Ngân hàng nên tăng kiểm soát dòng tiền

TP - Đó là quan điểm của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trước đề xuất ngân hàng nên mở rộng cơ chế vay tín chấp (cho doanh nghiệp - DN) sáng 5/11 trong cuộc tiếp xúc với một doanh nghiệp ở Sóc Trăng. 
Ngân hàng nên tăng kiểm soát dòng tiền ảnh 1

Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại nhà máy chế biến sản xuất lúa gạo lớn nhất tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: K.H

Trình bày với Thống đốc, bà Trần Thị Thanh Nga - Tổng giám đốc DN Thành Tín kiến nghị: “Nhờ có nguồn vốn vay ngân hàng (NH) công ty mừng vì có nguồn vốn mua lúa cho nông dân; nông dân cũng mừng khi thấy DN chúng tôi cam kết. Gạo của công ty là gạo có chất lượng, không dùng thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, có một vấn đề là hiện tại vốn vay ngân hàng chưa đủ, chúng tôi có nhu cầu vay thêm nhưng về phía công ty tài sản gì thế chấp được chúng tôi đã thế chấp rồi. Chúng tôi chỉ xin đề xuất nếu có thể được đề nghị tư Thống đốc và các ngân hàng thương mai (NHTM) xem xét cho tăng vay phần tín chấp lên để DN không mất cơ hội thu mua hay xuất khẩu lúa gạo”.

“Cuộc sống lúc nào cũng có rủi ro. Tuy nhiên nếu rủi ro đó nằm ở khách quan thì cũng đừng hình sự hóa. Có vậy, NH và DN mới hỗ trợ nhau được”.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình

Xuống tận nơi quan sát ngắm nhìn cơ ngơi của DN; xem quy trình từ thu mua; sản xuất cho tới khi lúa gạo được vận chuyển theo dây chuyền ra thuyền ngoài sông, Thống đốc Bình tấm tắc trước quy mô làm ăn bài bản và hiệu quả của DN. Trả lời đề xuất này của DN, ông Bình nhìn nhận: Ngoài nhà máy, công ty còn liên kết với nông dân (từ thu mua - chế biến - gom vào). Tôi rất ấn tượng với mô hình sản xuất lúa gạo của DN.


Về nhu cầu vốn, đặc biệt là kiến nghị vay tín chấp, tôi thấy nếu mô hình tốt có hiệu quả, DN tốt thì NHTM nên sẵn sàng cho vay. Ở đây cũng cần lưu ý thay vì chăm chăm nhìn vào kiểm soát tài sản cho vay vốn, NH nên tăng kiểm soát dòng tiền. Ví dụ như ở đây chị Nga có đề án sản xuất điện sử dụng trấu. Hiện tại ta mới sản xuất gạo còn những sản phẩm từ lúa gạo vẫn rất ít. Tôi đề nghị BIDV là ngân hàng chủ lực, ngoài ra các NH khác đồng tài trợ; làm sao cho đúng khẩu hiệu nếu DN có dự án khả thi, dự án hiệu quả kiểm soát tốt thì ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ. 

Cùng ngày, NHNN đã tổ chức Hội thảo “Vai trò của ngân hàng trong việc tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL”. Đồng thời tổ chức lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa 6 DN của 6 tỉnh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Hải Phòng, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Thanh Hóa đại diện cho DN được lựa chọn lần này với các NHTM. Việc lựa chọn DN tham gia chương trình cho vay thí điểm, mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao lần này là đợt cuối cùng theo chỉ đạo của Chính phủ, nâng tổng số DN được phê duyệt tham gia chương trình là 27 DN thực hiện 30 dự án tại 22 tỉnh, thành phố với số tiền các NHTM đã ký kết với các DN tham gia chương trình lên tới hơn 4.600 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG