Ngân hạnh - Chờ lan nhanh trên rừng, dưới phố

Ngân hạnh - Chờ lan nhanh trên rừng, dưới phố
TP - Tại Vườn ươm ở Bản Dọi, Bản Muống thuộc xã Phiêng Luông (Mộc Châu, Sơn La) đang có hơn 10 triệu cây môi trường được các đội viên thuộc Tổng đội TNXP Vạn Xuân chăm sóc mong sớm được lên rừng, xuống phố…

Anh Nguyễn Văn Cùng cho biết, đến kiểm tra dự án Làng Thanh niên xung phong Vạn Xuân ở Phiêng Luông, anh Võ Văn Thưởng - Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS  Hồ Chí Minh rất quan tâm tới việc nhân giống cây ngân hạnh.

Anh nhắc nhở các đội viên làm việc tại vườn ươm phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc cây, theo dõi sát sao sự sinh trưởng của cây trong điều kiện thời tiết khí hậu, thổ nhưỡng mới để có thể sớm đưa ngân hạnh vào kế hoạch trồng rừng.

Khoảng đầu năm 2002, sau ngày Tổng đội Thanh niên Xung phong Vạn Xuân được T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ NN&PTNT cùng UBND Tỉnh Sơn La cho phép tiếp nhận 48 ha đất ở xã Phiêng Luông (Mộc Châu, Sơn La) để xây dựng khu vườn ươm giống và khu trồng khảo nghiệm cây ngân hạnh, anh Nguyễn Văn Cùng - Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Vạn Xuân, thông báo ngay với tôi tin vui này.

Tôi biết, trước đó, khi đến Hàn Quốc công tác, thấy những hàng cây ngân hạnh ở Thủ đô Seoul, anh  mê mẩn trước vẻ đẹp của nó. Gặp bạn bè làm việc tại Viện Nghiên cứu Môi trường Rừng Jeollabuk - DO (Hàn Quốc), tìm hiểu về cây ngân hạnh, nhận rõ giá trị của giống cây này, anh càng mong sớm đưa ngân hạnh về trồng ở Việt Nam.

Ngân hạnh - Chờ lan nhanh trên rừng, dưới phố ảnh 1
Thứu trưởng Hứa Đức Nhị, anh Nguyễn Văn Cùng trao đổi kinh nghiệm chăm sóc ngân hạnh tại Bản Muống. Ảnh : Trung Hiền

Cây ngân hạnh (tên khoa học: GinKgo Biloba line) được trồng ở nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Ý, Mỹ, Bỉ... Tại Hàn Quốc, đến đâu cũng thấy ngân hạnh. Đây là loại cây có sức sống cao, thân cây thẳng, về mùa thu lá chuyển từ màu xanh ngọc sang vàng rất đẹp. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Hàn Quốc, ngân hạnh có khả năng hấp thụ khí thải, bụi công nghiệp.

Khả năng quang hợp của cây thật kỳ lạ. Nó có thể hút khí Carbonic (CO2) gấp ba lần và nhả ra oxy (O2) gấp 5-6 lần loại cây khác. Nó còn góp phần làm sạch chất thải có kim loại nặng. Nếu ngân hạnh trồng quy mô rộng ở các thành phố công nghiệp sẽ mang lại lợi ích về môi trường to lớn. Có người gọi ngân hạnh là cây môi trường.

Ngân hạnh rất ít bắt lửa nên nó có khả năng tạo vành đai cản lửa tốt. Anh Cùng nhận thấy, nếu được trồng ở rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ thì triển vọng phát triển cây ngân hạnh ở ta là rất lớn. Đây là giống cây cần được nghiên cứu để đưa vào chương trình trồng năm triệu ha rừng.

Ngân hạnh cũng là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Hoa,  quả ngân hạnh (còn gọi là bạch quả) được y học cổ truyền phương đông dùng làm thuốc tiêu đờm, chữa hen, trị khí hư, tiêu độc, sát trùng.

