Ngân hàng kén chọn nhà đất thế chấp
> Định giá đất không thể tù mù
> Giải cứu BĐS: Ngân hàng, doanh nghiệp 'níu' nhau gặp khó
Khách hàng nộp hồ sơ vay vốn, nhưng bị nhà băng từ chối vì chê đất dành để thế chấp có mặt tiền quá nhỏ, ngõ vào hẹp.
Nhiều khách hàng muốn vay vốn nhưng bị nhà băng chê đất dành để thế chấp có diện tích nhỏ, ngõ vào nhà hẹp. Ảnh: Hoàng Lan. |
Có nhu cầu vay 300 triệu đồng để sửa căn nhà cho sinh viên thuê, vợ chồng anh Đinh Mạnh Thắng, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội liên hệ với một nhà băng cổ phần có chi nhánh ngay địa bàn. Sau khi mục sở thị tài sản thế chấp của anh Thắng, nhân viên ngân hàng từ chối cho vay với lý do nhà có mặt tiền nhà quá nhỏ, ngõ vào hẹp. Căn nhà anh Thắng định thế chấp có diện tích 60m2, mặt tiền 3m, ngõ vào rộng 1,8m.
Nhân viên này cho biết thêm, đất ở một số địa bàn như Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh... do khó mua bán nên gần như bị xếp vào dạng sổ đen tại các nhà băng. "Tài sản thế chấp ở những khu vực này phải thẩm định rất kỹ, yêu cầu cao hơn so với những khu vực khác. Ví dụ như mặt tiền phải rộng 3,5m trở lên, ngõ rộng từ 3m... mới được vay", anh này nói.
Anh Thân Văn Nam cũng có nhu cầu vay vốn và thế chấp tài sản là một mảnh đất 400m2 tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh (Hà Nội). Gửi hồ sơ qua 2 ngân hàng đều bị từ chối với lý do tài sản thế chấp không đủ điều kiện, đất của anh Nam nằm ở khu vực ngoại thành, hơn nữa lại không phải ở khu vực trung tâm của huyện Đông Anh.
Nhân viên các nhà băng này cho biết thêm, hiện thị trường bất động sản đóng băng, đất các khu vực ngoại thành có tính thanh khoản thấp nên không được ngân hàng đánh giá cao.
Anh Nguyễn Văn Đông, nhân viên tín dụng một nhà băng cổ phần có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm cho biết, hiện ở ngân hàng anh, đất ở các khu vực ngoại thành hoặc phía Tây thành phố được thẩm định khá chặt, điểm hồ sơ phải rất cao thì khách hàng mới có thể vay được.
"Đa số ngân hàng bị 'dính' khá nhiều nợ xấu ở các khu vực này. Hơn nữa, sau khi phát mãi tài sản ở đây giá giảm rất mạnh và khó bán nên việc thu hồi vốn không đơn giản. Do đó, nhiều nhà băng đặt đất ở những khu vực này vào tình trạng 'cảnh báo'". Khách hàng muốn vay phải đáp ứng điều kiện khá ngặt nghèo", anh Đông cho biết.
Các điều kiện đó theo anh Đông là diện tích đất phải từ 40m2 trở lên, mặt tiền rộng không dưới 4m, ngõ vào nhà không quá sâu và phải rộng trên 3m. “Đó là còn chưa kể đến các phương án trả nợ phải rất khả thi, khách hàng phải có nguồn thu nhập ổn định”, anh Đông nói.
Anh Hoàng Thu Trang, nhân viên tín dụng chi nhánh một nhà băng tại Cầu Giấy cho biết, mặc dù nới tín dụng với hơn so với hồi đầu năm nhưng tại ngân hàng chị đang làm việc, quy định về tài sản thế chấp cao hơn trước rất nhiều. "Mặc dù đều có đầy đủ sổ đỏ nhưng những hồ sơ mà tài sản thế chấp có ngõ vào nhỏ, diện tích hẹp hoặc méo mó đều không được duyệt. Nếu có vay được thì tài sản cũng bị thẩm định rẻ hơn nhiều so với đất trong cùng khu vực", chị này cho biết.
Chuyên viên phòng thu hồi nợ một nhà băng cổ phần cho biết, tỷ lệ nợ xấu của nhiều ngân hàng ‘nằm chết’ ở các khu vực đất ngoại thành một thời bị đẩy giá lên rất cao như Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh, Xuân Mai, Ba Vì… Giờ ngân hàng muốn thu hồi cũng không dễ bởi giá đất đã sụt giảm quá nhiều so với trước đây, phát mãi là chịu lỗ, hơn nữa thanh khoản rất kém.
"Vì thế, đất ở những khu vực này bị xếp vào diện 'cảnh báo', hồ sơ tín dụng thường bị 'soi' rất kỹ. Bất động sản phải rất đẹp mới may mắn được duyệt cho vay", anh này nói.
Ông Phạm Huy Khang, Phó tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank - STB) cho biết mỗi ngân hàng có quy định khác nhau về tài sản thế chấp. "Thậm chí tùy từng khu vực sẽ có quy định khác nhau. Những khu vực đất thanh khoản tốt luôn được 'chấm điểm' cao hơn những nơi có thanh khoản thấp", ông Khang nói.
Bình luận về tình trạng trên, Phó tổng giám đốc một nhà băng cho rằng, các ngân hàng hiện đã cảnh giác hơn trước tình trạng nợ xấu. Do đó, việc 'siết' các quy định vay vốn cũng là điều dễ hiểu và điều này là một tín hiệu tích cực của hệ thống ngân hàng.
"Đất ở những khu vực ngoại thành có thời điểm 'sôt' bị thổi giá lên rất cao nên không ít ngân hàng 'dính' rất nhiều nợ xấu ở khu vực này và có nguy cơ không đòi được do không thể bán được tài sản. Trong khi đó, đất ở khu vực trung tâm dù sao thanh khoản vẫn tốt hơn, giá cả cũng giữ giá hơn so với ngoại thành", ông này cho hay.
Theo VnExpress