Ngành thuế như… thời kỳ đầu đổi mới

Bộ máy ngành Thuế còn cồng kềnh, chậm đổi mới. Ảnh: Như Ý
Bộ máy ngành Thuế còn cồng kềnh, chậm đổi mới. Ảnh: Như Ý
TP - Đánh giá về ngành thuế, bên cạnh những khen ngợi về nỗ lực thu thuế năm 2016, Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ ra hàng loạt bất cập, chậm đổi mới của ngành. Thậm chí, ông ví bộ máy ngành thuế hiện nay như… thời kỳ đầu đổi mới.

“Ngâm” 8 tháng mới trả lời doanh nghiệp

Sáng 11/1, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017. Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn dành đúng 1 giờ đồng hồ để nói về ngành thuế, trong đó phân nửa đề cập tới câu chuyện cải cách thuế. Ông Tuấn dẫn ra ví dụ về bức tranh thật của ngành thuế, cách xử lý của cán bộ thuế mà doanh nghiệp phải “hứng” chịu.

Năm 2016 ngành thuế tăng 11 bậc trên bảng xếp hạng về tạo thuận lợi cho DN (của Ngân hàng Thế giới - WB), nhưng vẫn xếp thứ 167, trong khi bình quân chung cả nước chỉ 87. Theo Thứ trưởng Tuấn nhiệm vụ số 1 -  có thể nói “sống còn” với ngành thuế năm 2017 vẫn là cải cách hành chính, qua đó tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp để tăng nguồn thu. Ông lưu ý, hiện ngành thuế mới đi được 25% chặng đường cải cách, những việc như hoàn thuế điện tử, giao dịch điện tử giữa cơ quan thuế và DN, thông báo điện tử… tới nay chưa làm được.

“Bản thân ngành thuế còn chưa điện tử hóa được, nhiều công việc vẫn thực hiện thủ công sao ứng dụng với cơ quan ngoài được. Có văn bản người cần lấy ý kiến không lấy, lấy toàn người không ý kiến. Từ cấp tổng cục, xuống cấp cục, vụ, phòng mỗi cấp giữ văn bản 5-10 ngày, vì không tự động hóa được cơ sở dữ liệu. Cái vụn vặn như thông báo thuế còn chưa giải quyết được, sao tiến lên thuế điện tử”, ông Tuấn nói.

Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh, thách thức rất lớn với ngành thuế là giải quyết khiếu nại, tố cáo, vướng mắc của  doanh nghiệp. Các vấn đề doanh nghiệp hỏi ít xử lý được trong 60 ngày (thời hạn phải trả lời), thậm chí mất tới 8 tháng. Để xảy ra điều này, có phần nguyên nhân Tổng cục Thuế không xác định được người làm và người chịu trách nhiệm, quy trình theo yêu cầu.

“Nhìn lại công việc của bộ đã thấy bộn bề, nhìn về thuế thấy quá bộn bề. Giờ ở đây có ai dám đứng lên xem lại 1 năm qua giải quyết được bao nhiêu khiếu nại, bao nhiêu trong đó giải quyết đúng hạn… nghe câu trả lời xong chắc truyền hình cho lên Táo quân cuối năm thật”, ông Tuấn nói”.

Như thời còn thu thuế nông nghiệp

Cùng với cải cách hành chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã giao thêm nhiệm vụ cơ cấu lại lực lượng, xây dựng lại bộ máy thuế các cấp - điều mà Tổng cục Thuế đã nợ 3 năm qua. Theo ông Tuấn, phải xây dựng tổ chức ngành thuế trên cơ sở điện tử hóa, theo chủ trương Chính phủ điện tử. Bộ máy ngành thuế hiện vẫn như thời kỳ đầu đổi mới, thời còn thu thuế nông nghiệp.

Như Cục Thuế Nam Định, sau một thời gian yêu cầu cắt giảm bộ máy, tới nay vẫn còn khoảng 700 người, quản lý khoảng 8.000 DN, thu hằng năm chỉ 3.000 tỷ đồng là cao; trong khi Cục Thuế Bình Dương chỉ 600 người, với 20.000 DN, thu hằng năm trên 20.000 tỷ đồng.

Về xử lý nợ đọng thuế, ông Tuấn đánh giá “cực kỳ bất cập, có những chuyện như đùa”, không phù hợp thực tiễn. Như có DN đã phá sản và quyết toán thuế, nhưng được chỉ đạo sát nhập vào DN khác, sau đó cơ quan thuế vào kiểm tra, và phát hiện nợ thuế của DN phá sản kia vẫn còn. Để giữ uy tín, DN mua lại đồng ý đứng ra trả nợ thuế, nhưng cán bộ thuế lại phát hiện số nợ đó đã 8 năm, tính ra 3,2 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp và lãi, DN lại bị buộc phải nộp. Thậm chí, có DN bị ngân sách nhà nước nợ tiền xây dựng cơ bản 10 tỷ đồng, dẫn tới họ nợ thuế, khi làm việc với cơ quan thuế DN xin được miễn thuế do gặp khó vì ngân sách nợ. Cơ quan thuế đồng ý cho miễn, nhưng chỉ miễn thuế với phần 10 tỷ đồng ngân sách nợ, số tiền phạt chậm nộp vẫn phải đóng đầy đủ.

Đáp lời, Tổng Cục trưởng Thuế Bùi Văn Nam tiếp thu những chỉ đạo của thứ trưởng, và hứa ngay sau hội nghị sẽ cụ thể hóa để thực hiện. “Tổng cục Thuế luôn quán triệt nhiệm vụ được giao để thực hiện, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, như hôm nay thứ trưởng đã chỉ đạo”, ông Nam nói.

Ông Nguyễn Đình Hoa, Cục trưởng Thuế tỉnh Nghệ An cho biết, hiện các thông báo thuế rất nhiều, như thông báo nợ thuế (đợt 1, 2), tiền sử dụng đất… nhưng theo quy định tất cả đều phải gửi bằng đường bưu điện, mất nhiều thời gian. Theo ông Hoa, Cục Thuế Nghệ An đã triển khai phần mềm gửi những thông báo đó bằng thư điện tử, không có cơ sở pháp lý. Vì vậy, cục thuế tỉnh này phải mời các DN tới ký cam kết đồng ý nhận thông báo qua email (thư điện tử), việc này rất thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí.

“Chúng tôi băn khoăn, không biết sau này nếu phải cưỡng chế thu hồi nợ thuế có thể gặp khó khăn không, vì giá trị pháp lý của thư điện tử chưa có văn bản nào quy định”, ông Hoa nói và kiến nghị lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có ý kiến tháo gỡ vướng mắc này.

MỚI - NÓNG