Ngân hàng thành “hiệu cầm đồ“: Bên bảo lãnh không có quyền, chỉ có nghĩa vụ!

Bà Mùi, bà Nguyệt đang có nguy cơ bị ngân hàng xiết nhà
Bà Mùi, bà Nguyệt đang có nguy cơ bị ngân hàng xiết nhà
TP - Trong việc xác lập và thực hiện hợp đồng tín dụng, về lý thuyết bên bảo lãnh có các quyền bình đẳng với các bên khác.

Tuy nhiên, thực tế chỉ có bên cho vay và bên vay mới có đầy đủ các quyền, chẳng hạn đàm phán trước khi ký kết hợp đồng, còn bên bảo lãnh chỉ có nghĩa vụ (trả nợ thay cho bên vay) mà không có quyền gì, kể cả “quyền được biết” về hợp đồng tín dụng mà mình bảo lãnh.

Đây là một trong những nghịch lý khiến ngân hàng đang bị nhiều người xem là “hiệu cầm đồ”.

“Quyền được biết” bị từ chối!

Bà Vũ Thị Thảo (sinh năm 1962, trú tại tổ 24 Lạc Trung, phường Thanh Lương, Hai Bà Trưng, Hà Nội) có đơn gửi báo Tiền Phong, trình bày: Do có nhu cầu vay tiền, qua giới thiệu, bà Thảo gặp bà Nguyễn Thị Hải Yến, giám đốc Cty cổ phần Cát Nam Phong (trụ sở 30, ngõ 144, phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội).

Bà Yến yêu cầu bà Thảo giao sổ đỏ nhà đất cho bà Yến, và ký một số giấy tờ. Kết quả bà Thảo được bà Yến cho vay 300 triệu đồng. Sau đó, có người cho bà Thảo biết bà Yến đã thế chấp sổ đỏ vào Ngân hàng M. để vay gần 2 tỷ đồng.

Sau khi tư vấn luật sư, bà Thảo đến Phòng công chứng, đề nghị cấp lại Hợp đồng thế chấp bà đã ký. Bấy giờ bà Thảo mới biết, ngày 29/3/2013, bà đã ký Hợp đồng thế chấp với Ngân hàng M. Chi nhánh Hoàn Kiếm; theo đó, bà đã dùng nhà đất của mình để bảo lãnh cho “tất cả các nghĩa vụ của Cty Cát Nam Phong đối với bên ngân hàng theo các hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo lãnh, L/C và các hợp đồng được ký kết giữa bên ngân hàng và Cát Nam Phong, với tổng các nghĩa vụ được bảo đảm tối đa (…) không vượt quá giá trị tài sản thế chấp là 2.295.800.000 đồng”.

Đọc những dòng trên, bà Thảo chịu chết không biết mình đang bảo lãnh cho khoản vay nào, sử dụng vào mục đích gì, thời hạn trả nợ bao lâu… Với tư cách một bên của Hợp đồng thế chấp, bà Thảo gửi đơn tới Ngân hàng M.: “Đề nghị ngân hàng cung cấp cho tôi bản sao các hợp đồng tín dụng, để tôi được biết rõ quyền và nghĩa vụ của mình”.

Sau một số lần gửi đơn và trực tiếp đến gặp, bà Thảo nhận được một văn bản phúc đáp, theo đó Ngân hàng M. từ chối cấp bản sao hợp đồng tín dụng cho bà Thảo, chỉ cho biết: “Giá trị hạn mức tín dụng 10 tỷ đồng; thời hạn giải ngân đến hết ngày 31/01/2014”.

Lại có dấu hiệu hình sự

Ngoài bà Thảo, bà Yến còn dùng sổ đỏ của hàng loạt người khác thế chấp cho các ngân hàng để vay tiền, trong đó có bà Trần Thị Mùi ở tổ 24, cụm 3, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ (Hà Nội); bà Chu Thị Kim Nguyệt ở số 4B ngách 11/44 Tô Ngọc Vân, phường Quảng An, quận Tây Hồ (Hà Nội)...

