Ngất xỉu vì rượu ngoại giả, đắt tiền

TP - Anh Chính mua chai Chival 18 với giá 1,3 triệu đồng ở một cửa hàng trên phố Nguyễn Trãi nói, “tôi mua vì thương hiệu sản phẩm, còn chất lượng thật giả thế nào không thể biết được”. Trong khi đó, các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai cho hay, có rất nhiều ca ngộ độc, ngất xỉu, tử vong vì rượu giả.
Rượu ngoại, sản phẩm giá cao dễ bị làm giả

Nhu cầu tiêu thụ rượu tăng cao nhưng người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là rượu thật, rượu giả. Lực lượng chức năng đang phải căng mình chống chọi nạn buôn bán rượu kém chất lượng. 

Nhiều chiêu buôn bán, sản xuất rượu

Mới đây, khi kiểm tra Công ty TNHH nước giải khát Anh Tú ở ngõ 155 Cầu Giấy, quận Cầu Giấy (Hà Nội), Quản lý thị trường Hà Nội và Đội cảnh sát môi trường Công an quận Cầu Giấy đã tạm giữ 6.665 chai rượu các loại. Lý do công ty này bị lực lượng chức năng thu giữ sản phẩm là công ty này đã tự sản xuất, buôn bán khối lượng lớn rượu ra thị trường khi không có giấy phép sản xuất. Trong đó, chủ yếu là các loại rượu bình dân như: rượu nếp, rượu vang nổ, rượu lúa nếp Vodka 29% - 600ml, rượu nếp Hà Nội, rượu vang nho 7-16%...Những loại rượu này có mặt trong hầu hết các quán nhậu với giá 30.000 đồng- 100.000 đồng. 

Hiện Đội quản lý thị trường số 13 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đang lấy mẫu rượu để giám định chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, các đội quản lý thị trường, Công an TP Hà Nội và lực lượng quản lý thị trường các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng…đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ hàng nghìn chai rượu ngoại nhập lậu, hàng có dấu hiệu làm giả. Đa số hàng bị bắt đều đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ. Riêng tháng 12/2014, lực lượng chức năng Hà Nội bắt gần 2.000 chai rượu ngoại mang thương hiệu Chival, Ballantine’s, Jose Cueruo, I Rish Whiskey…trị giá hàng tỷ đồng. Không chỉ buôn bán, vận chuyển rượu ngoại lậu qua đường biên giới, đường bộ, các đầu nậu còn buôn bán, vận chuyển hàng bằng đường thủy.

Ngày 15/1, lực lượng Hải đoàn biên phòng 38 phát hiện, tạm giữ 167 thùng rượu ngoại mang các nhãn hiệu rượu đắt tiền như Chival, Ballantine’s… Được biết, số hàng này bị bắt khi vừa được chuyển xuống từ một tàu Trung Quốc.

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, năm 2014 lượng rượu ngoại rởm và rượu nội bị bắt, buộc phải tiêu hủy có giá trị lên tới hàng tỷ đồng. Trong đó, rượu ngoại 3.504 chai, rượu nội các loại 27.219 lít, rượu vang hơn 400 thùng, bia và nước giải khát các loại lên tới 17.056 chai.

Người tiêu dùng lãnh đủ?

Theo khảo sát của PV, thời điểm này các cửa hàng, đại lý ở khắp mọi nơi đã trưng bày các sản phẩm rượu để bán. Với các mặt hàng đầy đủ nhãn mác, người tiêu dùng khó có thể phát hiện ra đâu là rượu thật, đâu là rượu giả.

Anh Nguyễn Đình Chính mua chai Chival 18 với giá 1,3 triệu đồng ở một cửa hàng trên phố Nguyễn Trãi nói, “tôi mua vì thương hiệu sản phẩm, còn chất lượng thật giả thế nào không thể biết được”. 

TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, người tiêu dùng phải thận trọng khi sử dụng rượu. Bởi nếu uống phải rượu giả sẽ dẫn đến nhiều triệu chứng nguy hiểm, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Đa số ca ngộ độc rượu dẫn đến chết người đều do rượu giả.

Ông Nguyễn Đắc Lộc, Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay, tùy vào mức độ tác hại để có nhiều mức xử phạt đối với việc buôn bán, vận chuyển rượu giả. Đối với những mặt hàng làm giả dán tem, nhãn sẽ bị tịch thu, tiêu hủy và xử phạt hành chính. Nếu sản phẩm gây hại cho sức khỏe con người thì nhà sản xuất bị truy tố trước pháp luật.

Ông Lộc cho biết thêm, việc kiểm soát hàng giả hiện nay gặp nhiều khó khăn. Lực lượng quản lý thị trường có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hàng hóa tiêu thụ trên thị trường, khi có dấu hiệu vi phạm mới có quyền truy nguồn sản phẩm, test mẫu và tịch thu, xử phạt hay tiêu hủy sản phẩm. 

Theo một đại diện của Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), đơn vị vẫn quyết liệt chỉ đạo các lực lượng tiến hành các biện pháp ngăn chặn, truy quét hàng lậu, hàng giả, trong đó có rượu. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán, các mặt hàng tiêu dùng sẽ được thắt chặt giám sát, quản lý chất lượng.

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, năm 2014 lượng rượu ngoại rởm và rượu nội bị bắt, buộc phải tiêu hủy có giá trị lên tới hàng tỷ đồng.