Ngàn ngày đưa rùa về biển Cù Lao Chàm: Kỳ tích trên bãi Bấc

Trứng rùa đưa xuống các hố cát đào sâu khoảng 50cm Ảnh: Thanh Trần
Trứng rùa đưa xuống các hố cát đào sâu khoảng 50cm Ảnh: Thanh Trần
TP - Những con số 1.000km đường xa, 6 giờ vàng di chuyển trứng kể từ sau khi đẻ…là rào cản rất lớn, quyết định phần nhiều trứng có nở hay không. Hơn nửa tháng trời “nín thở” bên bãi Bấc chờ những tổ trứng vùi dưới cát, không ai dám chắc hành trình này sẽ đưa đến kết quả tốt đẹp. Cho đến một ngày….

Vỡ òa 

Trong khu vực ấp trứng, những tổ rùa được mọi người đào bằng tay không xuống độ sâu khoảng 50cm, to bằng cái bát. Phía ngoài, cán bộ kỹ thuật cặm cụi bật máy tính, lôi con chíp từ thùng trứng ra theo dõi nhiệt độ suốt cả quá trình di chuyển rồi ghi chép cẩn thận vào sổ. 
Hôm chúng tôi tới, toàn bộ số trứng đưa từ Côn Đảo về chia thành 6 tổ. Trước khi cho trứng xuống, họ rải một lớp cát từ trong thùng xuống đáy, nhẹ nhàng đặt từng quả cạnh nhau rồi lấp lại, tiếp tục sắp lớp khác lên. “Rùa làm sao mình làm y vậy.

Bình thường rùa đẻ khoảng 100 trứng/lần ở vùng cát cao ráo không bị thủy triều nhấn chìm. Lúc đẻ xong nó sẽ lấp hố, xóa dấu vết rồi bò qua nơi khác đào “hố gió” để đánh lừa kẻ thù, sau đó lấp lại mới rời đi”, ông Ngô Văn Hai (60 tuổi, nhân viên BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) vừa cặm cụi làm vừa giải thích.

Con chíp đo nhiệt độ cũng được vùi theo trứng để kiểm tra trong suốt quá trình ấp. Mỗi tổ ấp trứng được cắm một cây thông tin, ghi rõ số trứng, phương tiện vận chuyển, thời gian…Sau cả giờ đồng hồ hì hục trong ô cát rộng tầm 3m2, 250 quả trứng rùa đã được vào tổ. Ông Hai cùng mọi người kéo tấm lưới B40 quây kín, khóa chốt cẩn thận. Phía chòi canh, những người trẻ như anh Nguyễn Minh Toàn (27 tuổi) soạn bữa trưa bằng gói mì tôm.

“Từ hôm nay trở đi, anh em mình thay nhau ở đây, trực 24/24 để canh giữ các tổ rùa. Không cho người lạ tới, đuổi chim, chuột bén mảng vào khu vực ấp trứng. Nói tóm lại là như canh kho báu vậy đó”, Toàn dứt khoát.

Việc chọn độ tuổi trứng đưa về ấp đã được tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thực hiện để đảm bảo tỉ lệ nở cao. Nhưng suốt 18 ngày chờ những tổ trứng dưới lòng đất, ai cũng “nín thở”. Nếu qua thời gian trên mà trứng vẫn…hoàn trứng, thì công cuộc đưa rùa về lại Cù Lao Chàm coi như sụp đổ.

Ngàn ngày đưa rùa về biển Cù Lao Chàm: Kỳ tích trên bãi Bấc ảnh 1

Khu vực ấp trứng rùa nằm trên khu vực cao ráo, được rào chắn kỹ càng.  Ảnh: Thanh Trần

Một ngày cuối tháng 9/2017, từ khu vực ấp, những tổ trứng sụt cát xuống, bên dưới bỗng nhúc nhích, cựa quậy. Rồi từ miệng tổ, những chú rùa nối nhau bò lên. “Nở rồi! Nở thành công rồi! Rùa lên rồi!”, mọi người trong BQL Khu bảo tồn vỡ òa trong niềm vui khôn xiết. Những trứng nước từ Côn Đảo xa xôi đã nên hình hài trên bãi Bấc Cù Lao Chàm. Quả thật là kỳ tích! “Không ai quên được khoảnh khắc ấy. Giờ nhớ lại mình vẫn nguyên vẹn cảm xúc, đúng là mừng đến phát khóc luôn!”, đôi mắt anh Vũ ánh lên niềm hạnh phúc.

Ông Lê Xuân Ái cho hay, đến thời điểm này, có thể khẳng định Quảng Nam là địa phương đầu tiên đã vận dụng thực hiện phương pháp bảo tồn chuyển vị cho rùa biển thành công ở nước ta. 

