Ngành đầu ra tốt vẫn khó tuyển sinh: Nghịch lý

0:00 / 0:00
0:00
Đông đảo thí sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh ngày 11/4. Ảnh: Nghiêm Huê
Đông đảo thí sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh ngày 11/4. Ảnh: Nghiêm Huê
TP - Nhiều ngành nghề cần cho sự phát triển, ổn định kinh tế - xã hội có đầu ra tốt cho sinh viên tốt nghiệp, nhưng vẫn loay hoay tìm thí sinh.

Thống kê của Bộ GD&ĐT năm 2020 cho thấy, 5 nhóm ngành có tỷ lệ nhập học thấp nhất (41,43 - 65,28%) gồm Khoa học tự nhiên, Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Dịch vụ xã hội, Khoa học sự sống, Môi trường và Bảo vệ môi trường. Năm 2019, 5 nhóm ngành này đều có tỷ lệ nhập học dưới 50%.

Bên cạnh một số ngành “hot”, trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) vẫn có một số ngành học gặp báo động đỏ về tuyển sinh đầu vào như Khoa học trái đất, Môi trường, Địa chất, Khí tượng thủy văn... Trường ĐH Giao thông vận tải có ngành kỹ thuật môi trường phục vụ công trình giao thông và phương tiện giao thông những năm gần đây chỉ tuyển được 75 - 80% so với chỉ tiêu.

Thống kê của Bộ GD&ĐT năm 2020 cho thấy, 5 nhóm ngành có tỷ lệ nhập học thấp nhất (41,43 - 65,28%) gồm Khoa học tự nhiên, Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Dịch vụ xã hội, Khoa học sự sống, Môi trường và Bảo vệ môi trường. Năm 2019, 5 nhóm ngành này đều có tỷ lệ nhập học dưới 50%.

Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) trong hai năm 2018 và 2019 không tuyển được sinh viên nào cho ngành Sư phạm khoa học tự nhiên. Năm 2020, ngành này tuyển được 4 sinh viên. Khoa Sinh của trường này có tỉ lệ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ rất cao cũng chỉ thu hút được 3 - 4 sinh viên. Dù xã hội đang chuyển đổi số rất mạnh mẽ, rất khát nhân lực phục vụ việc này, nhưng môn Sư phạm Tin học lại không thu hút được người học.

Nguyên nhân

Một trong những yếu tố quyết định lựa chọn nghề nghiệp của người học là thu nhập sau khi tốt nghiệp. Nhiều giảng viên các ngành khoa học cơ bản chia sẻ, cử nhân những ngành này ra trường lương thấp, khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, trong khi công nhân làm trong khu công nghiệp nước ngoài lương 8 triệu đồng/tháng. Một số ngành đặc thù như Lịch sử, Triết học... chỉ có thể làm trong cơ quan nhà nước, người học khó tiếp cận cơ hội xin việc nên số người theo học thấp.

Tuy nhiên, vẫn có những ngành ra trường lương tốt, nhưng lại ít người chọn. GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp, chia sẻ, trong tiềm thức của người học, nhắc đến lâm nghiệp là nghĩ đến khai thác rừng hay chế biến lâm sản. Rừng đã đóng cửa không còn gỗ để khai thác nên người học nghĩ học ra sẽ “ế”, nên ngành này rất khó tuyển sinh. Nhưng thực tế, ngành Chế biến gỗ công nghiệp hay Nội thất đang rất đắt hàng. Sinh viên chưa ra trường đã có các doanh nghiệp đến đặt chỗ, thu nhập không thấp.

GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, cho biết, với ngành Nông lâm, sinh viên ra trường có thể kiếm được ngay lương 20 triệu đồng/tháng, nhưng rất ít sinh viên theo. Theo ông, câu chuyện những ngành xã hội rất khát nhân lực nhưng lại tuyển sinh khó không đơn giản chỉ là tâm lý chọn ngành “hot” của thí sinh hay văn hóa tuyển sinh của các trường.

GS. Quang nhìn nhận, việc một số ngành xã hội cần nhưng rất khó tuyển sinh không nằm ở chỗ trường có quảng bá tốt, có học bổng thu hút người học hay không. Ông cho rằng, trong chiến lược nhân lực của quốc gia, rất cần dự báo của Nhà nước về nhu cầu thị trường sắp tới để từ đó khuyến khích xã hội tham gia; Nhà nước cũng cần đầu tư cho những ngành xã hội cần nhưng khó tuyển.

Trong những lần tư vấn chọn ngành, chọn trường cho thí sinh, PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Khoa Quản lý Giáo dục, trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), luôn khuyến cáo một trong những tiêu chí quan trọng để chọn ngành học là nghiên cứu thị trường lao động, trong đó cần dự báo 4 - 5 năm sau khi người học tốt nghiệp. Nếu không dựa trên cơ sở này, sau khi ra trường, sinh viên khó xin được việc đúng chuyên ngành hoặc phải làm trái ngành.

PGS. Hà cho rằng, thí sinh không nên chạy theo những ngành được cho là “hot”, với những tên gọi mỹ miều. Vì 4 - 5 năm sau khi sinh viên ra trường, có thể ngành đó đã bão hòa do có nhiều trường đào tạo và nhiều người theo học. Khi đó, cơ hội việc làm sẽ hạn chế, thậm chí các em khó có thể xin được việc làm tốt, thu nhập cao.

“Nhiều ngành truyền thống, thậm chí có những ngành không phải là thời thượng nhưng rất khát nhân lực. Tại sao các em không tìm hiểu để có thể lựa chọn theo học, vừa phù hợp với sở thích, sở trường, điều kiện gia đình, vừa có cơ hội việc làm tốt sau này?”, ông Hà trăn trở. Ông cũng khuyến nghị thí sinh cần nghiên cứu thông tin của các cơ quan chức năng về thị trường lao động, cũng như dự báo nhu cầu nguồn nhân lực.

Ngày hội Tư vấn tuyển sinh diễn ra cuối tuần qua tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã thu hút hơn 15.000 thí sinh tham dự. Quan sát thực tế tại đây cho thấy, những ngành thí sinh quan tâm nhiều nhất là những ngành liên quan kinh tế, công nghệ. Các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, nông - lâm nghiệp có rất ít thí sinh quan tâm.

MỚI - NÓNG