Ngang qua, Lỗ Tấn

Trước bảo tàng Lỗ Tấn tại Thượng Hải
Trước bảo tàng Lỗ Tấn tại Thượng Hải
TP - Ngồi nhớ lại từng tiếng cót két khe khẽ dưới chân khi bước lên những bậc thang gỗ cũ kỹ trong ngôi nhà Lỗ Tấn (Chu Thụ Nhân). Tại số 9 ngõ 132 Shanyin, quận Hồng Khẩu, Thượng Hải. Căn hộ nhỏ mà văn hào vĩ đại bậc nhất Trung Quốc sống 3 năm cuối đời (1933-1936), cùng người vợ Hứa Quảng Bình và đứa con trai duy nhất Chu Hải Anh.

Lỗ Tấn sinh Hải Anh tại Thượng Hải khi đã 48 tuổi (năm 1929). Và ông qua đời khi cậu bé mới lên 7. Không gian 3 tầng gác đầy ắp những hình ảnh, kỷ vật cũ kỹ của một gia đình với hạnh phúc riêng tư đến rất muộn mằn... 

Trên đầu cái tủ nhỏ gần giường ngủ nơi tầng 2 của nhà văn là chiếc đồng hồ hình tròn ba chân mạ đồng cũ kỹ. Đã 82 năm qua, hai kim phút và kim giờ vẫn im lìm một chỗ, cùng chúc xuống gần như trùng khít lên nhau chỉ vào con số 5. Đánh dấu thời khắc 5h25’ sáng. Gần cửa sổ nơi bàn viết treo cuốn lịch, tháng ngày cũng dừng lại ở trang 19 tháng 10 năm 1936 nhằm vào thứ Hai. Là thời khắc, thời gian văn hào Lỗ Tấn trút hơi thở cuối cùng trên chiếc giường sắt sơn màu đen trải drap trắng, trên đó mọi tư thế của chăn gối ngày ấy giờ ấy vẫn được giữa nguyên mà tôi đang đứng cách mấy bước chân đây. “Chờ tôi thành bụi, sẽ thấy được tôi mỉm cười!”. Trong những tản văn mang dáng dấp thơ văn xuôi thấm đẫm hư vô, ảm đạm và hoài nghi một cách kỳ lạ và hiếm hoi của Lỗ Tấn mang cái tên chung “Cỏ dại”, tôi đọc được câu ấy.

Lúc nãy ở Bảo tàng mang tên Lỗ Tấn tọa lạc nơi công viên Lỗ Tấn cách căn nhà này chừng dăm phút đi bộ, tôi bất chợt lặng người khi nhìn qua ô kính bắt gặp khuôn mặt như đang thiếp ngủ của tác giả “Gào thét”. Một “Death mask” thạch cao, với lời chú bên dưới: “Ngày Lỗ Tấn qua đời, Okuda Koka, một người bạn Nhật Bản đã đúc thạch cao của khuôn mặt của Lỗ Tấn, trên đó bị mắc lại 20 sợi râu và đôi lông mày của ông. Đó là tất cả những gì còn lại của Lỗ Tấn bây giờ”. Bộ ria đầy cốt cách hình chữ “nhất” lệ thư đen đậm như nét mực Tàu vốn tốn rất nhiều giấy mực tranh cãi suốt thế kỷ qua.

Cố cư của Lỗ Tấn là căn hộ được đánh số 9 nhìn về hướng Nam trong ngõ 132 đường Shanyin quận Hồng Khẩu trung tâm thành phố Thượng Hải xa xưa từng là tô giới thuộc Anh. Nói gần sát, bởi căn hộ số 10 mới thực nằm trong cùng, từ lâu đã được trưng dụng để phụ với căn số 9 tạo thành cụm lưu niệm phục vụ du khách viếng thăm nơi ở những năm cuối đời của văn hào Lỗ Tấn.

Đó là khu nhà tập thể vẫn được gọi bằng cái tên “Continental Terrace” do người Anh xây dựng từ đầu thế kỷ 20 theo lối đơn nguyên, hai dãy đối diện nhau cách một khoảng lối đi, tường phủ toàn gạch trần màu đỏ, lợp ngói, mỗi căn gồm 3 tầng. Lúc tới nhà Lỗ Tấn, tôi đi ngang qua căn hộ của Mao Thuẫn, nhà số 6, giờ là “Smart Museum” dành cho ông. Tấm biển trước cổng ghi “Mao Thuẫn (1896-1981) – nhà văn, nhà phê bình và nhà hoạt động xã hội đã sống tại đây từ tháng 5/1946 đến tháng 11/1947”. Tất nhiên hai nhà văn lớn sinh thời không thể là hàng xóm của nhau, vì Lỗ Tấn đã rời cõi từ 10 năm trước khi Mao Thuẫn dọn nhà đến đây. Nhưng ngoài đời những tháng năm gian nan tranh đấu cả hai là bạn chí cốt, đồng chí hướng. Hai giải thưởng văn chương lớn nhất của Trung Quốc giờ đây mang tên hai ông.

