1. Kinh Bắc: Soạn thảo, sản xuất và mua bán CD, VCD, sách điện tử Trong điều lệ được thông qua tháng 6/2013, danh sách lĩnh vực kinh doanh của Kinh Bắc xuất hiện mục "Soạn thảo, sản xuất và mua bán CD-ROOM, sách điện tử, CD-VIDEO, CD-AUDIO, VCD", dù từ trước tới nay Kinh Bắc được biết đến chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng khu công nghiệp, nhà ở. Năm 2013, nhờ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng mạnh, Kinh Bắc đã ký được hợp đồng cho thuê đất, nhà xưởng với nhiều doanh nghiệp, đưa mức lãi lên hơn 80 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức lỗ hơn 480 tỷ đồng năm trước. Tuy nhiên, cổ phiếu công ty vẫn nằm trong diện cảnh báo từ tháng 4/2013.
2. Bất động sản Phát Đạt: Săn bắt, đánh bẫy Với mục tiêu là thành công trong lĩnh vực phát triển bất động sản, song trong điều lệ, Phát Đạt cho thấy doanh nghiệp còn muốn kinh doanh nhiều ngành nghề như khách sạn, bán lẻ, nông nghiệp. Cụ thể, công ty đăng ký chăn nuôi gia cầm, trồng cây ăn quả, cao su, cà phê, buôn bán tre nứa, gỗ cây… Đặc biệt, có ngành săn bắt, đánh bẫy và hoạt động dịch vụ liên quan. Đầu năm 2013, Phát Đạt đặt mục tiêu doanh thu 303 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 36 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm, Hội đồng Quản trị đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh giảm mạnh, về còn 40 tỷ đồng doanh thu và 3 tỷ đồng lợi nhuận. Với sự điều chỉnh ở phút cuối này, công ty đã hoàn thành kế hoạch doanh thu, thậm chí là vượt chỉ tiêu lợi nhuận khi đạt 3,9 tỷ đồng.
3. Hoàng Anh Gia Lai: Ca nhạc tạp kỹ Khởi nghiệp là một phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh, đến nay Hoàng Anh Gia Lai đã trở thành một tập đoàn đa ngành vốn điều lệ gần 7.200 tỷ đồng, kinh doanh từ bất động sản, cao su, mía đường, thủy điện đến bóng đá. Song, sẽ ít ai ngờ rằng, trong điều lệ của công ty thông qua tháng 4/2013, ca nhạc tạp kỹ cũng được ghi nhận là lĩnh vực kinh doanh. Năm 2013, Hoàng Anh Gia Lai đạt gần 950 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 2,5 lần so với năm trước. Trong đó, đóng góp nhiều nhất cho doanh thu là bán đường, xây dựng, bán căn hộ, mủ cao su…
4. Cơ điện lạnh REE: Nuôi cá cảnh Hiện đang có các công ty thành viên hoạt động trong lĩnh vực cơ điện lạnh, điện máy, bất động sản, nhưng doanh nghiệp do bà Nguyễn Thị Mai Thanh làm Chủ tịch kiêm Hội đồng Quản trị còn đăng ký kinh doanh nuôi trồng, mua bán các loại hoa, cây cảnh, cá cảnh. Năm 2013, REE lãi 975 tỷ đồng, vượt kế hoạch lợi nhuận do đại hội cổ đông thông qua. Với thành tích này, ban lãnh đạo công ty ngoài thù lao được nhận còn được thưởng 52 trên 52 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu ESOP với giá ưu đãi giảm 10% so với thị trường.
5. Kinh Đô: Rửa xe, mua bán thẻ internet, thẻ điện thoại Vốn là doanh nghiệp có truyền thống trong ngành sản xuất bánh kẹo, thực phẩm và bán lẻ, tuy nhiên điều lệ của Kinh Đô lại ghi nhận một lĩnh vực không liên quan là rửa xe, mua bán thẻ điện thoại. Năm qua, Kinh Đô đạt hơn 500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 40% so với năm trước. Trong đại hội cổ đông năm 2013, lãnh đạo công ty cho biết sẽ tung ra thị trường sản phẩm mì gói, song đến nay chưa thấy doanh nghiệp này công bố lộ trình và tên thương hiệu.
Tại hội thảo về sửa Luật Doanh nghiệp mới đây, ông Nguyễn Đình Cung - Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng nhiều doanh nghiệp đăng ký cả những ngành nghề không kinh doanh để dự phòng. Theo dõi trên sàn chứng khoán, một số ông lớn như Kinh Bắc, Hoàng Anh Gia Lai, Phát Đạt... trong điều lệ cũng ghi nhận những ngành nghề không liên quan đến ngành nghề chính, thậm chí chưa kinh doanh lĩnh vực đó.
Trước tình hình này, Cục Đăng ký kinh doanh khuyến nghị doanh nghiệp không nên đăng ký quá nhiều ngành nghề kinh doanh mà không hoạt động, bởi như vậy sẽ không xác định được lĩnh vực đầu tư chính cho doanh nghiệp và cơ quan nhà nước khó khăn trong việc quản lý và phân loại các chỉ tiêu kinh tế.
Trên đây là 5 doanh nghiệp nằm trong top 100 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Dữ liệu lĩnh vực kinh doanh được lấy từ Điều lệ công ty được cập nhật mới nhất trên website.
Theo Huyền Thư