> Nóng bỏng những nẻo đường nhập lậu
Những tay đua thuốc lá
Chúng tôi đến thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) vào giữa trưa, vừa chạy xe qua cầu Tô Châu chừng 1 km, bỗng nghe tiếng gầm rú của xe máy phân khối lớn. Chưa kịp dạt vào lề đường thì một đoàn xe máy khoảng 10 chiếc với những bao tải chất trước, buộc sau phóng vèo vèo qua mặt.
Những người điều khiển xe mặc áo dài tay, bịt kín mặt chạy vun vút như những tay đua. Người đi đường ở Hà Tiên khi nghe tiếng gầm rú của xe máy từ xa đã vội vàng nép vào lề đường.
Một cán bộ ngành Hải quan lắc đầu nói: “Đội quân buôn lậu thuốc lá đấy, chúng thường hoạt động khoảng thời gian giữa trưa. Thuốc lá được tập kết ở bên kia biên giới, buộc sẵn lên xe máy, chờ đến khoảng giữa trưa, lên xe phóng bạt mạng. Đội quân này có một hệ thống vệ tinh đi trước nắm tình hình và sẵn sàng chống người thi hành công vụ. Đã có trường hợp gây tai nạn cả với công an giao thông”.
Thiếu tá Ngô Khánh Lòng, Đội phòng ngừa đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ (Công an tỉnh Kiên Giang), cho biết: Hàng lậu từ Campuchia đổ về đủ các loại như: thuốc lá, rượu ngoại, thịt thú rừng, gỗ, xăng dầu, mỹ phẩm… Không chỉ đi bằng đường bộ, buôn lậu còn hoạt động mạnh trên đường biển và đường sông.
Hàng lậu, chủ yếu là thuốc lá, rượu, được vận chuyển từ Campuchia qua vùng biển Hà Tiên bằng ghe thuyền công suất lớn chạy ban đêm. Khi vào đến khu vực thủy nội địa tỉnh Kiên Giang thì liên lạc bằng điện thoại để trên bộ biết, chọn địa điểm an toàn nhận hàng. Cửa sông Ba Hòn (Kiên Lương) và Kinh 9 (Hòn Đất) là địa điểm dân buôn lậu thường đổ bộ.
Nếu biển lặng, hàng lậu sẽ được vận chuyển thẳng tới cảng Tắc Cậu hay Xẻo Rô (Kiên Giang), sau đó đi tới các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Buôn lậu trên biển rất khó kiểm soát. Trong vụ buôn lậu gần 40 ngàn gói thuốc lá hiệu Hero và Jet trong đêm 16-12 vừa qua trên biển Hà Tiên, phải vất vả lắm ca nô của cảnh sát mới tiếp cận được đối tượng để bắt giữ. Công an đã khởi tố ba bị can trong vụ án này.
Ông Huỳnh Văn Thanh, Đội trưởng Đội kiểm soát phòng chống buôn lậu Hà Tiên, nói: Dân buôn lậu ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, lách luật. Hàng lậu vượt biên vào nội địa xảy ra ở muôn nẻo đường, đủ các phương tiện, từ núp bóng tàu đánh cá, đi theo xe tải hàng hóa đến xe du lịch…
Số lượng hàng lậu mỗi chuyến không nhiều, nhỏ lẻ, nhưng ngày đêm tuôn chảy nên thành ra lớn. Để lách luật, mỗi người chỉ vận chuyển thuốc lá 120 - 140 cây/chuyến; với số lượng này chỉ bị xử phạt hành chính.
Cái khó nữa là lực lượng chống buôn lậu quá mỏng, thiếu sự phối hợp giữa các ngành. Khi phát hiện xe chở hàng lậu, muốn chặn thì phải có sự hỗ trợ của CSGT, nhưng có khi chờ được lực lượng này tới thì bọn buôn lậu đã cao chạy
xa bay.
Bãi tập kết hoạt động gần như công khai
Tuyến biên giới tiếp giáp giữa An Giang và Campuchia luôn là điểm nóng về buôn lậu nhiều năm qua. Thời kỳ nóng về xăng dầu đã có nhiều trường hợp người bên này kênh Vĩnh Tế bơm xăng dầu và bên kia biên giới chỉ việc đong vào bình. Ngay cả liên lạc cũng có thể dùng chung với loại điện thoại "mẹ bồng con".
Theo lực lượng Hải quan An Giang, đường cát là mặt hàng được buôn lậu nhiều nhất từ vùng biên giới An Giang đổ về các tỉnh ĐBSCL trong dịp Tết này. Hai điểm buôn lậu đường cát được cho là nóng nhất diễn ra ở thị trấn Long Bình, xã Khánh An, Khánh Bình (huyện An Phú) và xã Vĩnh Ngươn (thị xã Châu Đốc).
Từ cầu Cồn Tiên về các xã vùng ven biên của huyện An Phú, xe chở đường cát chạy vù vù bất chấp luật giao thông, làm người đi đường khiếp sợ. Từ tuyến tỉnh lộ 956, đường cát lậu được chở xuống ven bờ sông Bình Di trung chuyển đi các nơi.
Trung bình, mỗi xe gắn máy chở từ 3 đến 5 bao đường cát, có nhiều bao còn nguyên những dòng chữ Thái Lan. Sau lưng dân vận chuyển hàng lậu có một lực lượng khá hùng hậu chuyên làm nhiệm vụ theo dõi và giám sát toàn bộ tuyến đường dài trên 30 km.
Chỉ cần một cú điện thoại là lập tức hàng lậu được tẩu tán vào nơi an toàn. Tại ấp Phước Quản, xã Đa Phước, huyện An Phú thường xuyên có một chiếc xe tải chực chờ ăn hàng sát mé sông. Bãi tập kết này hoạt động gần như công khai.
Trong khi đó, khu vực giữa sông Bình Di của xã Khánh An có nhiều ghe hạng nặng chở đường cát nằm ngụy trang bằng những tấm bạt nhựa phủ kín. Từ ấp Bắc Nam lên ấp Mương Vú (xã Bẹc Chạy, huyện Cỏ Thum, tỉnh Kandal, Campuchia) dài khoảng 4 km có nhiều ghe đường cát nằm rải rác để chờ đến khi nào thấy an toàn là tức tốc lên hàng.
Người dân địa phương cho biết, giáp Tết, những chiếc ghe này chở đủ các mặt hàng có xuất xứ từ Campuchia như đường cát nhãn hiệu Thái, gạo và một số nhu yếu phẩm khác. Thông thường, khi trời vừa nhá nhem tối, tất cả kiện hàng trên các ghe cả chục tấn này được bốc lên kho và hầu hết kho chứa và ghe chở hàng lậu tại khu vực này đều do một ông chủ ở Châu Đốc thao túng.
Tại xã Vĩnh Ngươn (thị xã Châu Đốc), nơi giáp ranh với đất bạn, cánh buôn lậu cũng vận chuyển đường cát bằng vỏ lãi (thuyền máy) loại lớn, diễn ra sôi động giữa ban ngày.