Ngân hàng trước 'sức ép kỷ nguyên số' Fintech

Xu hướng số hóa các lĩnh vực tài chính là sức ép khiến các ngân hàng phải thay đổi kinh doanh truyền thống
Xu hướng số hóa các lĩnh vực tài chính là sức ép khiến các ngân hàng phải thay đổi kinh doanh truyền thống
TPO - Sự phát triển của Fintech và việc hợp tác giữa Fintech và ngân hàng được coi là tiền đề cho việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng cho người sử dụng tại Việt Nam.

Ngày 30/5, Diễn đàn Công nghệ Tài chính Việt Nam 2018 đã diễn ra. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng và Bộ trưởng khoa học công nghệ Chu Ngọc Anh cùng hơn 300 đại biểu, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước, các ngân hàng thương mại và đặc biệt là các doanh nghiệp Fintech Việt Nam và quốc tế cùng tham dự.

Phát biểu tại Diễn đàn sáng nay, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Fintech đối với hệ thống tài chính - ngân hàng của Việt Nam trong “kỷ nguyên số”. Theo Thống đốc, sự hợp tác của Fintech và ngân hàng có thể đóng góp vào mục tiêu mở rộng phổ cập tài chính, xóa giảm đói nghèo, tăng cường công bằng xã hội và phát triển kinh tế bền vững.

“Lĩnh vực Fintech vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam, hiện mới có khoảng trên 80 công ty Fintech đang hoạt động với lĩnh vực hoạt động còn hạn chế. Các doanh nghiệp này còn gặp không ít khó khăn trong triển khai mô hình kinh doanh; huy động vốn và khuôn khổ pháp lý cũng như sự dè dặt các ngân hàng trong việc hợp tác với các công ty Fintech... Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ sinh thái Fintech, đảm bảo khuôn khổ pháp lý và hỗ trợ cho hoạt động của loại hình doanh nghiệp này. Từ đó thúc đẩy hợp tác giữa ngân hàng và Fintech tạo sức mạnh cộng hưởng cho thị trường dịch vụ ngân hàng”. Thống đốc Hưng nói.

Fintech (viết tắt của Financial Technology - tạm dịch là công nghệ trong tài chính) được sử dụng chung cho tất cả các công ty sử dụng internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư. Fintech có thể tái định hình ngành tài chính, tác động rất mạnh đến các thành phần quan trọng nhất của ngành này.

Hiện tại các công ty cho vay P2P (kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay trên Internet) đã hoạt động khá hiệu quả, giúp rút ngắn thời gian phê duyệt các khoản vay từ vài tuần ở các ngân hàng truyền thống xuống chỉ còn vài giờ. Theo dự đoán của Morgan Stanley, khối lượng các khoản vay trực tuyến ở Mỹ sẽ chạm mốc 120 tỷ USD vào cuối thập kỷ này, so với con số khiêm tốn 20 tỷ USD của năm 2015.

Ông Dominic Mellor, chuyên viên đầu tư cấp cao, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết: “Ngân hàng Phát triển Châu Á luôn sẵn sàng hỗ trợ NHNN ở cả hai mục tiêu là khuyến khích phát triển Fintech cũng như hoàn thiện hàng lang pháp lý. Việt Nam đang có những lợi thế đặc biệt, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin, để từ đó làm nền tảng phát triển fitech nhằm hướng tới mục tiêu phổ cập tài chính”.

Còn theo ông Nghiêm Thanh Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Fintech NHNN, vai trò của cơ quan quản lý trong việc kết nối giữa các doanh nghiệp Fintech và các ngân hàng thương mại đó là  NHNN là ban hành khuôn khổ pháp lý, tạo chất xúc tác, học hỏi các kinh nghiệm. Đánh giá về các doanh nghiệp Fintech Việt Nam, ông Sơn cho rằng hoạt động và các sản phẩm của doanh nghiệp Fitech Việt hiện được đánh giá khá tốt, đặc biệt trong phối hợp với các ngân hàng. Ông Sơn cũng khẳng định trước xu hướng số hóa trong mọi lĩnh vực, lĩnh vực ngân hàng cần thay đổi mạnh mẽ. "Sự kết hợp giữa hai bên sẽ khắc phục ưu nhược điểm của nhau". ông Sơn nói.

Hiện các xu hướng công nghệ tài chính trên thế giới có 2 mục tiêu chính: thay thế kênh truyền thống bằng cách giảm chi phí, tăng độ tiện dụng và trải nghiệm của khách hàng và khai thác thị trường mới thông qua công nghệ đặc biệt là đối với phân khúc khách hàng cá nhân. Đối với thị trường Việt Nam khi tỷ lệ phổ cập dịch vụ tài chính của người dân còn rất thấp đặc biệt là khu vụ nông thôn thì các giải pháp công nghệ để tiếp cận và phổ cập dịch vụ tài chính sẽ là xu hướng chính trong thời gian tới.

Với mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các dịch vụ tài chính - ngân hàng, phát triển phổ cập tài chính sâu rộng hơn nữa tại Việt Nam, Cuộc thi “Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính” được tổ chức trong suốt 6 tháng qua với sự tham gia của 141 công ty Fintech (trong đó có 45 công ty Việt Nam và 96 công ty nước ngoài) đến từ 27 quốc gia thuộc 5 Châu lục  với 05 chủ đề tập trung vào 05 lĩnh vực cốt lõi của Fintech.

Tại diễn đàn  đã diễn ra Chung kết FCV là nơi 15 ứng viên chung cuộc trình bày các giải pháp nhằm giải quyết một số thách thức trên hành trình phổ cập tài chính ở Việt Nam. Ban Giám khảo của FCV bao gồm các chuyên gia Fintech đến từ Việt Nam và quốc tế đã lựa chọn ra 6 đội khởi nghiệp xuất sắc nhất đạt các giải của Ban Tổ chức, trong đó có các đội đến từ Việt Nam, Trung Quốc, Hoa Kỳ.

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.