Với bà Mùi, bà Nguyệt, bà Yến ký cùng lúc hai “hợp đồng mua bán” với họ. Hợp đồng thứ nhất không công chứng, ghi mua bán có kỳ hạn (?!), hết hạn bên bán được “mua lại” nhà của mình (thực chất bà Yến cho các “khổ chủ” này vay tiền).

Hợp đồng thứ hai có công chứng, mua đứt bán đoạn, tuy nhiên giá mua bán rất thấp (bằng khoản tiền bà Yến cho các “khổ chủ” vay). Với “chiêu” này, bà Yến sang tên mình trên sổ đỏ của các “khổ chủ”, rồi thế chấp vào ngân hàng, bảo lãnh cho Cty Cát Nam Phong vay tiền.

Theo điều tra của các PV, Cty Cát Nam Phong do bà Yến làm giám đốc hầu như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh cụ thể nào, ngoài những “dự án” được “vẽ” ra để vay tiền ngân hàng. Hiện bà Yến đã bỏ đi khỏi nơi cư trú, để lại cho Cty Cát Nam Phong rất nhiều khoản nợ tín dụng.

Một nguồn tin cho biết, trong các dự án bà Yến “vẽ” ra, có dự án cung cấp thiết bị nâng cấp “Khu Resort 115 phòng đẳng cấp quốc tế tại phố biển Quy Nhơn”. Hợp đồng với chủ đầu tư là “ảo”, mặc dù resort kia có thật. Bà Yến cũng lập một số Cty “vệ tinh” do người thân làm giám đốc. Các khoản vay tín dụng được giải ngân vào tài khoản các Cty vệ tinh, để “mua thiết bị cung cấp cho resort”, thực chất để bà Yến rút tiền ra sử dụng vào việc khác.

Cần căn chỉnh hoạt động tín dụng

Trong cả hai vụ việc Tiền Phong nêu ở số báo trước và số báo này, tiền vốn vay ngân hàng đều không được bên vay sử dụng đúng phương án sản xuất - kinh doanh. Ngân hàng dường như chỉ coi trọng nắm giữ và xử lý tài sản bảo đảm, bất chấp việc sử dụng vốn vay ra sao, vô hình trung đã tự biến thành “hiệu cầm đồ”.

Trong cả hai vụ việc, bên bảo lãnh không được biết phương án sản xuất - kinh doanh, phương án trả nợ của bên vay, cũng không được biết các hợp đồng tín dụng mà họ có nghĩa vụ bảo lãnh. Sự bất bình đẳng còn tiếp tục trong hoạt động tố tụng. Tại phiên tòa sơ thẩm vụ tranh chấp liên quan đến Ngân hàng S, khi bên bảo lãnh đề nghị Tòa tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu do xác định sai chủ thể, bà chủ tọa tuyên bố “do bên nguyên và bên bị không tranh chấp hợp đồng này, nên tòa không xem xét”!

Bên bảo lãnh trong vụ án liên quan đến Ngân hàng S đã có đơn khiếu nại giám đốc thẩm, gửi đến cấp có thẩm quyền. Còn những “khổ chủ” trong số báo này như bà Thảo, bà Mùi, bà Nguyệt đã làm đơn tố cáo đối tượng Yến, đơn đã được Công an quận Đống Đa thụ lý. 

Qua những trường hợp cụ thể đã nêu, Tiền Phong sẽ tham vấn ý kiến các chuyên gia về những bất cập pháp luật, cần phải được khắc phục, để tránh tái diễn những vụ việc tương tự.

(Còn nữa)

“Tổ chức tín dụng phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi, khả năng tài chính của mình, mục đích sử dụng vốn hợp pháp, biện pháp bảo đảm tiền vay trước khi quyết định cấp tín dụng; Tổ chức tín dụng phải tổ chức xét duyệt cấp tín dụng theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cấp tín dụng; Tổ chức tín dụng có quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng; Tổ chức tín dụng có quyền yêu cầu khách hàng vay báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích vay vốn”.

Trích Điều 94 Luật Các tổ chức tín dụng
MỚI - NÓNG