Các ngành có tỷ trọng vốn hóa lớn như dầu khí, bất động sản hay ngân hàng đều có mức tăng trưởng lợi nhuận cao, lần lượt là 70,1%, 50,5% và 48%. Tuy nhiên những thông tin KQKD tích cực không có nhiều tác động tới tâm lý nhà đầu tư. Một phần do thông tin này công bố vào đúng giai đoạn thị trường điều chỉnh, mặt khác những thông tin này phần nào được dự báo và phản ánh dần vào giá trong giai đoạn vừa qua. Diễn biến điển hình ở nhóm các cổ phiếu ngân hàng, thông tin kết quả tốt giá cổ phiếu cũng không lên, nhưng KQKD không đạt kỳ vọng giá sẽ giảm mạnh
Cùng đó, nhiều ngân hàng vừa báo lãi kinh doanh ngoại hối. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2018, đã có 20 ngân hàng công bố báo cáo tài chính. Trong đó, 16/20 nhà băng có tăng trưởng dương ở mảng kinh doanh ngoại hối trong 9 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng còn tăng trưởng rất cao trên 100%.
Dù bị giảm 6% so với cùng kỳ, Vietcombank vẫn có mức lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt hơn 1.600 tỷ đồng, bỏ xa loạt ngân hàng phía sau. Còn VPBank cùng kỳ năm ngoái bị lỗ tới 43 tỷ thì 3 quý đầu năm nay có lãi tới 251 tỷ đồng; VietCapitalBank hoạt động kinh doanh ngoại hối có lãi 115 tỷ (tăng gần 3 lần) là động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận. Còn BIDV - hiện là một trong những ngân hàng có thị phần lớn nhất trên thị trường ngoại hối cũng có tăng trưởng lãi kinh doanh ngoại hối tới 55% đạt 797 tỷ đồng.
Năm 2018, cùng với biến động của thị trường thế giới khi đồng USD liên tục tăng giá, còn NDT lại mất giá, tiền đồng của Việt nam cũng ít nhiều bị tác động ảnh hưởng. Tuy chưa tăng hết 3% biên độ như dự báo, nhưng VND cũng đã liên tục lên xuống thay đổi. Đây cũng là cơ hội tốt cho các tổ chức tín dụng biết kinh doanh ngoại tệ cũng như tạo thanh khoản cao mua vào- bán ra trên thị trường này.