Ngành xuất bản Mỹ cũng lao đao

Ngành xuất bản Mỹ cũng lao đao
TP- Báo The Wall Street Journal đã phải đăng dự đoán của Leonard S. Riggio - người đứng đầu trung tâm phát hành sách lớn nhất thế giới Barnes & Noble về một mùa mua sắm tẻ nhạt kèm theo lời than vãn: “Chưa bao giờ trong đời buôn sách của tôi mà thị trường lại thảm đạm đến thế”.

Dù phát hành được cuốn tiểu thuyết hấp dẫn The Story of Edgar Sawtelle mà Oprah Winfrey hết lời khen ngợi, S.Riggio vẫn đành phải thú thực rằng lợi nhuận xuất bản quý I năm nay của tập đoàn chỉ đạt 3 triệu USD, kém xa cùng kỳ năm ngoái, 36 triệu.

Một tuần trước đó, NXB Doubleday Publishing Group - trực thuộc Random House - vừa quyết định thải hồi 10% nhân sự.

Tuy Cty này có trấn an rằng hành động trên không phải là dấu hiệu cho xu hướng cắt giảm nhân công trong ngành xuất bản nhưng sẽ chả ai ngạc nhiên nếu tình cảnh đó tiếp tục lặp lại.

Rodale - một trong những NXB tiên phong và thành công nhất của lĩnh vực xuất bản quy mô nhỏ - cũng cắt giảm gần 7% nhân viên chính. Nay khi một mùa nghỉ lễ đang đến, giới xuất bản càng thêm lo lắng bởi thời điểm kinh doanh tốt nhất trong năm lại đang bị bóng đen của sự suy sụp tài chính bao phủ.

Tuy vậy vẫn có người tỏ ra tự tin. Jamie Raab ở NXB Grand Central lạc quan: “Sách truyện luôn là quà tặng đáng yêu. Nó cũng rẻ hơn nhiều so với các món đồ hiệu khác nên chúng tôi nghĩ mình vẫn còn cơ may”.

Dầu nói thế nhưng trước nhiều báo cáo về sự sụt mạnh nhu cầu sách, Jamie Raab cũng bộc lộ e ngại về khả năng xuống dốc của thị trường năm mới.

Việc ký hợp đồng với các cây bút mới là vô cùng nhỏ giọt, tuy nhiên phần đông giới xuất bản vẫn hào hứng tìm kiếm các cuốn sách về người nổi tiếng cũng như nhiều đề tài ăn khách khác và mơ về viễn cảnh best-seller.

Mới tháng trước, Little, Brown & Company ký hợp đồng trị giá hơn 5 triệu USD với nghệ sĩ hài Tina Fey thì tuần này tới lượt Jerry Seinfeld cũng có một cuốn được kỳ vọng mang lại hơn 7 triệu USD tiền lãi.

Các nhà xuất bản vẫn hy vọng sẽ lặp lại câu chuyện văn chương bứt khỏi vòng xoáy kinh tế u ám, mà một trong số đó là trường hợp Gone with the wind (Cuốn theo chiều gió), ra đời năm 1936, đúng vào thời kỳ đại suy thoái kinh tế nhưng vẫn bán được một triệu bản trong năm đầu tiên và dẫn đầu sách bán chạy nhất suốt hai năm liền, trước khi chuyển thể điện ảnh.

Võng Nhiên
Theo NY

MỚI - NÓNG