“Ngành BHXH tiếp tục nâng cao hơn nữa đạo đức công vụ”

TP - Đấy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành BHXH trong những tháng cuối năm 2018 được Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành BHXH về kết quả công tác 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2018.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đánh giá, việc tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN lần thứ 35 (ASSA35) là kết quả từ sự nỗ lực chung của toàn ngành. Đặc biệt, công cuộc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần đưa ngành bước đầu bắt nhịp được với “dòng chảy” của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; nắm bắt kịp thời xu hướng chuyển dịch lao động; chuyển đổi tác phong, thái độ phục vụ người tham gia.
Theo bà Minh, tại Hội nghị ASSA 35 lần này, BHXH Việt Nam đã cùng các tổ chức thành viên ASSA ký kết Tuyên bố chung Nha Trang 2018. Trong đó, các thành viên ASSA cam kết đổi mới quy trình quản lý, triển khai chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và cung cách phục vụ người tham gia theo kịp tiến trình phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Từng cán bộ công nhân viên ngành BHXH phải tiếp tục quyết tâm, nỗ lực thay đổi cung cách, tác phong, thái độ làm việc; nâng cao chất lượng tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, trên tinh thần lấy người tham gialàm trung tâm. Gắn với việc áp dụng, vận hành các phương pháp điều hành quản lý chính sách một cách bài bản, khoa học; tận dụng cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại và mang đậm dấu ấn của cuộc cách mạng số này”, bà Minh nói.
Người đứng đầu BHXH Việt Nam cũng lưu ý toàn ngành những vấn đề “nóng” cần phải quyết liệt vào cuộc xử lý. Đồng thời, bà Minh yêu cầu lãnh đạo BHXH các tỉnh thành dù khó khăn đến mấy cũng phải quyết tâm mở rộng đối tượng tham gia BHXH; giảm tỉ lệ nợ đọng xuống mức thấp nhất; nhất quán trong công lãnh đạo, chỉ đạo. Đặc biệt, Giám đốc BHXH các tỉnh thành cần chủ động phối hợp với ngành Y tế kiến nghị những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chính sách với lãnh đạo tỉnh; quan tâm hơn nữa công tác chi trả các quỹ ngắn hạn. “Một trong những nguyên tắc thực hiện tốt nhiệm vụ, đó là vừa hợp tác, vừa đấu tranh để quản lý tốt nguồn quỹ BHYT”, bà Minh lưu ý.

Trong 3 tháng cuối năm, ngành BHXH quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâmnhư: Mở rộng đối tượng tham gia; tăng cường công tác thanh tra chuyên ngànhnhằm giảm nợ đọng BHXH; đảm bảo phục vụ người tham gia chu đáo, kịp thời; quảnlý sử dụng hiệu quả quỹ BHXH, BHYT; phấn đấu hơn nữa trong cái cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hoàn thiện mục tiêu “xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”.

Nhiều mục tiêu đạt kết quả cao
Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh cho biết, hết quý III/2018, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp phát triển đối tượng tham gia, giảm nợ đọng BHXH, BHYT; thực hiện tốt việc giải quyết các chế độ BHXH, BHYT cho người tham gia; quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT hiệu quả, tiết kiệm; tiếp tục mở rộng hợptác quốc tế, từng bước hiện đại hoá hệ thống quản lý…
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2018 cả nước có 14,31 triệu người tham gia BHXH. Trong đó có 14,06 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 247.000 người tham gia BHXH tự nguyện; 12 triệu người tham gia BH thất nghiệp và 82,3 triệu người tham gia BHYT - đạt tỷ lệ bao phủ 87,6% dân số (vượt chỉ tiêu Chính phủ giao). Toàn ngành đã bàn giao sổ BHXH cho người lao động đạt 99,58%; đã giải quyết cho 93.812 người hưởng BHXH hàng tháng và 620.821 người hưởng trợ cấp 1 lần(534.038 người hưởng BHXH 1 lần); chi trả chi phí khám chữa bệnh cho 131,4 triệu lượt người với số tiền 72.798 tỷ đồng…
Theo ông Sinh, hoạt động cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức chuyên ngành trong, ngoài nước đánh giá cao. Đặc biệt, qua giám sát của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam tại 10 tỉnh thành phố cũng ghi nhận những kết quả tích cực về cải cách thủ tục hành chính của ngành…
Tuy nhiên, BHXH Việt Nam cũng nhìn nhận một số hạn chế thời gian qua, như: Tình trạng bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT còn xảy ra ở nhiều địa phương; còn nhiều người lao động chưa được chủ sử dụng đăng ký tham gia BHXH, BHYT; tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện còn thấp; còn nhiều người dân chưa tham gia BHYT hộ gia đình.Qua thanh kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm về BHXH tại các đơn vị sử dụng lao động…
Lãnh đạo BHXH một số địa phương cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, như: Công tác phối hợp giữa cơ quan BHXH và các sở,ngành liên quan còn hạn chế; việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện còn thấp; vẫn diễn ra tình trạng trốn đóng, nợ đóng, đóng không đủ số lượng và mức đóng; công tác giám định BHYT còn bất cập… Đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Trong 9 tháng đầu năm, qua thanh kiểm tra, toàn ngành BHXH đã phát hiện 24.589 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH nhưng chưa tham gia, hoặc đóng thiếu thời gian, với số tiền phải truy đóng 53,5 tỷ đồng; 30.631 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 34,4 tỷ đồng. Tổng số tiền các đơn vị được thanh kiểm tra nợ lên tới 1.575 tỷ đồng; số tiền nợ sau thanh tra kiểm tra còn 752,2 tỷ đồng.