Ngày thơ bàn về “ứng xử” của nhà thơ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sáng Nguyên tiêu (5/2), có những lúc mưa như trút xuống Hoàng thành Thăng Long - nơi diễn ra Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21. Đây cũng là lần đầu tiên Ngày Thơ rời sân chơi quen thuộc Văn Miếu. Sân khấu năm nay nhìn quy mô, chuyên nghiệp hẳn với màn hình LED chạy các câu thơ chọn (đêm thơ diễn ra tối Rằm tháng Giêng). Nhưng tất nhiên chỉ có mấy khách thơ bất chấp mưa, đứng chụp vài kiểu kỷ niệm trước Đoan môn.

Sáng thơ Nguyên tiêu không tê liệt vì mưa, vì vẫn còn tọa đàm Thơ hiện nay với hôm nay diễn ra trong hội trường có lối vào khá khuất nẻo bên trong nhà bán vé tham quan Hoàng thành. Một số người vào gian nhà này ngó nghiêng không thấy ai lại đi ra. Giá mà có vài tấm biển chỉ dẫn thì tốt. Thế nhưng khán phòng vẫn đông nghịt, phải kê cả ghế phụ.

Ngày thơ bàn về “ứng xử” của nhà thơ ảnh 1

Vừa trú mưa vừa ngắm kỷ vật của các nhà thơ trong Nhà Ký ức Ảnh: N.M.HÀ

Lúc tôi bước vào thì nhà thơ Trang Thanh đang được mời phát biểu. Chị cho rằng thơ hiện nay được in ra quá nhiều, với chất lượng “bị nhiều người rất kêu ca”. “Vấn đề đó có lẽ chỉ có thể giải quyết được bằng thẩm định xuất bản. Chúng ta đã cấp phép tràn lan quá nhiều và mọi người được tự do ngôn luận nghĩa là hoàn toàn có quyền bỏ tiền ra để in. Phần nào làm cho mặt bằng thơ ta hiện nay đang trở nên rất rối loạn, ảnh hưởng ít nhiều đến các nhà thơ chuyên nghiệp. Đôi khi họ bị đánh đồng chất lượng với những thơ tự in ở đâu đó”, chị nói.

Trang Thanh nhấn mạnh, dù lựa chọn không gian sinh hoạt nào (một mình hay với CLB), nhà thơ vẫn phải “cô độc” trong tâm tưởng, trong sáng tạo: “Sau khi đã chan hòa vào đời sống chung, nhất định anh ta phải trở về để cô độc trong không gian sáng tạo của riêng mình”.

Khát vọng phương Nam

Với chủ đề “Khát vọng phương Nam”, Ngày thơ Việt Nam tại thành phố mang tên Bác trở lại sau 2 năm vắng bóng vì đại dịch đã thực sự để lại ấn tượng cho mọi người. Cũng vẫn những lều thơ, cũng vẫn các chương trình giao lưu giới thiệu thơ nhưng lần trở lại này, Ngày thơ đã mang một sắc thái khác.

Theo nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, chọn chủ đề “Khát vọng phương Nam”, Ngày Thơ Việt Nam tại TPHCM năm nay thể hiện mong muốn của Hội là tiếp tục đồng hành với cán bộ, chiến sĩ và người dân TPHCM trên con đường xây dựng một đô thị tầm cỡ quốc tế, mà hạnh phúc của mỗi con người vừa là trung tâm và cũng là động lực của sự phát triển. Trọng Thịnh

Quan điểm sáng tác của Trang Thanh là nhà thơ phải tạo được một trường thẩm mỹ: “Mà ở đó sự phóng chiếu của nội tâm mình phải chạm đến nội tâm của người khác. Và sự dâng tặng số phận của mình cho thơ phải chạm đến kiếp người nói chung. Do vậy người làm thơ đôi khi sống thơ quan trọng hơn làm thơ. Và chúng ta đôi khi phải tĩnh lặng đến mức ẩn nhẫn để chờ đợi những khoảnh khắc vụt hiện. Chứ không thể nào làm thơ theo kiểu giống như sản xuất hàng loạt những thứ gì đó”.

Ngày thơ bàn về “ứng xử” của nhà thơ ảnh 2

Bói thơ là trò chơi duy nhất dành cho khách thơ đến với Ngày Thơ sáng 5/2

Người điều phối tọa đàm, nhà văn Văn Giá đồng tình: “Một số NXB, ấn phẩm hiện nay thiếu một số điều quan trọng là tính kỷ luật và sự tự trọng. Các nước phương Tây có những NXB mà ai được in một tập thơ ở đấy danh giá cả đời. Ở ta phần lớn các NXB cứ bán giấy phép, rất là gay”.

Nhà phê bình PGS.TS Trần Thị Trâm lên tiếng ủng hộ các CLB thơ và mong Hội Nhà văn Việt Nam quan tâm hơn đến hình thức sinh hoạt mà theo bà ảnh hưởng tốt đến xã hội. “Bộ phận văn hóa nghệ thuật không chuyên có những đóng góp cũng quan trọng, là nơi đào tạo nâng cao để chúng ta (Hội Nhà văn) tiếp tục có những hội viên mới”, bà khẳng định.

“Văn học không chuyên gắn với đời sống, sinh động, tươi mới, hấp dẫn… nói lên tiếng nói của đông đảo quần chúng. Thơ của họ vui lắm, hài lắm, hóm lắm... sau khi chúng ta bỏ đi những bài thơ dở. Theo quy luật chọn lọc tự nhiên, không phải chúng ta làm chuyên nghiệp là đã có thơ hay cả đâu. Thời gian sẽ trả lại những giá trị đích thực. Có những người không trong Hội Nhà văn nhưng những câu thơ của họ bất tử”, nhà phê bình Trần Thị Trâm nói.

Bà cho rằng làm cho thơ trở nên hay hơn, “đúng định hướng” hơn là trách nhiệm của các hội, các NXB, các nhà lý luận phê bình và cũng là của mỗi nhà thơ. Bà kêu gọi các nhà thơ hãy “tự trọng để trở thành nhà văn hóa đích thực” để tác phẩm chạm đến trái tim bạn đọc.

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ nêu ý kiến không nên tranh cãi về quyền “sinh hoạt thơ” hay trình độ của người làm thơ mà cái nên quan tâm là phải chọn lọc khi trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật. “Không thể cấp phát tùm lum như thế được”, ông nói.

Ông cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi có những đồng nghiệp, quan chức ngày nào cũng làm thơ, trong khi ông 2-3 tháng, có khi một năm mới được một bài. “Làm đến cái bát cái chén cũng phải làm sao để có giá trị sử dụng, mọi người phải mến phải quý. Còn nếu mình làm ra mọi người vứt đi cũng không được. Tôi cho đó là ứng xử của từng người, từng cá nhân tự điều chỉnh”.

Tôi đoán chữ ứng xử ở đây là muốn nói đến tình trạng gặp ai cũng “giúi” thơ chăng. Ngày nào cũng làm thơ cũng là một dấu hiệu của sự chuyên nghiệp đấy chứ. Có bằng cấp về thơ xong ra làm thơ mới xứng chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn của PGS.TS Trần Thị Trâm chắc hiếm. Còn đem tiêu chí sống được bằng thơ ra áp chắc chẳng còn ai là chuyên nghiệp. Có vẻ Trang Thanh có lý: các nhà thơ làm gì thì làm nhưng lúc nào sống cũng phải nên thơ.

MỚI - NÓNG