Nhà Bè vẫn miệt mài bên những con số. “Em vào nghề đã 3 năm. Lễ tết thường mình chỉ gọi điện thoại về quê chứ ít khi về quê lắm. Nhưng em không buồn vì gia đình ai cũng ủng hộ”.

Đồng hồ được xem là vật bất ly thân đối với người làm nghề quan trắc KTTV. Tùy theo chuyển biến thời tiết mà số lần quan trắc nhiều hay ít. Có khi mỗi giờ phải đo 1 lần. Cài báo thức bằng điện thoại di động rồi “kè kè” thêm đồng hồ báo thức nữa mới có thể yên tâm. “Đồng hồ nào cũng không qua đồng hồ sinh học. Chúng tôi thức riết rồi quen. Đêm nào cũng thế, cứ cách vài giờ, người trực phải quan sát hiện tượng khí tượng một lần và ghi chép số liệu. Còn gặp đêm trời mưa bão thì phải quan sát liên tục” - anh Vũ Quang Hoàng, người duy nhất quan trắc TTV Nhà Bè trải lòng.

Có một nguyên tắc, những số liệu KTTV tuyệt đối không được bịa ra. “Nếu có một số liệu khác thường, công tác dự báo sẽ tập trung vào đó, có khi dự báo viên cho đó là biểu hiện thời tiết cực đoan. Và nếu đây là số liệu bịa sẽ ảnh hưởng tới dự báo chung của một vùng miền. Điều đó dẫn đến khả năng dự báo sai, rất nguy hiểm. Nhân viên quan trắc nếu lỡ quên hoặc đo sai giờ sẽ bị kỷ luật rất nặng” - Ths Lê Đình Quyết, Phó trưởng phòng dự báo Đài KTTV khu vực Nam bộ khẳng định.

Tuy đã có những nỗ lực nhất định trong công tác dự báo, nhưng theo nhiều cán bộ KTTV, để nâng cao chất lượng dự báo, chi tiết đến từng địa điểm, thời gian trong điều kiện thời tiết ngày một diễn biến cực đoan, đòi hỏi phải có sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho công tác đo đạc. Nhưng trên thực tế, do kinh phí còn hạn chế, mạng lưới đo vẫn còn quá dàn trải, thưa thớt, nên rất khó có thể đưa ra dự báo chính xác khi thời tiết diễn biến thất thường, phức tạp...

Mong sống được với nghề là mong ước của người làm công tác KTTV hiện nay. Theo tìm hiểu, người mới ra trường, lương chưa tới 3 triệu đồng/tháng, người làm trên 30 năm, lương cũng chỉ khoảng 6 triệu đồng. Cũng vì những khó khăn ấy, để theo nghề, họ phải tìm việc làm thêm như cạo mủ cao su, bán hàng nước...

Ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Ðài KTTV khu vực Nam bộ trải lòng: “Những bản tin dự báo khí tượng thủy văn mà ngành đưa ra hàng ngày, thậm chí hàng giờ là minh chứng sống động nhất, chứng tỏ đội ngũ cán bộ, viên chức trong ngành luôn biết cách vượt lên mọi trở ngại gian khó trong cuộc sống và công tác, thực hiện các hoạt động dự báo, thông tin KTTV, quan trắc, giám sát biến đổi khí hậu phục vụ phòng, chống thiên tai ngày một cách chính xác và hiệu quả, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…”.

MỚI - NÓNG