Khốn khổ vì ATM hết tiền
Anh M.T nhà ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) kể hôm đó, vợ chồng anh đi qua máy ATM của ngân hàng M trên đường Nguyễn Chí Thanh để rút tiền. Thực hiện giao dịch xong, máy hiện thông báo: “ATM hết tiền, xin tạm ngừng phục vụ”.
Lo lắng, anh chị M.T tiếp tục chạy sang ATM ngân hàng khác cùng hệ thống kết nối thẻ Smartlink, tình trạng diễn ra tương tự. Quá bức xúc, hai vợ chồng vội chạy về một “tụ điểm” ATM trên đường Hoàng Quốc Việt. Sau khi thêm một cây ATM nữa báo lỗi, cây ATM thứ tư đã thực hiện giao dịch và trừ 2 triệu đồng từ tài khoản nhưng không nhả tiền mà chỉ hiện dòng chữ “thẻ không được phép giao dịch”. Quá bức xúc, anh M.T gọi đến số điện thoại đường dây nóng của ngân hàng, tuy nhiên máy luôn báo bận. Sau đó, số tiền 2 triệu đồng cũng được ngân hàng hoàn trả.
Trao đổi với PV Tiền Phong, phụ trách trung tâm thẻ một ngân hàng thừa nhận: Câu chuyện của anh M.T không phải là hy hữu vì thời gian đó các ngân hàng rất căng về thanh khoản. “Lúc đó, tiền mặt cho các khách hàng rút thẳng còn thiếu, huống hồ là tiền trong máy. Lỗi hết tiền là do chủ quan chứ không vô ý”, vị này nói.
Anh Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Quỹ Vietcombank từng cung cấp: phòng có 37 người, riêng bộ phận tiếp quỹ là 20 người và phục vụ 145 máy ATM thuộc quản lý của Sở giao dịch trên địa bàn Hà Nội. Trung bình mỗi ngày lượng tiền kiểm đếm để đưa vào các hộp tiếp quỹ (gần 200 hộp) từ 50-60 tỷ đồng.
Liên quan đến chuyện phạt ATM vi phạm, Luật sư Vũ Xuân Tiền cho biết, ATM là để rút tiền. Ngân hàng đặt cây ATM, bán thẻ cho khách và thu phí nhưng khi khách rút tiền không có, chứng tỏ ngân hàng không thực hiện đúng cam kết. “Ngân hàng mà để máy ATM hết tiền đáng bị phạt”, ông Tiền nói.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mức phạt 15 triệu đồng là rất nhỏ so với vi phạm cố tình của ngân hàng. Số tiền đó chắc chắn ngân hàng đáp ứng được và không phải là cảnh cáo lớn. Về lập đường dây nóng, theo ông Hiếu, chưa chắc đã mang lại hiệu quả bởi rất khó thu thập chứng cứ để phạt về sau.
Ngày Tết, ATM có hết tiền?
Ngày 12/12, trao đổi với PV Tiền Phong, bà Lê Lưu Diệu Thảo, Giám đốc Trung tâm thẻ của Ngân hàng Nam Á cho biết, trước khi Nghị định 96 về xử phạt ngân hàng để ATM hết tiền có hiệu lực, Ngân hàng Nam Á đã gửi công văn cho các đơn vị kinh doanh thuộc hệ thống có đặt máy ATM kiểm tra thường xuyên lượng tiền trong máy để tránh tình trạng gặp sự cố. Theo bà Thảo, từ nhiều năm nay, chưa bao giờ Nam Á xảy ra tình trạng máy ATM hết tiền dù lượng giao dịch khá lớn. “Nghị định về việc xử phạt máy ATM hết tiền ra đời lúc này giúp cho ngân hàng chăm sóc khách hàng tốt hơn và có trách nhiệm hơn trong việc đáp ứng nhu cầu rút tiền cho người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi tới”, bà Thảo nói.
Thống kê của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, tính đến 6/2014, cả nước hiện có khoảng 16.000 máy ATM. Hiện, các ngân hàng thương mại chi ra khoảng 200 triệu đồng tồn quỹ/máy ATM. Tuy nhiên, theo tính toán, mỗi máy cần tồn quỹ 500 triệu đồng mới đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt của khách hàng.
Theo đại diện Ngân hàng MB, các ngân hàng hiện nay đều có thanh khoản dồi dào, trang thiết bị công nghệ hiện đại nên việc để ATM hết tiền, nhất là dịp Tết sắp tới ít xảy ra. Với Ngân hàng HD, có hệ thống theo dõi và giám sát mạng lưới ATM rộng khắp, đồng thời cập nhật 24/24 giờ về lượng tiền còn trong máy. “Nếu máy ATM còn tiền ít, máy sẽ tự động cập nhật và báo cáo về nơi giám sát thẻ để đảm bảo xử lý nguồn tiền kịp thời”, đại diện ngân hàng HD nói.
Biết được vào thời điểm Tết Nguyên đán giao dịch ATM tăng lên đột biến nên trong nhiều năm qua, Vietcombank luôn tăng sự hiện diện rộng khắp của máy. Ông Lê Huỳnh Hà, Trưởng phòng Dịch vụ thẻ ATM của Vietcombank TPHCM cho biết, vào dịp Tết, cao điểm rút tiền mặt tại ATM tăng lên 3-4 lần nên Vietcombank luôn tăng tần suất nạp tiền lên gấp đôi, gấp ba ở những nơi có lượng giao dịch lớn. “Thông qua hệ thống công nghệ theo dõi từ ngân hàng đến các máy, chúng tôi biết được máy ATM còn bao nhiêu tiền. Nếu chỉ còn 100 triệu chúng tôi tiếp tiền ngay. Vì vậy máy không thể hết tiền được”, ông Hà cho biết.
Để tránh những ATM ở các khu vực xa không tiếp tiền kịp thời, theo ông Hà, ngân hàng có hệ thống theo dõi để tính toán quãng đường đi, bố trí lực lượng tiếp tiền sớm hơn dự kiến giúp cho giao dịch không bị gián đoạn.
Bà Trần Thanh Hằng, Giám đốc Trung tâm thẻ Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cũng khẳng định: Thời điểm này, ATM chỉ hết tiền khoảng 30 phút, khi tắc đường hoặc chỗ máy quá xa trung tâm có thể lên tới 1 giờ là ngân hàng đã tiếp tiền ngay. Theo bà Hằng, hiện Vietcombank có khoảng 7,5 triệu chủ thẻ với 2.125 máy ATM trên toàn quốc. “Tại hệ thống máy chủ, chúng tôi luôn có mức giới hạn để đặt báo động. Từ trung tâm máy ATM sẽ báo về còn bao nhiêu tiền đã đến vạch quy định. Phòng Quỹ bao giờ cũng chuẩn bị sẵn tiền niêm phong. Trung bình, chúng tôi nạp quỹ ngày một lần; ngày trả lương thưởng tăng lên 2 lần; còn ngày Tết từ 4-5 lần tiếp quỹ tùy từng địa bàn”, bà Hằng cho biết.
Theo bà Hằng, với các khu công nghiệp có nhiều doanh nghiệp FDI trả lương qua tài khoản Vietcombank, ngoài đổ sẵn dữ liệu từ hôm trước, Vietcombank còn tổ chức phát tiền trực tiếp và đề nghị doanh nghiệp nhắn công nhân tranh thủ thời gian để rút tiền.