Ngăn thương mại hóa thờ Mẫu

Chương trình hành động quốc gia sẽ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, ngăn chặn thương mại hóa di sản. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Chương trình hành động quốc gia sẽ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, ngăn chặn thương mại hóa di sản. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Tối 2/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu tại buổi lễ đón bằng của UNESCO ghi danh Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện Nhân loại Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, do UBND tỉnh Nam Định tổ chức tại Phủ Dầy.

Biến tướng lan rộng

Về đền Trần Nam Định ngày 2/4, chúng tôi thấy bên cạnh người đi lễ là các gia đình đặt lịch hầu đồng. Vài chục con ngựa lớn nhỏ, hình nhân bày khắp sân đền Thiên Trường. Cùng lúc đó đền Cố Trạch bên cạnh cũng dập dìu trong tiếng đàn tiếng hát văn hầu đồng, sân đền bày la liệt đồ mã như ngựa, voi và thuyền to ngang kích cỡ thật. Phủ Dầy mở hội từ 3/3 âm lịch cũng tấp nập các giá hầu đồng. 

Mối lo biến tướng hầu đồng-một trong số nghi thức của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu- được các nhà nghiên cứu cảnh báo từ lâu thậm chí trước khi hồ sơ được đệ trình lên UNESCO. Ngay sau thời điểm di sản được vinh danh sự biến tướng có dấu hiệu lan rộng hơn ở nhiều khía cạnh như đồng đua, đồng đú rồi những cách thực hành sai lệch cả từ phía thanh đồng lẫn nghệ nhân hát chầu văn. Sau giai đoạn cấm đoán, hầu đồng ngày càng sôi động nhưng nảy sinh sự lãng phí, tốn kém. Một gia đình làm đồ mã ở Thanh Hóa chuẩn bị vấn hầu cho gia đình từ Đà Nẵng ra bảo, bình thường cũng gần hai chục triệu tiền mã gồm ngựa, voi, hình nhân, có những gia đình đổ cả tiền trăm triệu chi riêng cho đồ mã chưa kể tới mâm lễ vật và tiền ban thưởng trong từng giá hầu. Một nhà nghiên cứu đưa ra khoe “được lộc” ở giá ông Hoàng Mười hẳn tờ 500 nghìn đồng, trong khi các giá khác chỉ vài nghìn lẻ hoặc vài chục nghìn đồng.

“Biến tướng là có thật, chúng tôi cũng rất buồn và đau lòng. Có những nhân vật trong các giá đồng truyền thống không hề có nhưng một số ông đồng bà đồng vẫn thêm vào. Rồi một số bài hát mới không phù hợp được đưa vào chầu văn gây phản cảm”, thanh đồng Trần Thị Huệ (con gái cụ Trần Thị Duyên, Thủ nhang phủ chính Tiên Hương, Phủ Dầy Nam Định) nói. Trước hiện trạng sắm mâm cao cỗ đầy và chi phí quá lớn cho các giá hầu, cụ Duyên nói: “Tôi rất phản đối chuyện đua nhau hầu đồng thậm chí đi vay mượn để hầu. Mấy chục năm ra phủ theo hầu Mẫu được như ngày nay tôi mừng lắm, lúc nào cũng giải thích cho các con nhang đệ tử tin theo Mẫu nhưng không được quá lên thành mê tín dị đoan”. Một thanh đồng ở Bắc Ninh có hơn bốn chục năm theo hầu bóng thánh cũng nói, đón bằng có niềm vui nhưng cũng buồn bởi nhân dịp vinh danh, không ít đồng thầy lợi dụng đạo Mẫu làm việc không đúng nghĩa.

Ngăn thương mại hóa thờ Mẫu ảnh 1

Tỉnh Nam Định đón bằng di sản UNESCO ghi danh Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Ảnh: N.K.

Ngăn chặn thương mại hóa

Đây là một trong số di sản hiếm hoi sau khi được công nhận không phải lo tới mai một, chỉ lo lệch chuẩn và bị thương mại hóa. Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện công bố chương trình hành động quốc gia đối với các cộng đồng thực hành tín ngưỡng trên cả nước. Bộ trưởng Thiện cũng cam kết hướng dẫn và đồng hành với địa phương thực hành di sản thực hiện chương trình này, các địa phương xây dựng đề án chi tiết và cụ thể hóa các nội dung của chương trình.

Năm nội dung của chương trình quốc gia: Tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu kiểm kê, tư liệu hóa di sản và các tập quán, nghi lễ lễ hội truyền thống gắn với di sản; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội. Tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản trong cộng đồng, khuyến khích những nghệ nhân hát văn cao tuổi truyền dạy những bản cổ cho thế hệ trẻ. Tôn vinh các cá nhân cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ thực hành truyền dạy bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục và hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội và làm sai lệch di sản, ngăn chặn, xử lý nghiêm việc lợi dụng thương mại hóa, hoặc các hiện tượng khác làm biến dạng giá trị di sản.

Phát biểu tại buổi lễ đón bằng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam coi đây là vinh dự của cộng đồng thực hành tín ngưỡng, đồng thời trân trọng đóng góp của các nghệ nhân góp phần thực hành tín ngưỡng. Khi tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh nghĩa là chúng ta thêm một di sản văn hóa vô giá của cha ông tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, bên cạnh niềm tự hào là trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị di sản để di sản không bị làm sai lệch, tầm thường hóa và thương mại hóa.

MỚI - NÓNG