Ngăn tẩu tán, hợp thức hóa tài sản tham nhũng

Thương vụ MobiFone mua AVG “đi vào lịch sử tư pháp”
Thương vụ MobiFone mua AVG “đi vào lịch sử tư pháp”
TP - Hôm nay (8/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Công tác phòng chống tham nhũng, thu hồi tài sản tiếp tục là vấn đề được cử tri ở nhiều địa phương quan tâm.

Về cuộc chiến chống tham nhũng, Ban Dân nguyện cho biết, cử tri đánh giá cao Quốc hội, Chính phủ thời gian qua đã quyết liệt trong phát hiện, xử lý tham nhũng, cán bộ vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc xử lý chưa đủ sức răn đe, việc bảo vệ người tố giác tội phạm, nhất là tố giác tội phạm tham nhũng còn chưa đảm bảo. Cử tri kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát các cơ quan thực thi pháp luật để giảm án oan, sai.

Trả lời cử tri, Ủy ban Tư pháp cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tiếp thu ý kiến cử tri, trong thời gian tới, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp và các cơ quan khác của Quốc hội sẽ tập trung giám sát việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, nhất là các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm nhằm bảo đảm xử lý nghiêm minh các hành vi này.

“Hoạt động giám sát sẽ làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, các cấp, các ngành, các địa phương đối với các hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống tham nhũng, trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với tội phạm tham nhũng, từ đó góp phần bảo đảm cho các hoạt động này tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, không làm oan sai người vô tội”, báo cáo nêu rõ.

Cử tri nhiều tỉnh, thành cũng đề nghị có các giải pháp hiệu quả hơn trong thu hồi tài sản sau tham nhũng. Việc này, Thanh tra Chính phủ cho rằng, các cơ quan chức năng đã nỗ lực, tập trung lực lượng, tăng cường phối hợp trong điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng; cùng với việc phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng...

Chặn lãng phí, tham nhũng

Ban Dân nguyện cũng cho biết, cử tri các tỉnh thành như Hà Nội, Tiền Giang, An Giang, Bắc Kạn... phản ánh một số dự án lớn về giao thông còn nhiều bất cập. Cụ thể, chất lượng đường cao tốc đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa hoàn thành đi vào khai thác đã sụt lún, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông...; hay dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm đưa vào sử dụng, phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư nhiều lần, gây lãng phí nguồn lực. Trước thực trạng trên, cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát chặt chẽ những công trình, dự án có sử dụng nguồn lực ngân sách lớn, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông, dự án đường cao tốc nhằm đảm bảo chất lượng và tránh gây thất thoát lãng phí.

Về vấn đề này, Ủy ban Tài chính Ngân sách, Ủy ban Kinh tế đã thông tin cụ thể đến cử tri. Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ, Bộ GTVT đã báo cáo về việc thực hiện chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, tình hình thực hiện các dự án đường sắt đô thị đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, chất vấn để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm. Đồng thời đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục quản lý chặt chẽ đầu tư công, nâng cao kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động đối với các chủ thể tham gia dự án nhằm khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Quốc hội sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát các dự án đầu tư công nói chung và các dự án quan trọng quốc gia nói riêng, góp phần tăng cường đầu tư hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công...

MỚI - NÓNG