Ngập lụt và hạn hán ngày càng tăng

Ngập lụt và hạn hán ngày càng tăng
TP - Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (NCBĐKH) tại Trường Đại học Cần Thơ đưa ra kịch bản về hạn hán và mưa lũ ở ĐBSCL trong 20 năm nữa.

Dự báo do Viện NCBĐKH- Đại học Cần Thơ mới đưa ra cho thấy, năm 2030, hạn hán ở ĐBSCL rất nặng nề vì lượng mưa đầu và cuối mùa đều giảm.

Quy luật trước kia, từ tháng một đến tháng bảy dương lịch hằng năm, ĐBSCL thiếu nước và hạn xảy ra. Có hai đỉnh điểm hạn hán, cuối tháng tư đầu tháng năm là hạn đầu vụ, cuối tháng bảy đầu tháng tám là hạn bà chằn.

Đến năm 2030, lượng mưa từ tháng một đến tháng bảy sẽ giảm khoảng 20 phần trăm so với năm 1980. Cụ thể ở tháng tư giảm một nửa, các tháng khác giảm 10 – 20 phần trăm. Lượng mưa giảm và mùa mưa đến muộn hơn khoảng hai tuần. Rõ ràng, khi đó hạn diễn ra gay gắt.

Lượng mưa giảm trên toàn bộ diện tích ĐBSCL. Giảm lớn nhất là dải đất ven biển, vùng núi ở An Giang, Kiên Giang và toàn bộ bán đảo Cà Mau, giảm hơn 25 phần trăm. Vào mùa khô, chỉ còn một diện tích nhỏ giữa Đồng Tháp Mười và rừng U Minh là không hạn hán.

Hạn nặng thì nước mặn ngoài biển càng tiến sâu vào nội đồng. Thêm kịch bản băng tuyết tan, nước biển dâng thêm khoảng một mét, hầu hết các dòng sông ở ĐBSCL bị nhiễm mặn.

Lụt chưa từng có

Trái với viễn cảnh hạn hán, mưa lũ diễn ra năm 2030 ở ĐBSCL cũng sẽ ngoài sức tưởng tượng. Lượng mưa giữa vụ, trong các tháng từ tám đến 11 dương lịch, không giảm so với năm 1980. Từ trước đến nay, thời gian này xảy ra lũ lụt lớn, nhất là những khi triều cường. Tương lai lụt còn lớn hơn vì nước biển dâng cao.

Kịch bản nước biển dâng cao thêm một mét vào năm 2030 sẽ làm ngập diện tích rất lớn của ĐBSCL. Lớn nhất là tỉnh Bến Tre ngập 51 phần trăm diện tích, kế tiếp Long An ngập 49,4 phần trăm, ít nhất là Cần Thơ ngập 24,7 phần trăm. TP Hồ Chí Minh cũng bị ngập 43 phần trăm.

Cộng hai yếu tố trên lại với nhau sẽ có kết quả ngập lụt vào năm 2030. Hầu như toàn bộ diện tích ĐBSCL bị nhấn chìm trong nước. Những tỉnh trước nay không lũ lụt như Sóc Trăng, Bạc Liêu thì khi đó cũng khó thoát, bởi chỉ riêng nước biển dâng cao thêm đã nhấn chìm diện tích của hai tỉnh này theo thứ tự là 43,7 và 39,9 phần trăm.

Ngập lụt và hạn hán ngày càng tăng ảnh 1

Năm 2030 có thể ở vùng núi của ĐBSCL này không còn nước sử dụng -Ảnh: Nhất Định Được

Mọi thứ sẽ thay đổi

Khi hạn tăng, lụt lớn, nước biển dâng, bão nhiều, mọi thứ sẽ đảo lộn. Kinh tế xã hội rất khó ổn định, kéo theo thất nghiệp, nghèo đói, bệnh tật, ô nhiễm, đa dạng sinh học suy giảm. Các thế mạnh về kinh tế của ĐBSCL như lúa gạo, thủy sản, trái cây có thể không còn.

NCBĐKH có mối liên hệ với các cơ quan nghiên cứu, tổ chức hoạt động về biến đổi khí hậu trong và ngoài nước để trao đổi thông tin, kỹ thuật, kinh nghiệm. Viện cũng phối hợp với các địa phương ở ĐBSCL để có các phân tích, định hướng, nêu các giải pháp cũng như nâng cao năng lực ứng phó.

Theo PGS-TS Lê Quang Trí, Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ kiêm Viện trưởng, đây là vấn đề rất mới của cả thế giới. Viện đang tập trung vào thông tin, giáo dục và xem xét chính sách, tiến tới sẽ đề ra chiến lược ứng phó, điều chỉnh chính sách và tìm cách thích ứng. Lâu dài có chương trình cải thiện cuộc sống, xây dựng công trình, huấn luyện nâng cao khả năng thích ứng của cộng đồng.

Trong quá trình khẩn trương triển khai các chương trình nghiên cứu vừa qua, theo ông Trí, các cơ quan nghiên cứu và tổ chức quốc tế phối hợp rất nhiệt tình. Lãnh đạo các địa phương ở ĐBSCL cũng sốt sắng. Nhưng các cơ quan nghiên cứu trong nước chưa sẵn sàng chia sẻ thông tin, thậm chí còn che giấu. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.