Ngành tôm than khó trăm bề giữa dịch, xuất khẩu thủy sản tháng 8 giảm sốc

0:00 / 0:00
0:00
Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: CK
Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: CK
TPO - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cà Mau cho biết, chuỗi sản xuất tôm khó khăn từ A tới Z, từ đầu vào vật tư, con giống cho đến nhà máy chế biến.

Tại diễn đàn tôm Việt 2021 - Online – “Giải pháp tháo gỡ khó khăn ngành tôm trong tình hình dịch bệnh COVID-19” diễn ra ngày 1/9, ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết, do tình hình dịch COVID-19, chuỗi sản xuất tôm gặp khó khăn từ A tới Z, từ đầu vào vật tư, con giống cho đến nhà máy chế biến.

Cà Mau hiện có 30 doanh nghiệp và 38 nhà máy chế biến tôm, với sản lượng 200.000 tấn/năm. Khi thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, hầu hết các doanh nghiệp đều chưa sẵn sàng. Dù được hỗ trợ, nhưng cũng chỉ có khoảng 30-50% doanh nghiệp, nhà máy đáp ứng được yêu cầu để sản xuất. Số còn lại phải ngưng. Đến thời điểm này, công suất chỉ khoảng 50%.

Chi phí cho việc "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" rất cao vì doanh nghiệp phải thuê nhà trọ, khách sạn, thậm chí thuê cả đội xe vận chuyển công nhân…

“Chuỗi sản xuất tôm khó khăn từ A tới Z, từ đầu vào vật tư, con giống cho đến nhà máy… Nếu dịch còn kéo dài nữa không biết doanh nghiệp kham được bao lâu… Cần có quy định thống nhất chung giữa các tỉnh, phối hợp với nhau. Phòng chống dịch nhưng cũng phải thông thoáng cho sản xuất…” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau nói.

Ngành tôm than khó trăm bề giữa dịch, xuất khẩu thủy sản tháng 8 giảm sốc ảnh 1

Nuôi tôm thâm canh ở ĐBSCL. Ảnh: XT

Ông Lê Văn Quang – Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, nhà máy của Minh Phú ở Cà Mau có 7.000 công nhân thì hiện chỉ có 1.600 người tham gia sản xuất; nhà máy tại Hậu Giang có 6.000 công nhân thì hiện chỉ có 1.300 người.

Theo ông Quang, nhà máy không sản xuất được nên không mua tôm. Vận chuyển tôm từ vùng nuôi đến nhà máy cũng rất khó khăn. Do vậy, bà con không thả giống. Dự kiến các tháng cuối năm, thời điểm thị trường tiêu thụ nhiều thì lại thiếu hụt tôm. Khi hết giãn cách, sản xuất lại bình thường thì sẽ thiếu nguyên liệu rất trầm trọng…

Theo ông Tạ Hoàng Nhiệm – Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bạc Liêu, khi thực hiện giãn cách xã hội, Chính phủ chỉ đạo vừa chống dịch vừa sản xuất, lưu thông hàng hóa. Nhưng vừa qua đặt ra “giấy phép con”, gây khó cho vận chuyển hàng hóa trong đó có ngành tôm. Giá tôm tụt thê thảm (40-50%), người nuôi điêu đứng, nửa muốn thả nửa muốn không vì không biết sắp tới thế nào.

“Khó khăn là khó khăn chung, không riêng ngành hàng nào, nhưng các văn bản của cơ quan nhà nước nói chung quan tâm hỗ trợ lúa gạo, rau củ quả… mà không nghe ai nói về hỗ trợ ngành tôm như thế nào. Một tấn rau củ quả có giá 10-30 triệu đồng trong khi 1 tấn tôm thì hàng trăm triệu…” – ông Nhiệm nói, đồng thời kiến nghị có chính sách tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp chế biến XK, hợp tác xã và người nuôi tôm…

Ngày 1/9, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tháng 8/2021, xuất khẩu (thủy sản đạt khoảng 520 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực.

Theo VASEP, trải qua hơn một tháng hoạt động trong hoàn cảnh giãn cách xã hội và phương thức hoạt động “3 tại chỗ”, kết quả xuất khẩu đã phản ánh rõ mức độ ảnh hưởng đối với ngành thủy sản.

Theo kết quả khảo sát của VASEP, trong hơn 1 tháng qua, chỉ có khoảng 30-40% các doanh nghiệp (DN) thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và cũng chỉ huy động được 40-50% người lao động tham gia sản xuất, do đó công suất sản xuất trung bình giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây.

Trong tháng 8/2021, xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 35-40% so với cùng kỳ năm 2020. Nhờ kết quả xuất khẩu 7 tháng đầu năm tăng cao nên cộng dồn 8 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản vẫn tăng khoảng 6% khi đạt 5,5 tỷ USD.

Nhìn chung, diễn biến dịch COVID-19 vẫn còn đang căng thẳng ở các tỉnh phía Nam, trong khi việc triển khai tiêm vắc xin cho lực lượng công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất còn hạn chế và không đồng đều.

Với thực trạng đó, dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 sẽ tiếp tục giảm ít nhất 20% khi đạt khoảng 660 triệu USD.

MỚI - NÓNG