Các hoạt chất trong lá ngân hạnh có tác dụng bổ não, chống lão hóa, giúp người già khôi phục trí nhớ. Cao lá ngân hạnh còn có tác dụng phòng và điều trị các bệnh tổn thương các mạch máu ở não, đau đầu chóng mặt. Gần đây các nhà khoa học Đức, Ý còn cho biết, cao lá ngân hạnh được dùng trong điều trị suy nhược sinh dục ở nam giới.

Thấy giá trị về môi trường, kinh tế của cây ngân hạnh, sau một thời gian thuyết phục các cơ quan chức năng, niềm vui đã đến với anh Cùng. Ngân hạnh được trồng khảo nghiệm ở Phiêng Luông. Nhiều năm qua, tôi cùng anh và những đội viên TNXP Vạn Xuân tại Vườn ươm Bản Dọi, Bản Muống theo dõi từng ngày sự phát triển của ngân hạnh.

Từ Phiêng Luông

Cuối tháng 5 vừa qua, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Hứa Đức Nhị dẫn đầu đi kiểm tra công tác trồng rừng ở Lai Châu, Sơn La  ghé tận Bản Muống kiểm tra việc nhân giống ngân hạnh. Thứ trưởng cùng các chuyên gia trồng rừng có những nhận xét khả quan về sự sinh trưởng của cây và mong muốn trước mắt ngân hạnh sẽ được trồng trên diện tích rừng phòng hộ ở Phiêng Luông.

Ngay tối hôm đó, Phó Chủ tịch Huyện Mộc Châu Nguyễn Văn Vinh triệu tập cuộc họp. Dự họp, tôi mới hiểu để đưa ngân hạnh sớm đến với rừng không đơn giản. Thắc mắc, băn khoăn của người trồng rừng còn đó. Ông Lường Văn Giang - Trưởng Bản Phiêng Hạ, bà Lò Thị Liên - Trưởng bản Muống nêu những băn khoăn của dân về quyền lợi của người trồng rừng. Ông Giàng - Trưởng bản 83 lại lo thiếu đất sản xuất, một số diện tích đất quy hoạch trồng rừng, dân đã trồng ngô bây giờ giải quyết thế nào. Nhưng khi nhận rõ giá trị trồng ngân hạnh cũng như quyền lợi của người trồng rừng, các trưởng bản đều đồng lòng cùng vận động dân trồng 82 ha ngân hạnh.

Mong sớm lên rừng, xuống phố

Ở Vườn ươm Bản Muống và Bản Dọi đã có trên 10 triệu cây ngân hạnh giống có thể đưa ra trồng. Nhiều năm ươm trồng ngân hạnh và thu thập những tài liệu khoa học, những người quan tâm ngân hạnh đã gửi tới các cơ quan chức năng, nhưng họ vẫn chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền công nhận giống cây này để có thể triển khai  nhân  rộng diện tích trồng - Tổng đội trưởng TNXP Vạn Xuân băn khoăn - Nếu mãi chỉ là trồng thử nghiệm không nhân rộng ngay thì cả triệu cây ngân hạnh   sống trong vườn ươm sẽ chăm sóc ra sao?

Anh Cùng cho biết thêm, hiện nay ở trong nước có nhiều cơ sở chế biến dược phẩm đã sử dụng lá ngân hạnh chế biến thuốc điển hình như TRAPHACO bào chế hoạt huyết dưỡng não,  BILOBA của Cty Dược vật tư Y tế Vĩnh Phúc… Anh đã thu hái lá ngân hạnh trồng ở Bản Muống gửi đi xác định giá trị về dược liệu để chủ động tìm đến các cơ sở chế biến thuốc tìm đầu ra cho lá ngân hạnh trong tương lai.

Nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Tổng đội TNXP Vạn Xuân đề nghị được gửi tặng 1.000 cây ngân hạnh giống để trồng tại các đường phố thủ đô. Đề nghị này được ông Phạm Quang Long - Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, người tận thấy cây ngân hạnh ở thủ đô Seoul và nhiều nơi trên thế giới, hoan nghênh đón nhận và đã báo cáo lên lãnh đạo Thành phố Hà Nội.

Cũng như những người nhiều năm buồn vui cùng ngân hạnh, tôi mong ngân hạnh sớm lên rừng, xuống phố, mang lại lợi ích cho đời…

MỚI - NÓNG