Ngang nhiên đổ bê tông, mương thoát nước để kinh doanh ở Hà Nội

Một số hộ dân ở xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm,thành phố Hà Nội) lấn chiếm, san lấp, xây kè mương thoát nước để sử dụng diện tích làm hàng quán kinh doanh.
Một số hộ dân ở xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm,thành phố Hà Nội) lấn chiếm, san lấp, xây kè mương thoát nước để sử dụng diện tích làm hàng quán kinh doanh.
TPO - Một số hộ dân ở xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm,thành phố Hà Nội) lấn chiếm, san lấp, xây kè mương thoát nước để sử dụng diện tích làm hàng quán kinh doanh khiến người dân bức xúc làm đơn phản ánh.

Ông Nguyễn Tuấn Tr. trú tại thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn có đơn phản ánh, đoạn mương thoát nước thuộc địa phận Đội 16, thôn Khoan Tế bị một số hộ dân tự ý san lấp, thu hẹp dòng chảy. Đoạn mương nằm giữa tuyến đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên, phục vụ tưới tiêu, thoát nước sinh hoạt cho toàn thôn. Tuyến mương này trước đây rộng khoảng 20m, nay bị thu hẹp còn 3 – 4m. Các hộ dân sử dụng diện tích lấn chiếm để phục kinh doanh hàng quán, rửa xe… ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

Ngang nhiên đổ bê tông, mương thoát nước để kinh doanh ở Hà Nội ảnh 1 Từ tháng 5/2019 đến nay, người dân nhiều lần phản ánh, làm đơn tố giác việc lấn chiếm mương thoát nước nhưng cơ quan chức năng giải quyết không dứt điểm.
Theo đơn phản ánh, việc san lấp, lấn chiếm của các hộ dân diễn ra công khai, trong một thời gian dài (từ năm 2014 - nay). Người có đơn cho biết, từ tháng 5/2019 đến nay, người dân nhiều lần phản ánh, làm đơn tố cáo nhưng cơ quan chức năng giải quyết không dứt điểm.

Tại Kết luận về nội dung này, Chủ tịch UBND xã Đa Tốn, ông Đỗ Văn Kiên cho rằng, việc cải tạo mương bê tông làm đường, kè mương, đậy nắp mương diễn ra trên diện tích đất công do UBND xã quản lý. Việc lấn chiếm không làm thay đổi mốc giới, ranh giới thửa đất, không mở rộng diện tích đất, không chiếm dụng mương làm tài sản riêng mà đã bàn giao cho xã làm tài sản phục vụ mục đích công cộng. 

Tuy nhiên, ông Kiên cũng cho hay, sau khi xã kết luận, Thanh tra huyện Gia Lâm cũng đã thanh tra và có kết luận. Cụ thể, trong kết luận ngày 20/1/2020 của Thanh tra huyện Gia Lâm cho rằng: Phản ánh của người dân về hành vi lấn chiếm đất công, chiếm dụng lòng đường, bó hẹp lòng chảy của mương thoát nước, ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt cộng đồng dân cư là "đúng một phần".

Ngang nhiên đổ bê tông, mương thoát nước để kinh doanh ở Hà Nội ảnh 2 Kết luận thanh tra của Thanh tra huyện Gia Lâm về hành vi lấn chiếm đất công, chiếm dụng lòng đường, bó hẹp lòng chảy của mương thoát nước, ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt cộng đồng dân cư là đúng một phần.

Theo Kết luận, từ đầu năm 2018 – 2019, các hộ dân sử dụng đất giáp đường giao thông liền kề mương thoát nước tự đóng góp kinh phí đầu tư đậy nắp mương để khắc phục ô nhiễm. Tuy nhiên, việc này không lập dự án đầu tư xây dựng là thực hiện chưa đúng quy định. Khi các hộ dân có đơn đề nghị, UBND xã Đa Tốn không hướng dẫn thủ tục, không có biện pháp xử lý theo đúng quy định.

Ngoài ra, Kết luận nêu, việc đổ bê tông tạo ngõ đi kết nối đường giao thông được thực hiện từ năm 2018 trên đất nông nghiệp. Mảnh đất có diện tích khoảng 80m2 của gia đình công Công (một trong những hộ dân lân chiếm bị tố giác - PV) là việc sử dụng đất sai mục đích, vi phạm Luật Đất đai, pháp luật về quản lý kết cấu công trình giao thông đường bộ.

Theo Kết luận này, để xảy ra những sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về các hộ dân và UBND xã Đa Tốn. Huyện Gia Lâm yêu cầu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, khảo sát hiện trạng để xử lý khôi phục hiện trạng ban đầu (nếu không phù hợp quy hoạch, không được cấp có thẩm quyền chấp thuận).

Trước đó, ngày 10/1, Báo Tiền Phong từng phản ánh trường hợp tương tự tại bờ sông Tô Lịch đoạn đầu cầu Giường (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín). Theo đó, người dân tại đây tự ý múc đất, kè lần dòng sông dựng nhà khung thép, lợp mái tôn rất kiên cố, có diện tích hàng trăm m2 nằm trên lòng sông. Khi đó, trả lời phóng viên, lãnh đạo xã Duyên Thái tuyên bố sẽ xử lý nghiêm. Tuy nhiên, đến nay các công trình này vẫn tồn tại. 

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.