Chiếc bàn viết của “người khổng lồ” văn chương Trung Quốc không nghĩ lại nhỏ nhắn đến lạ lùng, cùng chiếc ghế mây lưng tròn có thể xoay được. Trên bàn đơn giản vài thứ như lọ đựng mấy chiếc bút lông, cái đèn bàn, tách uống trà… Nhớ lại, những di cảo, di bút của Lỗ Tấn lưu tại Bảo tàng mà tôi vừa thăm chỉ thấy toàn những bản viết tay bằng bút lông, không dùng máy chữ. Ô cửa sổ trước bàn viết này của nhà văn nếu mở ra, chắc sẽ chỉ thấy cảnh trí đơn điệu mặt tầng hai của căn nhà đối diện. Lỗ Tấn ngày ấy nhìn thấy gì, khi từ nơi này ngồi viết “Chuyện cũ viết lại”, viết những tạp văn, những bài luận chiến nảy lửa về thời cuộc chính trị và văn chương, lại vừa biên dịch, hiệu đính những tác phẩm lớn tổng kết, đề cao văn hóa Trung Hoa? Thời điểm này văn hào mới bước qua tuổi năm mươi cơ thể còn tráng kiện, tư tưởng tinh anh, sức bút tung hoành, chỉ đến khi mấy tháng cuối đời căn bệnh xảy đến đột ngột cướp ông đi. Đó cũng là những tháng năm đầy cam go mà sự an nguy của gia đình cũng như chính mạng sống của Lỗ Tấn bị đe dọa với những mưu toan bức hại, ám toán từ những thế lực phản động Tưởng Giới Thạch, chống lại tiếng nói và sự công kích mạnh mẽ, đanh thép của nhà văn.

Nên không phải ngẫu nhiên trong hàng chục Bảo tàng và cố cư (nhà cũ) của Lỗ Tấn hiện có khắp nước Trung Hoa, thì chính tại Thượng Hải này được đánh giá là đặc biệt với tầm mức đồ sộ nhất với trọn vẹn các trước tác, bản thảo gốc, tư liệu, di vật… Nghe kể căn hộ rộng 78m2 này vốn được chọn làm Bảo tàng Lỗ Tấn kể từ tháng 1/1951. Nhưng về sau lượng khách quá đông, nên từ năm 1999, nhà nước quyết định mở Bảo tàng và công viên mang tên ông cách đó không xa.

Một khuôn viên rộng cả chục ngàn mét vuông yên tĩnh. Buổi sáng cuối thu chớm đông khi tôi tới, công viên Lỗ Tấn rợp bóng cây ngô đồng, long não, ngân hạnh đang mùa thay lá. Những người già mở nhạc tập dưỡng sinh, khiêu vũ, cha mẹ trẻ đưa con nhỏ đi dạo chơi, ngồi sưởi nắng nơi bãi cỏ… Vào sâu bên trong là tòa nhà hai tầng xây theo lối đình viện rộng tới gần 5 ngàn mét vuông. Thông tin của Bảo tàng, tính đến nay tại đấy đã tổ chức tới hơn 80.000 cuộc triển lãm, trưng bày không chỉ toàn bộ bản thảo gốc, đầy đủ các trước tác Lỗ Tấn được in bằng mọi thứ ngôn ngữ suốt gần thế kỷ qua, toàn bộ di vật, kỷ vật về văn hào, mà còn là vô số các tác phẩm mọi loại hình liên quan đến hoạt động nghệ thuật sôi nổi của Lỗ Tấn. Có đến hơn 1.500 bức tranh của mọi họa sĩ nổi tiếng cảm hứng sáng tác từ các nhân vật trong tác phẩm Lỗ Tấn. Nơi đây còn lưu trữ hơn 7.000 bức tranh khắc gỗ do Lỗ Tấn thu thập, mà như Phan Khôi từ năm 1965 từng đánh giá: “Ngoài sự đấu tranh về văn học, Lỗ Tấn còn đấu tranh về nghệ thuật nữa. Trong những tập tạp văn của ông có nhiều bài nói về hội họa, về khắc gỗ. Nhất là về khắc gỗ, ông chú ý đặc biệt, săn sóc đặc biệt. Trong Lỗ Tấn thư giản có một số đông nghệ sĩ khắc gỗ thư từ đi lại với ông. Có thể nói, Lỗ Tấn là người phục hưng cái bộ môn nghệ thuật này ở Trung Quốc về cận đại”.

