Buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Đẩy lùi "tín dụng đen", tăng cường tín dụng chính thức" diễn ra ngày 24/12 |
Nhiều chiêu trò dụ dỗ
Cũng trong buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Đẩy lùi "tín dụng đen", tăng cường tín dụng chính thức" diễn ra ngày 24/12, Đại tá Hoàng Ngọc Bách, Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết có 2 lý do khiến các app "tín dụng đen" vẫn tồn tại nhiều trên không gian mạng với các chiêu trò PR, dụ dỗ người dân.
Đầu tiên là công tác kiểm định của những nhà sản xuất, quản lý ứng dụng trên nền tảng di động như Android hay IOS chưa thực sự chặt chẽ hoặc không có điều kiện để kiểm tra. Lý do thứ hai là nhu cầu của một bộ phận người dân, những người có nhu cầu về những khoản tiền nhỏ, dưới 10 triệu đồng để trang trải cuộc sống, như những người yếu thế, lao động, công nhân hay học sinh, sinh viên.
Một trong những điểm đáng chú ý của hình thức tín dụng đen là lãi suất và chi phí mà người đi vay phải chấp nhận. Đối tượng đi vay tín dụng đen thường là những người rất cần tiền, thường vay số tiền không lớn. Chính vì điều này khi họ đi vay ở các tổ chức tín dụng chính thống thì vướng nhiều thủ tục và thời gian có thể mất nhiều ngày.
Với loại hình tín dụng đen, thì người vay qua hình thức gián tiếp (qua ứng dụng - qua app), người vay và người cho vay không gặp nhau trực tiếp. Khi cho vay, các đối tượng cho vay đưa ra mức lãi suất không vượt qua luật, nhưng sau đó lại đưa ra nhiều loại phí khác nhau như phí duy trì app, phí tư vấn... mà nếu cộng dồn vào thì lãi suất có thể lên tới 2-3% một ngày.
Bà Đặng Thị Thanh Hồng - Phó trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN |
Bà Đặng Thị Thanh Hồng - Phó trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cũng cho biết, thực tế thời gian qua có rất nhiều hệ lụy và rủi ro nếu người dân tìm đến vay tín dụng đen. Người dân phải trả một mức lãi suất rất cao bao gồm cả lãi phạt cao gấp nhiều lần so với nợ gốc ban đầu. Thời gian qua có vụ việc người vay phải trả lãi suất lên tới 1.700%/năm.
Thủ đoạn của các đối tượng là lập những hợp đồng khống trong việc mua bán tài sản gây bất lợi cho "con nợ". Khi con nợ chưa trả theo đúng hẹn, các đối tượng dùng thủ đoạn nhắn tin đe dọa và phát tán hình ảnh bôi nhọ nhân phẩm. "Vì vậy người dân nếu tìm đến những tín dụng chính thức thay vì tín dụng đen thì sẽ không bị vướng vào những hệ lụy như trên", bà Hồng khuyến cáo.
Nhóm người lao động, công nhân, sinh viên là nhóm thường xuyên được các đối tượng cho vay hướng tới, vì đây là nhóm có khả năng tiếp cận vốn tín dụng chính thức thấp hơn so với các nhóm khác. Trong thời gian qua, phần lớn các vụ việc liên quan đến tín dụng đen thường nằm ở nhóm này. Trường hợp cá biệt có hành vi vi phạm từ người đi vay.
Cần nâng cao trách nhiệm người đi vay
Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự đưa ra một số khuyến nghị người đi vay, nhất là người có ý định vay từ tổ chức tín dụng không chính thống, đó là nên lường trước rủi ro về việc thông tin cá nhân có thể bị thu thập và sử dụng thông tin cá nhân bất hợp pháp, hoặc đối mặt với hành vi đe dọa, người thân có thể bị quấy rối. Người đi vay cần nâng cao trách nhiệm trong tìm hiểu thông tin về lãi suất khoản vay, hợp đồng hoặc người cho vay, góp phần bảo vệ bản thân và người thân tránh bẫy tín dụng đen.
Đáng lưu ý, nhiều app cho vay online hiện nay có nguồn gốc nước ngoài. Đại tá Hoàng Ngọc Bách cho biết có yếu tố nguy hiểm ở đây là, với doanh nghiệp nước ngoài, khi khách hàng đăng ký vay, dữ liệu cá nhân của họ có thể được lưu trữ ở nước ngoài, cơ quan chức năng Việt Nam rất khó kiểm soát, khó kiểm tra. Đôi khi thông tin bên cho vay là giả, dữ liệu khách hàng có nguy cơ bị lộ, lọt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Theo Đại tá Hoàng Ngọc Bách, cần có một số giải pháp cấp thiết để bảo vệ người dân tránh sa bẫy tín dụng đen. Về hành lang pháp lý, chúng ta cần kiện toàn đặc biệt là cho vay ngân hàng. Truyền thông cần tuyên truyền cho người dân về "bẫy tín dụng đen", khi đi vay phải tìm hiểu kỹ. Các công ty tài chính chính thức có cách tiếp cận với khách hàng nhiều hơn,...
Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối nguồn vốn, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC - FE CREDIT |
Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối nguồn vốn, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC - FE CREDIT đánh giá, ngành tài chính tiêu dùng phát triển trên thế giới từ lâu, nhưng ở Việt Nam còn mới mẻ. Theo ông Phúc, điều cần làm lúc này là hướng người có nhu cầu vay đến các tổ chức tín dụng chính thức, hoạt động theo quy định của pháp luật, có pháp nhân rõ ràng, chịu sự giám sát, điều chỉnh bởi các cơ quan nhà nước.
Theo ông Phúc, từ khi COVID-19 bùng phát, FE-CREDIT cũng như các tổ chức tài chính cho vay và các công ty tài chính tiêu dùng chính thức đã đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi, giảm bớt thủ tục cũng như giảm lãi suất để giúp đỡ người dân có thể tiếp cận. "Vấn đề hiện nay là chúng ta cần đảm bảo rằng, người dân có nhu cầu vay có thể chủ động tiếp cận với những tổ chức tín dụng chính thống, tránh xa "tín dụng đen"", ông Phúc nói.