Ngoài sức tưởng tượng

Khi đưa trứng về Cù Lao Chàm ấp, dù không được ai đồng tình, anh Vũ vẫn cương quyết làm với hy vọng nở ra vài quả để có thể trả lời “trứng vượt ngàn cây số có nở được hay không?”. 
Trong 6 tổ trứng ấp năm 2017, tổ trứng đầu tiên không chỉ nở vài con như anh kỳ vọng, mà nở đến 100%. Một kết quả ngoài sức tưởng tượng của những chuyên gia nghiên cứu về rùa. Anh Vũ nhớ lại: “Chúng tôi sững sờ, không ai hình dung được kết quả “kinh khủng” đến mức ấy”. 

Những con số 1000km đường xa, 6 giờ vàng di chuyển trứng kể từ sau khi đẻ…đã không còn là rào cản nữa. Thay vào đó là con số 100% kỳ tích. 5 tổ trứng còn lại, đàn rùa con cùng lúc ùa ra. Trứng đã nở thành công trên 90%. Chuyến đầu “thắng lớn”, có kinh nghiệm nên các lần ấp năm sau, tỉ lệ nở vẫn duy trì ở mức trên 90%. Cách đây mấy hôm, BQL báo tin lứa trứng cuối cùng của năm nay đã nở. Dù bị sóng to gió lớn hù dọa, mọi người phải dựng bao cát che chắn, trứng vẫn giữ tỉ lệ nở thành công như những đợt trước. Suốt 3 năm qua, 1.900 quả trứng từ Côn Đảo đã nở ra hơn 1.700 chú rùa về biển Cù Lao Chàm.

Những lần rùa “vỡ tổ”, bãi Bấc chìm trong niềm vui lẫn xúc động của BQL, chiến sĩ, cán bộ địa phương và bà con trên đảo. Có đợt, mọi người còn “livestream” cho những người ở xa không kịp về xem rùa xuống nước. Ngỡ như giấc mơ, có ngày trên hòn đảo Cù Lao Chàm lại được thấy hàng trăm chú rùa con theo đàn ra biển. “Chúng tôi đã cùng lúc trả lời được rất nhiều câu hỏi. Trước hết, điều kiện tự nhiên ở Cù Lao Chàm có phục vụ phục hồi và bảo tồn rùa được hay không? Tất nhiên là được! Thứ hai, trứng vượt ngàn cây số có nở được hay không? Kết quả đã thay câu trả lời. Và còn nhiều vấn đề mà khi kết thúc đề tài này vào năm 2020 sẽ có lời giải đáp”, anh Vũ tự tin.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, việc ấp nở trứng rùa ngay trên đảo suốt 3 năm qua còn giúp người dân nhận thức tốt hơn trong việc bảo tồn rùa biển. “Trước đây họ lấy trứng ăn, xẻ thịt rùa, bây giờ không ai làm vậy nữa. Gặp rùa mắc lưới, điều đầu tiên bà con làm là báo cho BQL Khu bảo tồn. Hay như lần phát hiện rùa đẻ trứng dưới nước vào năm 2017, người dân đã tự nguyện đưa trứng rùa đến BQL để đem tới bãi ấp”, ông Hùng cho hay. 
    

Gọi rùa quay về đảo

Anh Vũ cho hay, mấy năm trở lại đây, người dân trên đảo phát hiện rùa quay về Cù Lao Chàm nhưng không dám lên bãi đẻ vì du khách tấp nập, tàu thuyền ra vào thường xuyên...khiến rùa hoảng sợ. Cùng với giải pháp chuyển vị trứng rùa bổ sung nguồn giống trong tự nhiên đã có thành công bước đầu, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đang hướng đến bảo tồn “nguyên vị”. “Nói dễ hiểu là mình sẽ phải bảo vệ các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, điều chỉnh hoạt động du lịch, giải quyết việc khai thác hải sản tại các vùng nước trước bãi cát…để mỗi lần rùa lên “tiền trạm” sẽ thấy yên ổn, an tâm vào đẻ trứng”, anh giải thích. Hiện tại, bãi Bấc đã được chọn làm khu bảo tồn rùa biển, nơi này hoàn toàn không có hoạt động kinh tế, sinh kế. Người dân khai thác thủy sản ở đây sẽ chuyển sang vùng biển khác để rùa có thể từ biển bơi vào đẻ trứng. 

Anh Vũ thông tin thêm, rùa rất ghiền sứa biển, thấy bao ni lông lầm tưởng sứa là ăn ngay. Trong kế hoạch bảo tồn rùa biển dài hơi, BQL nhắm đến mục tiêu nói không với túi ni lông, ống hút nhựa, đồ dùng một lần. Trước đó, từng có trường hợp rùa bị “bội thực” rác thải nhựa được bà con trên đảo phát hiện. Dù đưa ra Đà Nẵng phẫu thuật nội soi gắp rác song chú rùa vẫn không qua khỏi.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.