Chưa hết, Lỗ Tấn còn là người khởi xướng, tiên phong nghiên cứu, sưu tập tranh “Hán thạch” nổi tiếng. Tranh Hán đá là tranh được dập khuôn bằng đá, là hình ảnh thu nhỏ toàn bộ đời sống dân gian của triều đại Hán. Thông qua các điển tích lịch sử, như “Xa mã xuất hành”, “Lạc Vũ Bách hí”, “Thần tiên thần thú”… Trong đời mình, Lỗ Tấn đã sưu tập được hơn 6.000 bản dập qua các thời đại, trong đó “Tranh Hán đá” chiếm hơn 600 bản. Các bản tranh đá, tượng đá bao gồm 155 kiện, trong đó có 37 kiện do chính tay Lỗ Tấn sưu tập, nghiên cứu và các bản thảo của ông và nhiều đồ vật khác lần đầu tiên được triển lãm công khai ngay tại Bảo tàng Lỗ Tấn Thượng Hải với tên gọi “Hán Thạch Mạc Vận - Lỗ Tấn”, cũng như nhiều nơi khác.

Bước lên tầng hai của Bảo tàng, đập vào mắt khách là cặp phù điêu khổng lồ phủ kín bức tường đối diện, hắt lên ánh sáng màu vàng cam nóng rẫy. Bức bên phải là cảnh một người đàn ông trần trụi gân guốc bị bịt mắt, thân thể và đôi tay bị trói ghì, miệng ngước lên gầm thét. Người sáng tạo ra tác phẩm kinh điển của lịch sử nghệ thuật hiện đại Trung Quốc mang tên “Roar, China!” ấy là Lý Hòa (Li Hua 1907-1994), từ những ngày đầu học tranh khắc gỗ được chính Lỗ Tấn dìu dắt, đã coi nhà văn như người thầy lớn về tư tưởng trong suốt sự nghiệp lừng lẫy sau này. Phù điêu bên trái chính là tranh bìa của tập truyện ngắn “Gào thét” được đánh giá là tác phẩm hay nhất thế kỷ 20 tại Trung Quốc. Trái ngược với “Roar, China!” là hình ảnh khá hờ hững, buồn tẻ với cảnh mấy người ngồi trên chiếc ghế trước mặt trời màu xanh được vẽ theo lối hình học cũng không kém phần “đơn điệu”. Thế nhưng tác giả của nó – họa sĩ Đào Viễn Thanh (Tao Yuangqing, 1893-1929) lập tức lọt vào mắt xanh của Lỗ Tấn. Và không chỉ bìa của “Gào thét”, mà hầu hết những tác phẩm lớn buổi đầu của Lỗ Tấn đều do họa sĩ tài năng, qua đời khi mới 36 tuổi này vẽ. Với sức hút và ảnh hưởng của Lỗ Tấn, chàng đã trở thành bậc thầy của thiết kế đồ họa Trung Quốc.

Không chỉ là người khổng lồ về văn chương, Lỗ Tấn quan trọng hơn chính là nguồn cảm hứng cho các thế hệ nghệ sĩ đất nước mình.

Ngang qua, Lỗ Tấn ảnh 1

Đồng hồ lưu lại thời điểm 5.25 am khi Lỗ Tấn qua đời

Ngang qua, Lỗ Tấn ảnh 2

Học sinh Trung Quốc tại bảo tàng Lỗ Tấn Thượng Hải

Rồi vẫn chỉ muốn ngồi thật lâu tại căn nhà nhỏ của Lỗ Tấn trong khu tập thể có tuổi đời hơn trăm năm này. Nơi sóng gió thời đại và cả nỗi niềm đời sống quét qua tâm can và ngòi bút nhà văn. Muốn lắng nghe từng tiếng cót két khẽ vang dưới bàn chân khi bước lên những bậc thang gỗ cũ kỹ trong ngôi nhà Lỗ Tấn. Nhìn lại cái kệ sách, chiếc máy hát quay tay bằng gỗ nhà văn lớn mua cho con trai nhỏ Hải Anh, bộ bàn ghế nhỏ, tập vở cũng của Hải Anh… Rồi cái chạn đựng bát đĩa, bộ bàn ăn, những bức tranh. Dấu vết thanh đạm của một cuộc sống nghèo, tằn tiện. Sực nhớ trừ căn nhà nhỏ Lỗ Tấn mua được năm 1924 ở Phụ Thành môn (Bắc Kinh) và cũng ở đó chỉ trong 2 năm, còn lại cả cuộc đời Lỗ Tấn đều ở nhà thuê.

