Theo EVN, đến nay, các công ty điện lực, điện lực cấp quận huyện được tổ chức và sắp xếp lại bộ máy quản lý kinh doanh điện năng để có đủ năng lực thực hiện hiệu quả các dịch vụ về điện của khách hàng trên địa bàn. Cơ sở vật chất của các đơn vị được tăng cường đầu tư, trên 900 phòng giao dịch khách hàng tại các quận, huyện, được chỉnh trang với đầy đủ phương tiện làm việc, địa điểm thuận tiện với khách hàng. Tập đoàn cũng đưa vào áp dụng 14 chỉ tiêu về chất lượng dịch vụ khách hàng để theo dõi, đánh giá mức độ tiến bộ hàng năm, kết quả đến nay các đơn vị thực hiện đạt từ 96-98%.
Kết quả cho thấy, các chỉ tiêu về dịch vụ khách hàng thực hiện năm sau đều tốt hơn năm trước. Việc cải cách thủ tục hành chính trong giao dịch được đẩy mạnh, rút ngắn thời gian giải quyết cấp điện mới cho khách hàng sinh hoạt khu vực thành phố, thị xã, thị trấn là 2,11 ngày, khu vực nông thôn là 2,55 ngày, khách hàng ngoài sinh hoạt là 3,13 ngày.
Đặc biệt, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đã có bước đột phá. Theo đánh giá của Doing Business, năm 2015 chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng 22 bậc (từ vị trí 130 năm 2014 lên vị trí 108/189 quốc gia) và là chỉ số có mức độ cải thiện tốt nhất trong các chỉ số đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Số ngày làm thủ tục cấp điện trung áp giảm từ 115 ngày xuống còn 59 ngày, trong đó số ngày thực hiện của Điện lực giảm từ 38 ngày xuống còn 14 ngày. Tháng 9/2015, EVN đã ban hành Quyết định số 832/QĐ-EVN về việc sửa đổi bổ sung Bộ Quy trình kinh doanh điện năng theo đó quy định thời gian giải quyết các công việc của Điện lực rút xuống còn không quá 10 ngày.
Bên cạnh việc thực hiện các cải cách về thủ tục, mức độ hài lòng của khách hàng đối với các dịch vụ của EVN được nâng cao hàng năm. Từ năm 2013, Tập đoàn tiến hành điều tra lấy ý kiến khách hàng thông qua các tổ chức tư vấn độc lập, để khách hàng chấm điểm chất lượng công tác kinh doanh điện và dịch vụ của điện lực. Sau 3 năm thực hiện, cán bộ nhân viên điện đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức, khắc phục các biểu hiện cửa quyền, xây dựng lề lối làm việc chuyên nghiệp. Khách hàng đánh giá tích cực sự chuyển biến rõ rệt trong cải tiến các thủ tục cung cấp điện và thái độ phục vụ của nhân viên Điện lực. Điểm bình quân mức độ hài lòng khách hàng sử dụng điện toàn EVN hàng năm đều tăng, trong đó năm 2013 là 6,45/10; năm 2014 là 6,9/10.
Tiếp tục giảm thời gian tiếp cận điện năng
Ngày 30/11/2016, Bộ Công Thương ban hành thông Thông tư 24 với bước “cải cách mạnh” khi loại bỏ thủ tục xác nhận sự phù hợp với quy hoạch đối với tất cả các quy mô công trình. Thông tư sẽ giúp cho thời gian thực hiện thủ tục tiếp cận điện năng giảm được 3 ngày đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và tổng thời gian thực hiện các bước đối với cơ quan quản lý nhà nước tối đa là 15 ngày, các đơn vị điện lực là 10 ngày. Điểm đáng chú ý trong Thông tư 24 là khách hàng, doanh nghiệp chỉ cần bổ sung, điều chỉnh trong Hợp phần Quy hoạch chi tiết phát triển lưới điện trung và hạ áp sau các trạm 110kV đối với các công trình đấu nối có tổng dung lượng từ 2.000 kVA trở lên. Với các công trình trạm biến áp trung áp có tổng dung lượng từ 2.000 kVA trở xuống.
Cũng theo quy định mới, thời hạn cho đơn vị phân phối điện thực hiện thỏa thuận và ký thỏa thuận đấu nối là 4 ngày làm việc (bỏ bước thỏa thuận thiết kế) và 6 ngày làm việc để thực hiện đóng điện chạy thử, nghiệm thu và đóng điện. Như vậy, thời gian tiếp cận điện năng theo Thông tư 24, thời gian thực hiện các thủ tục tiếp cận điện năng chỉ còn tối đa là 25 ngày (giảm được 3 ngày so với năm 2015 và 11 ngày so với năm 2014 tại Thông tư 33/2014/TT-BCT).
”Việc giảm thủ tục và rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng được coi là bước đột phá trong việc nâng cao môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đồng thời giúp tiếp tục cải thiện vị trí xếp hạng trong bảng chỉ số tiếp cận điện năng do Ngân hàng Thế giới công bố hàng năm”, Bộ Công Thương cho biết.
Theo báo cáo DB 2017 công bố vào tháng 10 năm 2016, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam xếp hạng thứ 96, đã được tăng 05 bậc so với 2015. Với các nỗ lực này, trong giai đoạn từ năm 2013-2016, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đã có các thay đổi đáng kể, từ xếp hạng 130 xuống còn 96 (cải thiện 34 bậc). Trong các chỉ số về môi trường kinh doanh khác của Việt Nam, chỉ số tiếp cận điện năng mặc dù chưa phải là chỉ số tốt nhất tuy nhiên trong giai đoạn 2013-2016 thì đây là chỉ số có sự cải thiện tốt nhất trong 10 chỉ số của Việt Nam.