Nghe như từng góc nhỏ bụi mờ này còn vọng lại những cơn ho của tác giả thiên truyện ngắn lẫy lừng mang tên “Thuốc”. Lỗ Tấn qua đời khi mới 55 tuổi vì căn bệnh lao.

Bệnh lao cũng cũng đã cướp đi thằng Thuyên - đứa con độc đinh 10 đời của vợ chồng lão Hoa Thuyên trong truyện “Thuốc”. Dù thằng bé đã được bố mẹ cho ăn chiếc bánh bao thấm đẫm máu tử tù đỏ tươi còn nhỏ giọt vừa bị chém mua được từ viên đao phủ. Một vị “thuốc” mà dân gian Trung Quốc xa xưa tương truyền là có thể trị được bệnh lao. Chiếc bánh bao ngập máu ấy được vợ chồng lão Hoa Thuyên gói vào chiếc lá sen già, rồi vùi vào bếp lửa, bốc lên “Một mùi thơm quái lạ tràn ngập cả quán trà”. Chiếc bánh bao trở thành vật tròn tròn, đen thui.

Nhưng cuối cùng thứ “y thuật” rùng rợn ấy không cứu nổi thằng bé. Cũng như không phương thuốc nào cứu sống nổi Lỗ Tấn. Người suốt đời bằng tác phẩm của mình chạy chữa căn bệnh mê sảng tinh thần cho đồng bào của mình. Những con người bất hạnh, những thân phận cùng khổ, bé mọn vật chất và tinh thần, giày vò từ miếng cơm manh áo cho đến sự hối thúc, vật vã vượt thoát nỗi u mê, ngờ nghệch của lương tri.

Nhà văn thường ít khi tự cứu được chính mình. Nhưng thuốc đắng văn chương của nhà văn có thể cứu được nhân loại.

Vậy nhưng từ chục năm trước, “Thuốc”, “AQ chính truyện”, “Tưởng nhớ Lưu Hòa Trân” - 3 trong số 5 tác phẩm của Lỗ Tấn đã bị gỡ bỏ khỏi sách giáo khoa. Vì “không còn liên quan gì đến xã hội hiện đại” như nhận xét của những vị chủ biên. Không khác một chút nào với việc mới đây Việt Nam đòi bỏ “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao ra khỏi sách học trong nhà trường

Có phải nỗi u mê đau đớn, những thân phận bé mọn, những thứ tội ác ngờ nghệch đã biến mất khỏi đời sống hiện đại? Có phải những liều “thuốc” văn chương, như của Lỗ Tấn, Nam Cao, Dostoevsky, Kafka,… đã hết “date”?

Tất cả rồi sẽ qua. Nhung ở chốn này, nơi nơi đều chạm mắt vào gương mặt rậm đen hàng ria chữ “nhất”, uy nghi và kiêu bạc…

Thượng Hải, 11/2018

MỚI - NÓNG
Nữ sinh Bình Dương đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em 2024
Nữ sinh Bình Dương đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em 2024
TPO - Nguyễn Ngọc Mai An, học sinh lớp 9A2, trường THCS Mỹ Phước (TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương) là một trong những đại biểu đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, năm 2024, với 8 năm liền đạt danh hiệu học sinh xuất sắc; tích cực tham gia các hoạt động Đội, đồng thời là MC học đường và đạt nhiều thành tích các cuộc thi về Tin học, sáng tạo.
Nghị sĩ Hungary Elod Novak phát biểu với báo chí địa phương trước ngôi nhà nơi hãng BAC Consulting KFT đăng ký làm trụ sở, ngày 18/9. (Ảnh: AP)
Nguồn gốc bí ẩn của hàng nghìn máy nhắn tin gắn thuốc nổ ở Li-băng
TPO - Vụ đánh bom bằng máy nhắn tin dường như là hoạt động phức tạp đã được chuẩn bị trong nhiều tháng. Nhiều chuyên gia tin rằng Israel đã xâm nhập vào chuỗi cung ứng và gắn thuốc nổ vào hàng trăm máy nhắn tin trước khi chúng được nhập khẩu vào Li-băng, nhưng đến nay vẫn chưa ai biết họ làm bằng cách nào.